Bà Kim lượm ve chai được 10.000 won/ ngày cũng chỉ dám ăn bát cơm trắng với canh đạm bạc giá 2.000 won - Ảnh: CNA |
Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gần một nửa dân số già trên 65 tuổi ở Hàn Quốc sống trong cảnh đói nghèo và 1/4 trong số này phải sống một mình. Nhiều người già lăn lộn với cuộc sống trong sự cô đơn và trầm cảm.
Hiện tại người cao tuổi chiếm 13% dân số Hàn Quốc. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 40% vào năm 2060. Các nhà phê bình cho rằng nếu chính phủ Hàn Quốc tiếp tục bỏ qua vấn đề nghèo đói của người già thì có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trong đến nền knh tế của đất nước và phúc lợi của người dân.
Thế hệ bị lãng quên
Những người cao tuổi ở Hàn Quốc đã không ngừng làm việc từ khi còn nhỏ trong thời buổi chiến tranh cho đến khi đầu bạc khi nền kinh tế nước nhà đã phát triển. Đó là số phận của một "thế hệ bị lãnh quên" - những người sinh ra quá sớm vào một kỷ nguyên đầy khó khăn nhưng lại quá muộn để gặt hái những lợi ích kinh tế của đất nước khi về già.
Giáo sư Lee Ho Sun thuộc ĐH Mạng Soongsil tại Seoul nhận định: "Tất cả mồ hôi và nước mắt của họ đã góp phần xây dựng đất nước này và họ đang phải sống khốn khó khi về già".
Hầu hết thế hệ này là lao động chính khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 xảy ra, dẫn đến khoảng 2 triệu người mất việc.
Ngoài ra, như Channel NewsAsia ngày 19-3 đưa tin, họ còn là nạn nhân của sự kỳ thị tuổi già vốn đầy rẫy trong các doanh nghiệp Hàn Quốc. Họ bị buộc phải nghỉ hưu non và bị thay thế bằng những người trẻ, những lao động rẻ hơn.
Mãi đến thập niên 80 Hàn Quốc mới có chính sách lương hưu cơ bản cho người già. Họ nhận được khoản phụ cấp 200.000 won/ tháng (177 USD).
Tuổi thọ trung bình của người dân Hàn Quốc là trên 80 tuổi. Nhiều người cao niên buộc phải tìm các tổ chức từ thiện để giúp đỡ mình. Trong trường hợp cực đoan, một số phụ nữ cao tuổi thậm chí phải đi bán dâm.
Giá trị truyền thống bị xói mòn
Hiệp hội Tình nguyện viên Bạc là một tổ chức phi chính phủ đã chìa tay cho những người già neo đơn ở Hàn Quốc. Hiệp hội nhằm giúp đỡ những người không đủ điều kiện để chính phủ hỗ trợ họ vì hồ sơ cho thấy họ có con cái.
"Trên thực tế, đa số người cao tuổi thậm chí không gặp mặt con cái của họ" - quản lý Hiệp hội Shin Sun Ho chia sẻ.
Bà Yim lượm ve chai mưu sinh sau khi chồng mất - Ảnh: CNA |
"Khi những đứa con gái đến thăm tôi, chúng đến cùng lúc rồi rời đi cùng lúc. Cháu tôi sợ đến thăm tôi, chúng sợ những con gián nơi tôi ở. Tôi cảm thấy rất cô đơn và buồn chán" - bà Yim (86 tuổi) làm nghề lượm ve chai cười buồn.
Chồng bà Yim thua lỗ trong làm ăn. Bà vất vả nuôi con cái lớn khôn, cho chúng ăn học thành tài. Khi kết hôn, chúng dọn đến các thành phố khác và khi chồng bà qua đời, bà mất đi chỗ dựa duy nhất.
Tuy nhiên, cũng có nhiều bậc cha mẹ thà vất vả kiếm sống cũng không muốn trở thành gánh nặng cho con.
Một báo cáo năm 2015 của Bộ Thống kê Hàn Quốc chỉ ra rằng 58,5% dân số già phải tự trả sinh hoạt phí trong khi 30% người trên 65 tuổi vẫn còn làm việc.
"Nhiều người nghĩ họ thất bại trong việc nuôi dạy con cái do gia cảnh nghèo khổ nên họ cho rằng họ không xứng đáng được con cái hỗ trợ" - bà Yim chia sẻ.
Thái độ tự ti của nhiều bậc phụ huynh này có thể cũng làm nảy sinh ra một vấn đề khác: sự sói mòn các giá trị truyền thống trong xã hội Hàn Quốc vốn được xây dựng dựa trên Khổng giáo và lòng hiếu thảo.
"Đó không phải là một thế hệ trẻ ích kỷ. Chỉ là họ chưa từng được cha mẹ dạy văn hóa giúp đỡ người trong xã hội" - giáo sư Ho nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận