Phóng to |
Lưng đã còng nhưng mỗi ngày bà Vệ vẫn xoay quanh những mẻ đất sét để chế tác gốm - Ảnh: VIỄN SỰ |
Người Chăm ở Bàu Trúc bây giờ rất quen với những chuyến ngược xuôi mang gốm vào Nam, ra Bắc dự triển lãm, hội chợ... Nhưng triển lãm gốm mà họ nhắc nhiều nhất vẫn là triển lãm gốm do bà Vệ góp sức năm 2001. Đó là lần đầu tiên gốm Bàu Trúc có một triển lãm riêng, từ đó khách nườm nượp đổ về đặt hàng gốm.
Nắm xôi đậu cho con nuôi
Đừng ham nhiều để giữ lấy nghề! Cách đây chưa lâu, từng có một dự án nhà máy gốm công nghiệp đặt ở Bàu Trúc. Trong khi không ít người làng hồ hởi thì bà Vệ lại lọ mọ chống gậy phản đối. Bà nói: “Đất sét làm gốm chỉ nằm ở những miếng ruộng ven bờ sông Quao, có nhà máy thì không mấy bữa hết đất. Đưa đất nơi khác, đưa máy móc về thì còn đâu là gốm Bàu Trúc nữa. Ông bà chỉ cho chừng đó, đừng có ham nhiều mà lo giữ lấy nghề”. Cái lý của bà đã làm nhiều người giật mình. Và may thay, dự án gốm công nghiệp ấy cuối cùng đã được xóa bỏ. |
Câu chuyện về triển lãm đã mở lối đi cho cả làng Bàu Trúc 10 năm trước của bà Vệ hóa ra được bắt đầu từ rất lâu - năm 1986 - khi bà Vệ đón cậu sinh viên đại học mỹ thuật về làng thực tập.
Đó là một sinh viên gầy gò, như bao bà mẹ Chăm khác, bà chỉ có một tấm lòng: nhường một gian nhà cho ngủ, tới bữa dọn thêm chén đũa cho ăn. Nhưng có một điều lớn hơn trong suốt một tháng ròng thực tập mà bà Vệ không nghĩ bà đã dành cho cậu sinh viên, đó là tình yêu cháy bỏng của bà với mảnh gốm Bàu Trúc.
Trong ký ức của cậu sinh viên mỹ thuật tá túc ở nhà bà Vệ ấy đến giờ vẫn nguyên vẹn hình ảnh cả nhà bà Vệ dậy từ 3g sáng để nhào đất, đội cái nắng gay gắt của đất Phan Rang suốt từ sáng đến chiều để đập, phơi, ủ đất và nặn gốm. Nhưng những chiếc xe đạp thồ gốm ngược xuôi mấy chục cây số mỗi ngày nhiều khi phải chở về nguyên xe. Bữa cơm của cậu sinh viên thực tập dùng chung với gia đình bà Vệ khá lắm cũng chỉ có khoai độn cơm ăn cùng mắm nêm, rau muống...
Ở làng có rất đông người làm gốm phải bỏ nghề, bỏ làng đi xứ khác mưu sinh, riêng bà Vệ cứ bám riết với những tảng đất sét. Bà nói với cậu sinh viên thực tập rằng bỏ gốm một ngày, không dậy sớm một ngày, không dang nắng một ngày với gốm là bà muốn bệnh, thấy lòng không yên, thấy có tội với Po Klong Chan (người có công khai lập nên nghề gốm ở Bàu Trúc vào thế kỉ thứ 12).
Suốt một tháng trời lăn lóc với gốm và cơm độn, mắm nêm trong nhà bà Vệ, ngày rời Bàu Trúc, khi cả nhà vẫn dùng bữa với nồi cơm độn thì bà Vệ tìm đâu được một nắm xôi nếp đậu đen gói trong bọc lá chuối dúi vào tay cậu sinh viên thực tập bịn rịn: “Má coi con như con ruột, nhớ về thăm má”.
Lời nhắn về thăm ấy mãi 12 năm sau cậu sinh viên đại học mỹ thuật mới thực hiện được khi đã là một họa sĩ - nhà thiết kế với cái tên Sĩ Hoàng.
Phóng to |
Bà Vệ với con nuôi Sĩ Hoàng - Ảnh tư liệu |
Cuộc triển lãm đầu tiên
Gấp 10 lần làm lúa Làng gốm Bàu Trúc, cách TP Phan Rang - Tháp Chàm 10km về phía Nam, hiện có khoảng 350 hộ làm gốm, mỗi tháng xuất xưởng gần 50.000 sản phẩm gốm mỹ nghệ và 4.000 sản phẩm gốm dân dụng. Anh Trượng Văn Tận, bí thư chi bộ khu phố Bàu Trúc, nói: “Triển lãm đầu tiên về gốm Bàu Trúc của bà Đàng Thị Vệ và họa sĩ Sĩ Hoàng đã giúp nghề gốm tìm được hướng ra. Hiện làm gốm có lãi gấp gần mười lần làm lúa”. Ông Trần Thanh Sơn - phó chủ tịch HĐND thị trấn Phước Dân - cho biết lượng khách du lịch về Bàu Trúc tham quan và mua gốm ngày một nhiều. Hiện đã có dự án xây một khu nhà truyền thống Chăm gồm năm nhà, phía trong sẽ là 19 phòng đủ tiêu chuẩn khách sạn 2 sao để đón khách. |
Về thăm bà má nuôi sau 12 năm từ ngày thực tập, Sĩ Hoàng kịp nhận ra má nuôi của mình đã già hơn nhưng xưởng gốm, ngôi nhà, nỗi vất vả với gốm và cả những... bữa cơm độn vẫn còn nguyên như trước. Những lu, lò, chum vại được nặn, nung không bán được, chất đống ngoài sân với mưa nắng.
Nhưng trong đống gốm lô nhô ấy, Sĩ Hoàng chợt thấy một số bình gốm nhỏ lạ mắt, vốn được dùng làm ống nhổ trầu. Chưa có ý định gì cụ thể nhưng như một cách để hàm ơn má nuôi, anh nhờ bà Vệ làm giúp 100 sản phẩm và mua tất cả đem vào thành phố. Những lọ gốm sau đó được Sĩ Hoàng đính thêm cườm, kết hoa văn và trưng bày làm nền cho triển lãm áo dài của mình cuối năm 1998. Kết quả là dù không có ý định bán nhưng toàn bộ bình gốm Bàu Trúc thô mộc, kết cườm lạ mắt ấy đã được khách tham quan triển lãm áo dài nài nỉ mua sạch.
Câu chuyện về những bình gốm mỹ nghệ đầu tiên ấy đã thôi thúc Sĩ Hoàng trở lại Bàu Trúc nhiều lần sau đó, với ấp ủ sẽ làm một triển lãm gốm riêng cho Bàu Trúc. Những mẫu gốm do Sĩ Hoàng vẽ, được đôi tay hơn nửa thế kỷ nặn gốm của bà Vệ nhào nặn và cho ra lò một cách nhanh chóng.
Và như một tiềm thức có sẵn, từ những mẫu gốm đầu tiên do con nuôi thiết kế, bà Vệ đã tạo thêm rất nhiều mẫu gốm mới mang những nét hoa văn đặc trưng của người Chăm mà chính Sĩ Hoàng cũng bất ngờ.
Ròng rã suốt ba năm, dưới giàn bông giấy nơi Sĩ Hoàng từng thực tập, từng ăn những chén cơm độn và chứng kiến nỗi buồn của gốm Bàu Trúc, hơn 100 mẫu gốm với 800 sản phẩm được nhào nặn từ đôi tay bà Đàng Thị Vệ và một số phụ nữ Chăm giúp sức đã rời khỏi đống củi nung một cách hoàn hảo.
Những bình gốm mỹ nghệ ấy đã đưa bà Vệ và hai người con gái của bà lần đầu tiên biết đến Sài Gòn khi được mời dự cuộc triển lãm gốm Bàu Trúc đầu tiên. 800 bình gốm được bán hết, đủ cho cả nhà bà Vệ giã từ những bữa cơm độn với mắm nêm.
Bà Vệ nói chuyện đó làm bà vui, nhưng còn chuyện vui hơn, mất ngủ tới mấy đêm khi bà được “bưng nguyên cả xưởng gốm” của mình đặt trong triển lãm, đập đất, nhào nặn cho người thành phố xem. Bởi đó là lần đầu tiên những người yêu gốm tận mắt thấy cách làm gốm thô sơ, không cần đến một dụng cụ nào còn sót lại ở một ngôi làng của người Chăm.
Của chung người Chăm
"Hồn gốm chỉ thuộc về những người Bàu Trúc như má Vệ và những bà má làm gốm ở Bàu Trúc. Vì chính họ chứ không ai khác đã đưa nghề gốm của ông cha trở thành nghệ thuật" |
Chị Lưu Thị Bứng, con gái lớn của bà Vệ, nói: “Bả già rồi nhưng ngày nào cũng chống gậy đi giáp một vòng làng”. Bà Vệ bảo đi vậy để xem đám con cháu làm gốm có ưng bụng không. Cái chân bà chậm nhưng mẻ gốm nào đang nung mà có bà đi ngang thể nào cũng được bà chỉ cho ít kinh nghiệm, khi thì kêu rút bớt củi, lúc kêu ủ thêm trấu. Và sau một vòng chân chống gậy giáp làng ấy của bà, lại có thêm những mẻ gốm đẹp được nung chín.
Bà Vệ nay đã gần 80 tuổi, không còn sức để rời xa làng dự một cuộc triển lãm nào nữa. Nhưng bà nói cái lưng cong cong của bà vẫn còn dẻo, đủ xoay cả ngàn vòng quanh cục đất sét để tạo hình nên những bình gốm. Bởi thế mà dưới giàn bông giấy, xưởng gốm của bà tuy không to, không đẹp bằng những xưởng gốm mới cất trong làng, nhưng bà vẫn không thể rời xa, vẫn đều đặn những vòng xoay nặn gốm mỗi ngày.
Từ những mẫu gốm đầu tiên cùng thực hiện với Sĩ Hoàng, sau này bà Vệ còn tạo ra hàng trăm mẫu gốm khác. Hỏi bà có giữ bản quyền không, bà cười nheo mắt bảo chẳng biết bản quyền là gì. Mẫu gốm bà nghĩ ra, bà con trong làng ai thích thì cứ làm theo. Bà bảo những mẫu gốm ấy, hoa văn lấy ý tưởng từ tháp Chăm, từ ngọn núi Chà Bang, từ hàng rào cây chùm bầu quanh làng... Tất cả, cũng như nghề gốm này, là của chung những ai mang dòng máu Chăm, đâu phải của riêng bà mà giữ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận