29/05/2022 10:40 GMT+7

Người già nhiều lên, vẫn loay hoay tìm 'mô hình viện dưỡng lão'

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Người cao tuổi ở Việt Nam ngày càng gia tăng, trong số này người không có vợ hoặc chồng hoặc không muốn sống cùng với con cháu cũng tăng theo, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội ngày một lớn.

Người già nhiều lên, vẫn loay hoay tìm mô hình viện dưỡng lão - Ảnh 1.

Các cụ sinh hoạt tại một viện dưỡng lão ở Hà Nội - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, chia sẻ rằng dù đến nay quan niệm tứ đại đồng đường, con cái lớn lên phải nuôi cha mẹ già vẫn còn chủ đạo trong văn hóa Việt Nam nhưng nhu cầu được chăm sóc tại các trung tâm dưỡng lão ở TP.HCM đang tăng lên là tất yếu, theo nhịp phát triển của xã hội. 

Vì thế cần phải quan tâm ngay để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thành lập trung tâm khi dân số người cao tuổi tăng nhanh.

Chỗ dựa tuổi xế chiều

Một ngày cuối tháng 5, Viện dưỡng lão Bình Mỹ (cơ sở Nguyễn Tuân, quận Gò Vấp) yên bình khi những đôi bạn già ngồi gãi lưng, xoa tay cho nhau. Ở một góc của sảnh lớn, các cụ đang ngồi chăm chú xem tivi và trò chuyện "thời sự". 

Ở một góc khác, có vài người thân đến thăm các cụ. Họ đem theo nhiều món ăn nấu tại nhà, bọc gói cẩn thận, những cái ôm và những nụ cười khi con cháu thấy được các cụ vui khỏe.

Cụ T., 80 tuổi, được chú ý bởi cụ thường ngồi thẫn và ít giao tiếp xung quanh. Nhân viên chăm sóc cho hay cụ mắc bệnh Alzheimer (sa sút trí nhớ), gia đình đều đang sinh sống ở nước ngoài. 

"Cụ rất ít nói chuyện với người khác và hay nổi nóng, khó chịu. Nhưng mỗi khi đưa cụ đi tắm, chúng tôi nắm lấy tay và bảo con tắm cho bố nha là cụ đều vui vẻ nghe theo", nhân viên này chia sẻ.

Ở khu vực tập vật lý trị liệu, cụ bà L.T.M. (70 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) đang cố gắng dùng chân tập đạp xe. Nhìn cụ vui tươi và khỏe khoắn, không ai nghĩ cách đây một tháng, cụ chỉ có thể nằm một chỗ khi lưng và chân đau. 

"Tôi chập chững đi được rồi, cũng mừng lắm. Ở đây các cụ ngang tuổi nhau nên có sự đồng cảm, nói chuyện với nhau vui lắm", cụ M. tâm tình và bày tỏ hài lòng khi được các bác sĩ chăm sóc chu đáo. Tại viện dưỡng lão này, mỗi ngày các cụ đều phải trải qua 14 sinh hoạt được sắp xếp bài bản, khoa học. "Các nhân viên chăm sóc bằng cái tâm, tôi rất biết ơn điều đó", cụ L.T.M. tâm sự.

Mỗi người đến với "ngôi nhà tình thân" này đều mang cho mình những câu chuyện riêng. Có cụ đã mất 5 người con, chỉ còn một người ở nước ngoài. 

Có cụ từng sống 60 năm ở nước ngoài, mong muốn được sống những ngày cuối đời ở quê hương. Thậm chí có cả cụ là người nước ngoài vì nhiều biến cố trong cuộc sống chọn Việt Nam là chỗ dừng chân tuổi xế chiều...

Cụ ông tên Đ. (ngụ Bình Thạnh) dù lớn tuổi nhưng còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Một tháng sống ở viện dưỡng lão, cụ nói rằng được chăm tốt hơn những gì cụ nghĩ bởi luôn có người túc trực, quan sát và chăm sóc mọi sinh hoạt cá nhân. 

Theo cụ, nhiều người hay suy nghĩ "trẻ cậy cha, già cậy con", nhưng với cụ, thời nay cần phải có suy nghĩ thoáng hơn, vào viện dưỡng lão cũng là một lựa chọn tốt cho chính mình và con cái.

Người già nhiều lên, vẫn loay hoay tìm mô hình viện dưỡng lão - Ảnh 2.

Nguồn: Viện dưỡng lão Bình Mỹ - Đồ họa: N.KH.

Cần có mô hình chuẩn

Từ đó, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) đến năm 2030. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa. 

Tuy nhiên, ông Bùi Anh Trung - giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ - cho rằng hiện các doanh nghiệp tư nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập trung tâm/viện dưỡng lão bởi ở Việt Nam đây là một mô hình mới.

"Nhà nước có hỗ trợ nhiều mặt cho hoạt động của các viện dưỡng lão nhưng hiện chưa có một mô hình mẫu chuẩn hay hướng dẫn chi tiết cụ thể. Các trung tâm, viện dưỡng lão tư nhân hoạt động thường học hỏi kinh nghiệm mô hình mẫu từ các nước trên thế giới. Nên có những hướng dẫn chi tiết hơn để các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được hoạt động thuận lợi", ông Trung nói.

Một chuyên gia trong lĩnh vực dân số - kế hoạch hóa gia đình tại TP.HCM cho rằng mức phí chăm sóc người cao tuổi hiện nay còn khá cao. 

Trong khi với các trung tâm bảo trợ xã hội công lập, đối tượng chủ yếu là người thuộc diện gia đình chính sách, có công, những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa. Vị này cho rằng có thể tính toán theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng với mô hình chăm sóc của xã hội.

Ông Nguyễn Văn Lâm - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - cho biết năm 2022 TP.HCM có chủ trương khuyến khích các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ dưỡng lão và đã tiếp nhận được một số hồ sơ xin phép thành lập cơ sở. Tuy nhiên, sau thẩm tra, có các vấn đề chưa phù hợp theo quy định hiện hành. 

Cụ thể là những khó khăn như các chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế đất. "Chúng tôi sẽ tổng hợp những vấn đề khó khăn cụ thể của các đơn vị và có những đề xuất. Tuy nhiên những khó khăn này nằm ở tầm vĩ mô (nghị định và luật) nên muốn chuyển hóa không thể một sớm một chiều", ông Lâm chia sẻ.

Viện dưỡng lão tiện hơn thuê người chăm sóc

Một viện dưỡng lão tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) đang chăm sóc cho khoảng 80 người cao tuổi. 3h chiều, nhân viên điều dưỡng viện dưỡng lão mang sữa chua, đồ ăn nhẹ bữa xế đến từng giường cho các cụ.

Cụ Nguyễn Thị Kim Lăng (92 tuổi) đưa tay nhận đồ, cười nói: "Ngày nào cũng ăn uống đúng giờ, ăn xong lại xuống tập thể dục buổi chiều".

Dù đã ở tuổi 92, thế nhưng cụ Lăng vẫn còn rất minh mẫn. Cụ kể lại, trước khi vào đây các con có thuê người giúp chăm sóc tại nhà cho cụ, mỗi tháng chi phí cho người chăm sóc 6 triệu đồng, chưa kể tiền ăn ở cho họ.

"Sau đấy, con cái tìm hiểu rồi đưa vào đây. Ở đây chi phí khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, các cháu điều dưỡng chăm sóc rất tốt. Mới đầu cũng không quen, nhưng vài tuần cuộc sống vào nề nếp, có các bạn già cùng nhau nên cũng vui hơn. Đến nay, tôi đã ở đây được 8 tháng rồi", cụ Lăng nói.

Cụ Đ.T.D. (85 tuổi, ngụ ở TP.HCM) ra Hà Nội theo công việc của con gái, cụ cũng chọn một viện dưỡng lão tư nhân và đã ở đây được 4 tháng. "Ở đây các dịch vụ tốt, quần áo có người giặt rồi gấp gọn cho vào tủ, ăn uống có người lo, chúng tôi không phải đụng tay làm việc gì. Mỗi tuần đều có bác sĩ đến thăm khám.

Những ngày lễ, Tết, viện đều tổ chức sự kiện cho các cụ chung vui. Chỉ có điều không gian viện không được rộng rãi, nếu muốn đi dạo hay tập thể dục ngoài trời thì không được", cụ D. chia sẻ. (D.LIỄU)

Chăm sóc toàn diện

Tại TP.HCM, toàn thành phố hiện có 20 đơn vị chăm sóc người cao tuổi, trong đó có 8 cơ sở công lập đang nuôi dưỡng 1.555 cụ và 12 cơ sở ngoài công lập đang nuôi dưỡng 1.138 cụ.

Các trung tâm công lập do Nhà nước quản lý và chi trả nuôi dưỡng bằng ngân sách. Còn các trung tâm do đơn vị tư nhân thành lập sẽ tự quy định mức chi phí trên cơ sở mức sàn của Nhà nước.

Những trung tâm chăm sóc người cao tuổi do tư nhân thành lập, hồ sơ tiếp nhận đơn giản và nhanh chóng với mức chi phí từ 7 - 20 triệu đồng/tháng.

Tại một viện dưỡng lão ở quận 12, chi phí ở mức 7,5 triệu đồng/tháng với phòng 5 - 7 người; 10 triệu đồng/tháng với phòng 4 người; 12 triệu đồng/tháng với phòng đơn và đã bao gồm tất cả tiện ích về mặt cơ sở vật chất, thiết bị.

Còn việc chăm sóc hỗ trợ như tắm gội, nâng đỡ di chuyển, hỗ trợ vệ sinh... cho người không tự chăm sóc sẽ tính thêm phí khác.

Một viện dưỡng lão khác ở quận Gò Vấp cũng đưa ra chi phí như trên. Tuy vậy một số dịch vụ có mức chênh lệch từ 2 - 3 triệu đồng do "nằm ở khu vực trung tâm". Đặc biệt tại đây còn có thêm dịch vụ chăm sóc đặc biệt như ICU (hồi sức) cho người cao tuổi bị bệnh có nhu cầu.

Thu hút xã hội hóa, cần gì?

DP_Vienduonglao

Đa số các cụ thường rất thích khu vực tập vật lý trị liệu vì tại đây các cụ được vận động tay chân và thư giãn - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Xuân Cừ - phó chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam - cho biết nước ta có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự kiến đến năm 2030, có 17 triệu người cao tuổi, năm 2050 là 25 triệu người.

Do đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích xã hội xây dựng mô hình trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi vì nhu cầu thực tế rất cao, người cao tuổi ở trung tâm phù hợp với xu thế, tâm lý lứa tuổi, tuổi tác...

Số liệu của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy cả nước có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Số người đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội khoảng 62.000 người với khoảng 10% là người già cô đơn.

"Muốn khuyến khích xã hội hóa, chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi thì cần có cơ chế chính sách đột phá. Khó khăn nhất bây giờ là các địa phương phải quy hoạch đất đai cho các doanh nghiệp người ta đầu tư, kèm chính sách khuyến khích", ông Cừ chia sẻ.

Theo một chuyên gia của Cục Bảo trợ xã hội, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi với nhiều nhiệm vụ cụ thể cho ngành lao động và các địa phương.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành các cơ chế, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tham gia mở rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng, trung tâm cung cấp dịch vụ dưỡng lão. Theo vị này, các tổ chức quốc tế như Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đang hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích Việt Nam phát triển các mô hình viện dưỡng lão.

Hiện Chính phủ cũng giao nhiệm vụ nhân rộng từ 1 - 2 mô hình tại các địa phương có điều kiện đến năm 2025. Theo khuyến nghị của quốc tế, TP.HCM, Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Long được lựa chọn nghiên cứu triển khai.

"Mô hình chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản đang được khuyến nghị áp dụng vì đây là quốc gia có tỉ lệ người già cao, kinh nghiệm đi trước nhiều nước. Mô hình của nước này toàn diện bao gồm chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm thần...

Tuy vậy, cơ chế khuyến khích, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi chưa đủ mạnh, nguồn lực về cơ sở vật chất và nhân lực sẽ là thử thách khi triển khai nên địa phương phải thực sự vào cuộc để thực hiện hiệu quả", vị chuyên gia này nói. (H.QUÂN)


Người cao tuổi cơ nhỡ cần giấy tờ, bảo hiểm y tế

Nếu như các cơ sở công lập sẽ được Nhà nước hỗ trợ chi phí hoạt động, các cơ sở chăm sóc của các tổ chức tôn giáo, mọi thứ đều phải tự túc.

Đơn cử như Trung tâm bảo trợ người già Thiên Ân (TP Thủ Đức, TP.HCM) hiện đang chăm sóc cho hơn 100 cụ, đều là những người lang thang, cơ nhỡ, không gia đình. Chi phí hoạt động hầu như do nhà dòng chi trả và quyên góp từ các tổ chức từ thiện.

"Người già là đối tượng rất khó trong việc chăm sóc sức khỏe, bởi họ càng cao tuổi mức độ bệnh tật càng cao. Ngoài ra khi vào đây nhiều người không còn bất cứ giấy tờ tùy thân nào, vì vậy việc xin sự hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước rất khó.

Bản thân chúng tôi chỉ mong muốn làm sao hỗ trợ họ có được căn cước công dân và bảo hiểm y tế, để vấn đề chăm sóc sức khỏe được chu toàn hơn hiện tại", một sơ phụ trách trung tâm chia sẻ. (C.NƯƠNG)

Làm thế nào người cao tuổi có thể có được một giấc ngủ ngon? Làm thế nào người cao tuổi có thể có được một giấc ngủ ngon?

Với người cao tuổi bị mất ngủ, sử dụng chiết xuất Ginkgo Biloba được chuẩn hoá (EGb 761) là một giải pháp hiệu quả cải thiện giấc ngủ và ngăn chặn các vấn đề rối loạn nhận thức do mất ngủ kéo dài mang lại.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên