Người dân xếp hàng dưới mưa đợi vào viếng các liệt sĩ - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Có những người dân ở các tỉnh xa như Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... cũng lặn lội hàng trăm kilômet ra Hà Nội từ mấy hôm nay chờ đến dự lễ truy điệu.
Chị Trần Thị Nhẫn (36 tuổi) cùng nhiều người dân ở xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã ra Hà Nội từ sáng hôm qua (29-6) để chờ hôm nay được đến nhà tang lễ tiễn biệt các anh.
Chị Nhẫn cho biết trong những quân nhân hi sinh, liệt sĩ Nguyễn Văn Thái, thượng úy Quân đội nhân dân Việt Nam, là người con của mảnh đất nghèo khó Quỳnh Giang. Sau khi học xong, anh Thái công tác và lập gia đình ngoài Hà Nội, mỗi năm dịp lễ tết vẫn về quê thăm bà con.
"Từ lúc nghe tin máy bay CASA gặp nạn, biết Thái đi cùng tổ bay ấy cả xã tôi bàng hoàng, lo lắng. Từ nhỏ Thái đã nổi tiếng ngoan và học giỏi, rồi đi học, đi làm trong quân đội làm cho quê hương vẻ vang. Khi biết Thái hi sinh, nỗi buồn cứ bao trùm lên cả xã mấy ngày qua. Hôm nay dù đường sá xa xôi chúng tôi vẫn cố đến đây để nói lời tiễn biệt với đứa con, đứa cháu, đứa em của người dân xã Quỳnh Giang chúng tôi", chị Nhẫn nói.
Người thân các liệt sĩ bên ngoài nhà tang lễ - Ảnh: Thân Hoàng |
Bà Hoàng Thu Hương (72 tuổi) quê ở Đông Anh, Hà Nội, mặc dù không phải họ hàng với các chiến sĩ nhưng đã đến lễ tang từ rất sớm để tham dự lễ truy điệu.
Bà nói: "Tôi bắt xe buýt từ Đông Anh sang đây từ 6 giờ nhưng tang lễ rất đông nên chưa vào viếng được, tôi sẽ đợi đến cuối buổi lễ để vào viếng các chiến sĩ".
8g30, trời Hà Nội đã dần ngớt mưa, phía ngoài nhà tang lễ, dòng người xếp hàng chờ vào viếng 9 phi công và thành viên tổ bay CASA-212 ngày một dài.
Đứng nép vào một góc tường để trú mưa, hai người đàn ông tóc đã ngả màu muối tiêu tay nắm chặt lại để kìm nén nỗi xúc động mỗi lần nghe ban tổ chức đọc lời gọi các đoàn vào viếng: "Vô cùng thương tiếc 9 phi công và thành viên tổ bay...".
Hai người đàn ông này cũng cả cuộc đời gắn với binh nghiệp, từng công tác tại Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không - không quân - nơi có chiếc máy bay CASA-212 gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ.
Trong số những người hi sinh, có phi công họ biết, có những người lính trẻ họ chưa từng gặp mặt, nhưng hôm nay tất cả với họ đều như người thân.
Ông Mai Quốc Ân, nguyên chủ nhiệm kỹ thuật của Lữ đoàn 918 - Ảnh: Thân Hoàng |
Hai người lính già lặng lẽ rút khăn mùi xoa lau giọt nước mắt chảy ra từ đôi mắt đỏ hoe. Ông Mai Quốc Ân (64 tuổi), nguyên chủ nhiệm kỹ thuật của Lữ đoàn 918, cho biết cả đêm hôm qua không chợp mắt được tí nào. Sáng nay 5g đã lục tục dậy gọi điện cho một số đồng đội cũng đã nghỉ hưu đón taxi đến nhà tang lễ để nói lời tiễn biệt với 9 phi công, thành viên tổ bay hi sinh.
Trong 9 quân nhân này, ông Ân có nhiều kỷ niệm, ấn tượng với "cánh chim đầu đàn" liệt sĩ, đại tá, lữ đoàn trưởng Lê Kiêm Toàn.
"Từ khi tôi còn công tác, đơn vị đã đánh giá rất cao cậu ấy. Đó là con người nhanh nhẹn, hết mình vì công việc. Cậu ấy có một tình yêu đặc biệt với nghiệp bay, cứ như sinh ra là để điều khiển những chiếc máy bay quân sự, bay lượn bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Cậu ấy cũng ra đi khi đang bay giữa trời, giữa biển tìm kiếm đồng đội. Sự mất mát này lớn quá, mất mát và đau đớn không chỉ của gia đình những người lính mà còn là mất mát của cả Quân đội nhân dân Việt Nam, của đất nước", ông Ân nói rồi quay đi lau những giọt nước mắt.
Dù trời mưa, đứng chờ gần 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa được vào viếng nhưng ông Ân cùng những người lính già vẫn kiên nhẫn đứng chờ...
Phía bên ngoài, hàng chục cuốn sổ tang dành cho khách, bạn bè 9 thành viên tổ bay đến viếng tràn ngập những dòng thương nhớ, xót xa.
Gia đình của liệt sĩ, đại tá Trần Quang Khải - hi sinh khi đang lái chiếc Su30-MK2 - cũng từ xã Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang về Hà Nội nói lời tiễn biệt 9 phi công và thành viên phi hành đoàn CASA-212. Ông Lương Đình Hải, anh rể anh Khải, cho biết cả nhà thuê xe đi Hà Nội từ sáng sớm rồi xếp hàng chờ ngoài cổng nhà tang lễ. Không thể nói chuyện nhiều vì nỗi xúc động cứ nghẹn nghẹn nơi cuống họng sau khi vào nói lời tiễn biệt 9 quân nhân, anh Hải chia sẻ: "Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc sự hi sinh của các anh. Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn những người lính ấy, họ đã hi sinh khi đang tìm kiếm em tôi. Đây là sự mất mát vô cùng lớn lao". |
Trung ương Đoàn vừa có quyết định truy tặng Huy hiệu Tuổi Trẻ dũng cảm cho 5 cá nhân đã dũng cảm, hi sinh trong thực nhiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn máy bay Su30MK2 số hiệu 8585 của máy bay Casa 212 số hiệu 8983 ngày 16-6. Năm cá nhân đều là quân nhân của Lữ đoàn 918 Quân chủng Phòng không - không quân gồm: Thiếu tá Lê Văn Đình, trợ lý tuần thám; đại uý Đỗ Văn Mạnh, đội phó; thượng uý Lê Đức Lam, nhân viên tuần thám; thượng uý Nguyễn Bá Thế, nhân viên tuần thám; thượng uý Nguyễn Văn Thái, nhân viên tuần thám. (Đ.Bình) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận