25/10/2017 14:54 GMT+7

'Người đàn bà thép' của Pakistan

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Chín năm đã trôi qua kể từ sau tai nạn xe hơi thảm khốc, người phụ nữ ấy vẫn gắn liền cuộc đời trên chiếc xe lăn, nhưng những gì chị đã trải qua thực sự là niềm cảm hứng sống mãnh liệt với bất cứ ai.

Người đàn bà thép của Pakistan - Ảnh 1.

Muniba Mazari và con nuôi nay đã lên 6 tuổi - Ảnh: Facebook của Muniba Mazari

Bạn là người anh hùng trong câu chuyện cuộc đời của chính bạn và những người anh hùng sẽ không bao giờ từ bỏ

Muniba Mazari

Video bài thuyết trình của Muniba Mazari chia sẻ về những điều đã xảy đến với cuộc đời cô trên tài khoản Facebook của Công ty truyền thông Goalcast ngày 19-10 đã thu hút hơn 76 triệu lượt người xem, gần 2 triệu lượt chia sẻ và hơn 83.000 lượt bình luận.

18 tuổi, cô gái trẻ người Pakistan đã lập gia đình. Sinh ra trong một gia đình với nếp nhà bảo thủ, Muniba Mazari được dạy rằng những cô gái ngoan sẽ không bao giờ cãi lời cha mẹ. 

Thế nên khi người cha muốn cô lấy chồng cô chỉ biết nói với ông rằng nếu chuyện này khiến cha vui thì cô sẽ đồng ý.

Tai nạn định mệnh

Khoảng hai năm sau khi kết hôn, tức chín năm trước, một vụ tai nạn xe hơi xảy đến. Chồng của Muniba Mazari ngủ gật trong lúc lái xe và chiếc xe lao xuống vực. Muniba Mazari bị kẹt lại bên trong xe với nhiều vết thương nghiêm trọng. 

Một loạt xương ở cánh tay phải, cổ tay, xương vai, xương đòn và toàn bộ phần xương sườn đều bị gãy. Nhưng thương tích đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô chính là chấn thương cột sống.

Hai tháng rưỡi điều trị trong viện, Muniba Mazari gần như rơi vào tuyệt vọng. Một ngày, bác sĩ tới gặp cô và nói: "Tôi nghe nói cô từng muốn làm họa sĩ. Tôi có tin không hay cho cô rồi. Cô sẽ không còn vẽ được nữa".

Hôm sau, cũng bác sĩ đó trở lại và thông báo tình trạng cột sống của cô rất nghiêm trọng và cô sẽ không còn khả năng đi lại được nữa. Cô hít thở thật sâu, chấp nhận. 

Nhưng chưa hết, ngày tiếp theo, bác sĩ lại tới và nói do chấn thương cột sống nên cô cũng không thể sinh con. Đó là ngày Muniba Mazari thấy mình sụp đổ.

Cô bắt đầu nghi ngờ về lý do tồn tại của mình trong cuộc đời. "Tại sao mình vẫn còn sống?" - cô dằn vặt bản thân. Nhưng rồi cô đã tìm thấy một lý do để bắt mình phải sống. 

Một hôm, cô nói với anh trai rằng cô đã quá mệt mỏi vì phải suốt ngày nhìn vào những bức tường trắng và mặc quần áo bệnh viện, hãy mang cho cô một ít vải toan và màu, cô muốn vẽ.

Thế rồi cô đã vẽ bức tranh đầu tiên trong cuộc đời mình trên giường bệnh. Nó quả là liệu pháp thần kỳ. 

Không cần phải nói gì, cô có thể vẽ ra tất cả những cảm xúc từ trái tim mình, kể câu chuyện của mình. Mọi người xem tranh rồi nói: "Bức vẽ đẹp quá, nó thật nhiều màu sắc". Không ai trông thấy nỗi khổ đau trong đó. Nhưng cô thì thấy.

Chấp nhận và vượt qua

Muniba Mazari viết ra từng nỗi sợ hãi trong lòng và tự nhủ sẽ lần lượt vượt qua từng nỗi sợ. Cô thừa nhận nỗi sợ lớn nhất lúc đó là ly hôn. Nhưng vào cái ngày cô quyết định chuyện đó chẳng là gì so với nỗi sợ của mình, cô tự giải phóng bằng việc để cho người chồng được tự do. 

Và khi chồng cũ thông báo có vợ mới, cô đã gửi tin nhắn chúc mừng anh. Cô thấy mình mạnh mẽ hơn.

Nỗi sợ thứ hai là việc cô không thể có con. Đó là nỗi đau "hủy diệt" cô nhiều nhất. Nhưng rồi cô nhận ra trên thế giới này còn có biết bao nhiêu đứa trẻ không may mắn mà với chúng, tất cả những gì mong mỏi nhất chỉ là được một ai đó chấp nhận. 

Vậy tại sao cô lại ngồi đó than khóc cho số phận hẩm hiu mà không tìm và nhận nuôi một trong những đứa trẻ đó? Và cô đã làm như vậy.

Cô đăng ký xin nhận con nuôi tại nhiều tổ chức khác nhau, tại các trại trẻ mồ côi rồi kiên nhẫn chờ đợi. Hai năm sau, cô nhận được điện thoại từ một thành phố nhỏ ở Pakistan đề nghị cô nhận nuôi một bé trai mới được hai ngày tuổi. Và bây giờ, chú bé đó đã lên 6 tuổi.

Nỗi sợ thứ ba và cũng là điều đau đớn nhất với những người phải sống chung với xe lăn là sợ bị kỳ thị. Muniba Mazari chọn cách đối phó với nó bằng việc tìm cơ hội xuất hiện trước công chúng nhiều hơn. 

Cô quyết định tham gia kênh truyền hình quốc gia của Pakistan với tư cách người dẫn chương trình tin tức. Và rồi cô trở thành đại sứ thiện chí quốc gia của Tổ chức UN Women Pakistan. 

Giờ đây, ngoài niềm đam mê hội họa, cô là người hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em tại quốc gia đông dân thứ 6 thế giới và có tới một nửa trong đó là phụ nữ.

Sau tất cả, Muniba Mazari muốn gửi tới mọi người một thông điệp từ chính những trải nghiệm khắc nghiệt của mình: khi bạn chấp nhận bản thân mình như nó vốn có, thế giới sẽ chấp nhận bạn. 

Bằng chính cuộc đời mình, người phụ nữ với biệt danh "Pakistan’s Iron Lady" (Quý bà thép của Pakistan) khiến mọi người tin vào điều cô chia sẻ: "Trước những thử thách của cuộc đời, người ta có thể sợ, có thể khóc, nhưng không bao giờ nên lựa chọn buông xuôi hay từ bỏ".

Năm 2015, Muniba Mazari được BBC bình chọn vào danh sách 100 người phụ nữ xuất sắc và có ảnh hưởng đáng kể nhất thế giới. Năm 2016, cô cũng là 1 trong số 30 nhân vật xuất sắc trong danh sách 30 under 30 của tạp chí Forbes.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên