Phóng to | |
Người chăn sếu Trần Triết và con sếu non bị bắt lậu được trả về với tổ |
Đó là một cuộc đấu tranh mà anh đã kiên trì theo đuổi, và sự tồn vong của loài “linh vật” đặc hữu của vùng Đông Nam Á này phụ thuộc khá nhiều vào sự thành bại của cuộc đấu tranh này…
Giành giật từng con sếu
Tháng 11 năm rồi, một người dân tộc thiểu số ở vườn quốc gia Yokđôn bắt được một con sếu non và khi đem đi bán thì bị một cán bộ của vườn quốc gia phát hiện. Anh cán bộ có chụp hình con sếu và gửi lên cho anh. Lập tức, bức ảnh được gửi qua Hội sếu quốc tế bên Mỹ và được phản hồi: đây là con sếu non chỉ mới 6-7 tuần tuổi.
Sẽ là một phát hiện khoa học quan trọng nếu con sếu non được xác định là đã được sinh ra trên đất Việt Nam, do trước đây người ta chỉ biết vùng sinh sản chủ yếu là vùng rừng núi Campuchia tiếp giáp Việt Nam. Anh điện qua Hội sếu nhờ hỗ trợ chuyên gia. Và sếu được xác định là mới “ra ràng”.
Trong những cánh rừng khộp khô cằn như ở Tây Nguyên, vẫn có những vùng đất ngập nước (wetland). Chúng như những “ốc đảo” quy tụ các loài thú và là vùng đất có tầm quan trọng sống còn đến đời sống những người dân tộc thiểu số. Phải dùng mọi cách thuyết phục, cuối cùng, anh và các học trò của mình cũng được người bắt sếu dẫn đến tổ sếu. Họ phát hiện hai ụ đất nơi sếu sinh sản. Đó là đều mà họ đã bỏ công lùng sục từ năm 2000 mà chưa một lần phát hiện! Một phát hiện cực kỳ hữu ích cho công việc bảo tồn đàn sếu. Con sếu non thì được chăm sóc để chờ ngày trả về đàn.
Sáng kiến bảo vệ sếu
Trần Triết lấy bẵng thạc sĩ Quản trị tài nguyên tự nhiên đại học AIT, Thái Lan và sau đó qua Mỹ học song song để lấy hai bằng, bằng thạc sĩ Toán thống kê và tiến sĩ Sinh thái học đất ngập nước. Về nước năm 1999, anh ra sức làm công việc bảo tồn các vùng đất ngập nước (wetland), một bộ phận rất quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên.
Chừng như vui mừng, anh bảo là tháng 11.2004, Chính phủ vừa thông qua dự án bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ, Kiên Giang, nơi đàn sếu vẫn thường về.dự án đó chính là một đề án của anh, đã đạt giải thửơng quốc tế cuộc thi Sáng tạo bảo tồn tự nhiên năm 2003, một cuộc thi do Ngân hàng thế giới (World Bank) tổ chức hàng năm. Số tiền thưởng của giải là 102 ngàn USD, cộng thêm 100 ngàn USD tặng thêm của tập đòan tài chính quốc tế (IFC), được dùng để triển khai dự án này.
Ý tưởng của anh là làm một khu bảo tồn không biệt lập, vẫn cho dân vô khai thác, nhưng có sự quản lý chặt chẽ. Vùng đồng cỏ bàng tự nhiên Phú Mỹ rộng 2000 ha, từ trước đến nay vẫn là nơi những người dân Khơ me ở đây cắt cỏ đan đệm bàng sinh sống . Dự án vẫn cho phép họ đan bàng kiếm sống, nhưng sản phẩm không còn là những sản phẩm có giá trị thấp và sử dụng nhiều cỏ bàng như trước. Sẽ có các chuyên gia huấn luyện cho họ làm ra những sản phẩm có giá trị cao phục vụ cho khách du lịch, đồng thời tìm cho họ thị trường tiêu thụ các sản phẩm này.
Nhận thấy kiến thức của xã hội về những vùng wetland còn thấp, năm 2002, anh ra sức vận động các đồng nghiệp thuộc các trường đại học thuộc khu vực, lưu vực sông Mêkông cùng liên kết để phổ biến kiến thức về những vùng đất ngập nước. Mạng liên kết các đại học của Campuchia (Đại học Nông nghiệp, Đại học Phnom Penh), Lào (Đại học quốc gia Lào), Thái Lan (Chulalongkorn, Mahidol) cùng với Đại học tự nhiên, Đại học Nông lâm TPHCM, Đại học Cần Thơ của VN chính thức được thành lập vào đầu năm 2003.
Công việc của Mạng là mở các khoá đào tạo dành cho các giảng viên đại học những kiến thức về các vùng đất ngập nước, và từ đó kiến thức sẽ lan toả sang những SV. Các khoá học được luân phiên mở tại các nước thành viên. Hoạt động này đã có tiếng vang trong khu vực do đây là lần đầu tiên các trường đại học trong khối ASEAN bắt tay nhau trong một hoạt động và được Liên đoàn bảo tồn tự nhiên thế giới (IUCN) đánh giá cao về mặt hiệu quả.
Đối đầu với những con số
Anh đi theo chiến lược bảo tồn sự đa dạng sinh học của nhiều nước trên thế giới, đó là dùng những con vật gây “ấn tượng” để có được sự quan tâm của xã hội. Sếu đầu đỏ hay tê giác, sư tử hay gấu trúc là những con vật như vậy. Anh chua chát: “Càng làm bảo tồn, mình cảm thấy bất nhẫn trước sự can thiệp thô bạo của bàn tay con người đối với tự nhiên”.
Đồng cỏ bàng Phú Mỹ rộng 20.000ha trong dự án bảo tồn của anh trứoc đây phải thu hẹp còn có 2000ha như bây giờ. Đau hơn nữa là ở Hòn Chông, Kiên Giang, một đồng cỏ năn nơi sếu thường về hơn là Phú Mỹ do có củ năn trong mùa khô. Ba năm trời, anh ra sức tranh đấu, thuyết phục lãnh đạo tỉnh Kiên Giang để giữ 3000ha Hòn Chồng thành nơi bảo tồn.
Anh đã hai lần tổ chức cả những cuộc hội thảo quốc tế để các nhà khoa học trên thế giới cùng tham gia thuyết phục, thậm chí kéo cả tổ chức Ngân hàng thế giới vào và họ hứa sẽ tài trợ 2 triệu USD cho dự án, thế nhưng khu vực cần bảo tồn biến thành vùng nuôi tôm... Anh nói: “Một dự án nuôi tôm thôi đã có trị giá 15 triệu USD rồi”.
Chưa hết khu vực vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp, nổi tiếng là “nơi bình yên sếu hót”, cũng có vấn đề. Vùng Tràm Chim vốn chỉ ngập nước mùa mưa, nhưng nay thì mùa khô càng ngập sâu hơn do “biện pháp kỹ thuật” chống cháy rừng của ông giám đốc, trong khi hoàn toàn có thể chống cháy theo những “biện pháp sinh học” do các nhà khoa học đưa ra. Và thế là sếu ngày càng thưa về do thiếu nguồn thức ăn(của năn chỉ hình thành vào mùa khô).
Quần thể sếu đỏ chỉ còn 800-1000 con và đang trong nguy cơ tiếp tục suy giảm. Nhiều lúc anh cảm thấy cô độc và bi quan trong cuộc đấu tranh bảo vệ những vùng wetland. “Chúng ta sẽ phải trả một giá đắt khi chỉ biết có khái niệm an toàn thực phẩm mà không biết đến khái niệm an toàn sinh thái. Thông điệp quan trọng của các nhà khoa học là vẫn có nhiều cách để phát triển kinh tế mà không tàn phá và vẫn giữ gìn được thiên nhiên”, anh nói…
Theo tín ngưỡng Á đông, sếu là một linh vật chở hồn người lên thiên đàng. Những lúc bi quan, phải chăng” người chăn sếu” Trần Triết có thể tự an ủi rằng mình đã có được một chổ ở trên thiên đàng?.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận