15/11/2018 12:02 GMT+7

Người cựu binh trọn đời tìm đồng đội

ĐOÀN NHẠN - VIỆT HÙNG
ĐOÀN NHẠN - VIỆT HÙNG

TTO - Trở về sau chiến tranh, ông Trần Thanh Bình (68 tuổi, ngụ thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chưa ngày nào ngơi nghĩ về những đồng đội đang nằm lại ở chiến trường.

Người cựu binh  trọn đời tìm đồng đội - Ảnh 1.

Ông Bình lui tới thăm nom mộ phần liệt sĩ chưa tìm được thân nhân - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Lời dặn lòng từ những năm tháng bom đạn đến nay vẫn thôi thúc ông trèo đèo vượt núi đưa những đồng đội về với quê hương.

Rưng rưng quá khứ

Đi dọc giữa những hàng mộ đều tăm tắp trong nghĩa trang Hòa Phong (huyện Hòa Vang), ông Bình rưng rưng nói: "Không riêng gì đồng đội tôi mà còn có hàng trăm liệt sĩ vô danh đang nằm lại trên chiến trường xưa. Điều tôi thôi thúc nhất là dù có tên hay không rõ quê quán cũng đưa được các anh về nơi an nghỉ đàng hoàng". 

Thắp nén nhang trước 3 mộ phần đồng đội được đưa về nghĩa trang xã Hòa Phong năm 1992, ông Bình hồi nhớ: "Ở đây có 17 ngôi mộ liệt sĩ được đưa về từ các vùng núi Quảng Nam - Đà Nẵng và có 3 đồng đội tôi hi sinh sau trận đánh ở Bà Nà - Núi Chúa chưa tìm được thân nhân".

Ngồi dưới tán xà cừ tỏa mát khắp nghĩa trang, ký ức thời chiến cứ hiện về trong từng câu chuyện của ông. Năm 1965, ông Bình đi theo phong trào học sinh, sinh viên lên đường chống Mỹ cứu nước. Lúc bấy giờ ông mới học xong đệ nhị, nhập ngũ vào tiểu đoàn Lê Độ biệt động, Quảng Đà. Sau khi bị lộ, ông Bình thoát ly về phòng 12 thuộc Biệt động tỉnh Quảng Đà. 

Từ đây, ông kinh qua nhiều vị trí như trưởng ban trinh sát trung đoàn 31, trung đoàn 141, đại đội trưởng đại đội 2, Khu 2, Hòa Vang, Quảng Đà; hoạt động trong đại đội đặc công ở Cánh Trung mặt trận Khu 4.

Trong những trận đánh ác liệt với địch, rất nhiều lần ông lặng lẽ tiễn biệt các đồng chí, đồng đội của mình về với đất. Ngày đó, ông nhìn thấy những chiếc thẻ bài bằng kim loại khắc thông tin cá nhân đeo trên ngực những người lính bên kia chiến tuyến. Ông Bình nghĩ ra cách sẽ ghi thông tin tên tuổi, quê quán của mỗi người trong mảnh giấy, bỏ vào lọ thuốc bằng thủy tinh để chôn cùng những đồng đội hi sinh.


Trước đây anh Bình từng tham gia cách mạng nên có khá nhiều thông tin về liệt sĩ. Từ đó đến nay anh Bình tham gia tích cực với ban chỉ huy quân sự huyện cùng các đơn vị liên quan tìm kiếm, xác minh và báo cáo thành phố để quy tập.

Thượng tá Nguyễn Kết (chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Hòa Vang - Bộ chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng)


Chừng nào còn sức, chừng đó cứ đi

Rời bỏ chiến trường với 7 lần bị thương, người cựu binh trở về quê nhà và cũng là lúc ông bắt đầu hành trình tìm kiếm đồng đội. Tháng 4-1982 đến nay, ông Bình đã tìm kiếm, hỗ trợ thông tin và công tác xác minh, quy tập hàng trăm liệt sĩ.

Trong những ngày tháng ấy, có lần ông đã ám ảnh khi tìm thấy cùng lúc 18 hài cốt trong một hố chôn tập thể, không ít chuyến đi kéo dài gần cả tháng trời lội bộ đường rừng. Nhưng chưa bao giờ ông Bình thấy nản bởi ông luôn dặn lòng rằng mình đã từng tham gia trận chiến nên những ký ức của mình sẽ góp phần tìm ra đồng đội. May mắn những thông tin ghi trong lọ thuốc năm xưa đã hỗ trợ công tác thông tin, liên lạc với thân nhân các liệt sĩ, đưa các anh về với quê hương.

Chiến tranh lùi về quá khứ đã lâu, nay địa hình đã biến dạng nhiều, căn cứ vào bản đồ quân sự, với sự hỗ trợ của các đơn vị Quân khu, huyện đội, cứ lần được dấu hiệu nào dù rất nhỏ, ông lại khăn gói lên đường. Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc (61 tuổi, vợ ông Bình, cũng là thương binh) đã "giành" gánh nặng trụ cột, nuôi 5 người con ăn học để chồng toàn tâm toàn ý hoàn thành tâm nguyện với đồng đội.

Hằng năm có không biết bao nhiêu thân nhân liệt sĩ lặn lội từ ngoài Bắc vào tìm ông Bình xin thông tin và nhờ ông hỗ trợ tìm kiếm. Trong số đó không ít người hằng ngày vẫn ôm hi vọng vì chưa tìm được chồng, cha, anh của mình. Ông Bình trăn trở cũng vì lẽ đó nên chừng nào còn sức, chừng đó ông vẫn cứ đi. Bởi đưa được các anh về không chỉ là hoàn thành tâm nguyện của ông, của đồng đội, mà còn thỏa được lòng mong ngóng của các thân nhân liệt sĩ.

Cảm kích

Trong số những thân nhân liệt sĩ tìm đến ông Bình, có ông Đinh Đức Luân (em trai liệt sĩ Đinh Văn Ngũ, quê ở Nga Điền, Nga Sơn, Thanh Hóa). Ông Luân cho biết gia đình ông đã nhiều năm tìm kiếm khắp nơi nhưng không có thông tin gì về liệt sĩ Ngũ. Do chuyển ra Bắc sinh sống nên sợi dây liên lạc bị trắc trở nhiều. "May mắn và cảm kích khi nhờ thông tin của anh Bình và sự giúp đỡ của chính quyền Đà Nẵng, tôi đã đưa được anh trai về quê, thỏa nguyện vọng của gia đình" - ông Luân nói.

ĐOÀN NHẠN - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên