Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu, trung bình mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm 180.000 người mắc ung thư mới, nghĩa là cứ khoảng 100.000 dân thì có 158,6 ca mắc ung thư mới.
Ung thư khiến khoảng 122.000 người tử vong mỗi năm, trung bình có 105,6 ca tử vong do ung thư trong tổng số 100.000 dân. Các loại ung thư thường gặp là phổi, dạ dày, vú, gan, ruột già…
Sự hấp thu dưỡng chất bị ảnh hưởng xấu
Bác sĩ Dương Công Minh - trưởng khoa dinh dưỡng - tiết chế Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho hay khối u ác tính có thể sản sinh ra những chất làm ảnh hưởng xấu đến sự hấp thu dưỡng chất của cơ thể. Quá trình sử dụng chất đạm, bột đường, chất béo của cơ thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là khi khối u hiện diện ở dạ dày hay đường ruột.
Bệnh nhân luôn cảm thấy no ngang, đầy bụng, biếng ăn, không thấy đói mặc dù cơ thể không hấp thu được dưỡng chất.
Một chế độ ăn cao năng lượng, hàm lượng đạm cao hợp lý có thể điều chỉnh được vấn đề nêu trên và ngăn ngừa được chứng suy mòn.
Những bất lợi thường gặp do ung thư và bản thân của quá trình điều trị gây nên có thể kể đến gồm: biếng ăn, thay đổi khẩu vị, khô miệng, đau và nhiễm trùng miệng, hầu họng, buồn nôn - nôn, tiêu chảy, bạch cầu giảm trong máu, vấn đề nước uống, táo bón.
Trong đó, biếng ăn là một trong những vấn đề thường gặp nhất ở những bệnh nhân ung thư hoặc đang được điều trị ung thư.
Trầm cảm, nỗi sợ hãi cũng làm cho người bệnh mất ngon miệng. Những tác dụng phụ của quá trình điều trị như buồn nôn, nôn, những thay đổi về khẩu vị càng làm cho bệnh nhân không thích ăn.
Ăn ra sao khi ung thư gây biếng ăn, thay đổi khẩu vị?
Theo bác sĩ Minh, với một số người, biếng ăn chỉ kéo dài trong vài ngày. Ở những người khác, biếng ăn có thể kéo dài lâu hơn. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên ăn chế độ ăn giàu năng lượng, giàu đạm.
Trong ngày nên chia nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa ăn lớn chính, giúp người bệnh có thể ăn nhiều hơn nhưng không gây đầy bụng. Buổi sáng phải là buổi ăn chính, chiếm 1/3 tổng năng lượng và lượng đạm nhập cho suốt một ngày.
Đồng thời bổ sung thêm năng lượng và đạm vào thực phẩm (bơ, sữa bột, mật ong, đường đen…), bổ sung nước uống (những thức uống đặc biệt có chứa dưỡng chất), canh xúp, sữa, nước ép, thức ăn nghiền, trộn, xay nhuyễn (trong trường hợp bệnh nhân khó ăn được những thức ăn rắn)...
Chuẩn bị và dự trữ thực phẩm hợp khẩu vị nhằm tiện ăn mọi lúc mọi nơi một cách dễ dàng mỗi khi đói như phô mai, bánh quy giòn, nho khô…
Ăn những thực phẩm hương vị thơm ngon hấp dẫn. Sáng tạo đổi món, đa dạng hóa thức ăn và món tráng miệng. Thời gian lúc ăn phải thư giãn, vui vẻ, buổi ăn cần được trình bày thật hấp dẫn.
Với những bệnh nhân thay đổi khẩu vị, nếu không bị đau hay thương tổn răng miệng thì nên súc miệng với nước sạch trước khi ăn, thử ăn những loại trái cây có vị chua, ăn thịt gia cầm (thịt gà, vịt bỏ da), cá, trứng, phô mai thay thịt đỏ (thịt bò…), thêm gia vị và nước xốt vào thức ăn.
Khi bị buồn nôn - nôn, nên ăn trước khi đói thực sự vì cơn đói làm tăng cảm giác buồn nôn mạnh hơn. Uống ít nước trong khi ăn tránh gây tăng cảm giác đầy bụng, óc ách dễ nôn. Tránh những thức ăn dầu mỡ, cay nồng, nặng mùi…
Về vấn đề uống nước, cần uống 8 - 12 ly nước mỗi ngày. Có thể là nước chín, nước ép rau quả, sữa hoặc những thực phẩm có chứa nhiều nước. Hạn chế những thức uống chứa caffeine như cà phê, trà đậm. Nên uống nước sau hoặc giữa bữa ăn.
Người bệnh cần luôn đem theo nước mỗi khi rời nhà. Điều quan trọng là uống nước ngay cả những lúc không khát vì khát không phải là một dấu chỉ cho thấy cơ thể cần nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận