Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái - Ảnh: LÊ KIÊN
Chiều 11-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: so với năm 2018, tổng số đơn thư các loại giảm 7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 3%, số đoàn đông người giảm 0,6%. Nhưng số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ảnh tăng 4,3%.
"Phải đặt mình vào vị trí của người dân"
Chính phủ nhận xét đến nay một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, nhất là trong lĩnh vực đất đai như quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án có mục đích thương mại do có sự chênh lệch địa tô nên mặc dù vụ việc đã được giải quyết theo pháp luật nhưng công dân không nhất trí, tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài với thái độ gay gắt, bức xúc...
Công tác quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém, vi phạm; việc thanh tra, kiểm tra còn bất cập và chưa kịp thời, nhất là đối với một số lĩnh vực hay xảy ra khiếu kiện ở một số địa phương.
Một số công chức thiếu trách nhiệm khi thi hành công vụ, thậm chí có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo ông Lê Minh Khái, trong công tác tiếp công dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường đối thoại, tiếp dân tại ngay nơi xảy ra vụ việc, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của dân ngay từ khi mới phát sinh.
Quá trình tiếp dân phải đặt mình vào vị trí của người dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thấy được những bức xúc của người dân để có biện pháp giải quyết có lý, có tình.
Tuy vậy, vẫn còn địa phương, đơn vị (nhất là ở cấp cơ sở) chưa thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo, nhất là của người đứng đầu theo quy định của Luật tiếp công dân, hoặc ngại tiếp công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người...
"Hầu hết các địa phương được thanh tra, kiểm tra, giám sát trong năm 2019 đều có tình trạng này, như Thái Bình, Trà Vinh, Bắc Ninh, Bình Định, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng...", báo cáo nêu.
Thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Pháp luật đề nghị "Chính phủ cũng cần chỉ rõ người đứng đầu các ngành, các cấp nào không trực tiếp thực hiện quy định tiếp công dân, ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ, để có biện pháp xử lý nghiêm, nhằm đưa công tác này vào nền nếp, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài".
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Ảnh: Quochoi.vn
Chính phủ rút được bài học gì từ vụ Thủ Thiêm?
Cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện nay khiếu nại, tố cáo vẫn tập trung và "nóng" nhất ở lĩnh vực quản lý đất đai, mặc dù thời gian qua Chính phủ và các địa phương cũng đã chú trọng và đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thống kê thấy rằng lĩnh vực quản lý đất đai vẫn chiếm tỉ lệ lớn các vụ khiếu nại, tố cáo, trong đó đặc biệt là công tác thu hồi đất.
Người dân thường bức xúc về tình trạng thu hồi, đền bù với giá rẻ và sau đó làm dự án bán giá rất cao, có sự chênh lệch lớn, đặc biệt là các dự án thu hồi đất bằng biện pháp hành chính.
"Đề nghị phân tích thấu đáo từ những vụ việc cụ thể, ví dụ như vụ Thủ Thiêm, qua đó để làm rõ bất cập, sai sót ở khâu nào, liên quan đến quy định nào của pháp luật cần sửa đổi, bổ sung. Chính phủ rút ra bài học kinh nghiệm gì từ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vụ Thủ Thiêm?", bà Lê Thị Nga đặt vấn đề.
Phát biểu về công tác tiếp công dân, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu ví dụ trước đây Ban Dân nguyện giám sát tại Bình Phước có nêu tình trạng người đứng đầu UBND TP Đồng Xoài không tiếp công dân đầy đủ như quy định của pháp luật.
Nhưng qua giám sát, thời gian gần đây chủ tịch UBND TP Đồng Xoài tiếp công dân rất đầy đủ. Như vậy những vấn đề nêu lên đã có chuyển biến, có tính lan tỏa.
"Tuy vậy, tình trạng chung thì người đứng đầu các cấp vẫn chưa tiếp dân đủ định mức như quy định. Còn có tình trạng người tiếp công dân, bộ phận được phân công tiếp, giải thích pháp luật với công dân lại có trình độ hiểu biết pháp luật kém hơn công dân đến khiếu nại, đặc biệt là trong các trường hợp công dân đi cùng với luật sư", bà Hải nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận