29/07/2009 08:36 GMT+7

Người "biến đất thành đá" đã trở về với đất

TẤN ĐỨC - LÊ VÂN
TẤN ĐỨC - LÊ VÂN

TT - Vậy là chỉ trong một tuần, hai cây đại thụ trong ngành địa chất VN đã vĩnh viễn ra đi: GS-nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Chiển, rồi bây giờ là GS.TS Trần Kim Thạch.

XjafHvqV.jpgPhóng to
Thầy Trần Phú Hưng - trưởng khoa địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên, là học trò của GS.TS Trần Kim Thạch - đến viếng tại chùa Vĩnh Nghiêm tối 28-7 - Ảnh: H.T.V.

GS.TS Trần Kim Thạch sinh ngày 1-1-1937 tại Đà Nẵng. Ông là tiến sĩ ĐH Reading (Vương quốc Anh) năm 1964, viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học New York (Hoa Kỳ) năm 1993.

Ông nguyên là trưởng ban địa chất Viện ĐH Sài Gòn, phó ban lãnh đạo ĐH Khoa học Sài Gòn, trưởng khoa địa chất ĐH Tổng hợp TP.HCM, trưởng bộ môn trầm tích Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nghỉ hưu từ năm 2003. Ông mất ngày 28-7-2009. Linh cữu ông được quàn tại nhà tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm, Q.3, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ chiều 28-7, sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa vào sáng 31-7.

Thạc sĩ Nguyễn Phát Minh - giảng viên khoa địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), một trong những lứa học trò đầu tiên của GS.TS Trần Kim Thạch - ngậm ngùi trước linh cữu của thầy: “Mỗi sáng mai khi thức dậy, hàng triệu người VN đang trông chờ vào các món thực phẩm hằng ngày. Vậy nên mỗi trò hãy tự ý thức về ý nghĩa của việc tìm ra những phương pháp cải tạo đất đai để phục vụ con người. Đã mấy chục năm trôi qua nhưng chúng tôi vẫn nhớ như in những lời căn dặn ấy của thầy…”.

Tiễn đưa GS.TS Trần Kim Thạch tại chùa Vĩnh Nghiêm vào tối 28-7 không chỉ có những lớp sinh viên đầu tiên của ĐH Khoa học Sài Gòn vào những năm đầu thập niên 1960 mà còn có rất đông sinh viên của ĐH Khoa học tự nhiên - những người trẻ chưa từng được học thầy.

Những công trình nghiên cứu về “Địa chất khu đập thủy điện Trị An”, “Đồng vị thủy văn Nam bộ”, “Tài nguyên nước khoáng giải khát miền Nam”… và gần đây nhất là công trình polime hóa vô cơ, trong đó có việc biến đất thành đá nhằm “giúp đồng bào xa xôi ở đồng bằng sông Cửu Long có nền nhà tự tay làm lấy, có sân phơi nông sản cứng như tráng ximăng. Nền nhà ấy, sân phơi ấy có thể bị ngập lũ mà không hỏng, chịu được mưa nắng mà không rã…” như tâm sự của ông lúc sinh thời.

Chị Kim Sơn, một đồng nghiệp của chúng tôi, từng viết trên báo Tuổi Trẻ cách đây hơn một năm: “Cuối năm 1981, có dịp theo đoàn cán bộ giảng dạy và sinh viên địa chất năm cuối Trường ĐH Tổng hợp TP. HCM đi khảo sát nền móng tuyến đập Trị An, chúng tôi chứng kiến cảnh GS Trần Kim Thạch cùng các cộng sự cả tháng trời băng rừng, lội suối từ tờ mờ sáng đến tối mịt, đêm xuống lại đốt đèn dầu tiếp tục vẽ trên bản đồ đến giữa đêm… Bữa ăn nào cũng chỉ mấy miếng khô chiên, rau luộc. Về tới TP họ lại lao vào làm việc ngày đêm để hoàn tất bản đồ địa chất Trị An…”.

GS.TS Trần Kim Thạch là vậy. Những cống hiến của ông đang đơm hoa kết trái thì ông đã ra đi. Nói theo thuyết nhà Phật là ông đã trở về với đất, trở về với cát bụi - nơi ông đã sinh ra và gắn trọn đời mình vào đó hầu mang lại lợi ích cho con người.

TẤN ĐỨC - LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên