25/08/2019 13:39 GMT+7

Người bảo hành xoài

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Vườn xoài của ông Nguyễn Phú Hiệp (ngụ xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) thường xuyên có các kỹ sư, nhà khoa học, nhà vườn lui tới để trao đổi học tập kinh nghiệm canh tác xoài.

Người bảo hành xoài - Ảnh 1.

Ông Hiệp “phân lô” đánh số thứ tự cho từng cây xoài để tạo lý lịch cho chúng - Ảnh: NGỌC TÀI

Làm hữu cơ có năm cái lợi lớn: sức khỏe cho đất, sức khỏe cho cây, sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và sức khỏe cho cộng đồng.

Ông Nguyễn Phú Hiệp

Ở tuổi 70, ông Hiệp trở thành nguồn cảm hứng, tấm gương về người nông dân ham học hỏi, chịu đổi mới và tâm huyết với nông sản sạch. Có lẽ chính vì thế mà xoài của ông và những người trong tổ hợp tác xoài thương hiệu Bà Két 5 năm qua được bao tiêu với giá cao hơn thị trường.

Bán xoài có bảo hành

Ông Hiệp không dám khẳng định bản thân ông tiên phong trong việc sản xuất xoài theo hướng hữu cơ ở Đồng Tháp, nhưng tự tin "chưa ai dám bán xoài có bảo hành như tui". 

Cách bảo hành của ông đậm chất nông dân, không bằng giấy tờ mà chỉ bằng một lời hứa "chắc như đinh đóng cột" - xoài loại 1 bảo hành 5 ngày không thúi, loại 2 là 3 ngày. Thúi bao nhiêu trả tiền lại bấy nhiêu, nhưng phải chụp hình gửi qua cho ông làm bằng chứng.

Vì sao ông dám tự tin, đơn giản là ông quá hiểu cây xoài, từ "tính nết" đến cách "ăn uống" của chúng sao cho khỏe mạnh, thời điểm thu hoạch, cách đóng thùng, gói trái bảo quản sao cho hợp lý. Xoài lạm dụng phân hóa học, chất kích thích, tăng trưởng dễ thúi, mau lên rượu bên trong mới sợ, chứ ông canh tác theo hướng hữu cơ không có gì phải lo ngại. 

Dĩ nhiên, khi dám bảo hành xoài, ông Hiệp đã dự trù hết các rủi ro. "Lỡ doanh nghiệp, cửa hàng nông sản trộn hàng hoặc cố tình đẩy hết xoài thúi của các nơi khác để mình bảo hành rồi sao. Mình phải có cách của mình chứ" - ông Hiệp nói.

Phương pháp của ông Hiệp hết sức khôn ngoan và chẳng ai ngờ tới. Ngay lô hàng bảo hành đầu tiên ông chọn ngẫu nhiên một số trái để biếu cho lãnh đạo UBND huyện, UBND xã, phòng nông nghiệp, hội nông dân. 

Mỗi trái đều được đánh số và chụp ảnh làm bằng chứng. Khi ông Hiệp mang xoài đi biếu, ông dặn: "Xoài này tui biếu để chưng chứ hổng được ăn. Hôm nào xoài chín rục, thúi thì nhờ lãnh đạo báo giùm tui một tiếng".

"Mấy ông lãnh đạo la trời, họ nói ai đời nông dân bắt lãnh đạo báo cáo ngược. Tui cười khà khà nói, giờ mấy ông muốn xoài Cao Lãnh mình bán giá mắc, được bao tiêu thì giúp tui. Ít bữa sẽ hiểu" - ông kể.

Quả đúng như dự đoán, lô xoài đầu tiên ông Hiệp bảo hành số lượng lớn. Ông chẳng gấp gáp hay nổi nóng. Sau 20 ngày ông nhận được "báo cáo" của các vị lãnh đạo về thời gian xoài chín rục, thúi trái. Ông tổ chức một buổi họp với doanh nghiệp thu mua rồi mời thêm những người "làm chứng" bất đắc dĩ.

"Tui mở những hình ảnh mà cửa hàng, công ty mắng vốn là xoài bị thúi cho từng vị có mặt hôm đó coi. Phía công ty còn gửi cho tui đoạn tin nhắn phàn nàn của cửa hàng. Bị tui "bắt giò" ngay, xoài tui gửi mà công ty hai bữa sau mới chuyển đi, không hề khui thùng xốp. 

Đến cửa hàng họ ngâm tiếp ba ngày nữa. Nếu bỏ tui trong thùng xốp năm ngày kiểu đó cũng thúi nói chi xoài. Xoài hư do cách các anh bảo quản chứ xoài tui biếu các vị lãnh đạo ở đây có bị thúi vậy đâu. Không tin thì các anh cứ hỏi họ".

Ba mặt một lời, có cả "nhân chứng", "vật chứng", công ty thu mua hết đường biện minh. Tuy nhiên ông Hiệp cũng cho rằng nếu có xoài thúi là lỗi của nông dân trong tổ hợp tác. Chủ vườn bón phân ngay trước thời điểm thu hoạch nên phẩm chất trái không đạt, thúi cuống. "Cái này phải bảo hành mà còn xin lỗi nữa" - ông Hiệp nhớ lại.

Thấy ông Hiệp vừa "cứng cựa" không dễ chèn ép, lại là người ngay thẳng, có lý có tình, làm ăn uy tín nên từ sau đó doanh nghiệp thu mua và ông gắn kết bền lâu với nhau. Thậm chí đến năm nay xoài của ông Hiệp được thu mua mà không cần bảo hành nữa.

Giá xoài thì luôn cao hơn thị trường 2-3 lần, cụ thể hợp đồng ký năm 2019 nếu vào vụ nghịch, xoài loại 1 giá 30.000 đồng/kg, vụ thuận thì 19.000 đồng/kg; xoài loại 2 bằng 50% giá xoài loại 1. 

Chưa bao giờ xoài trong tổ hợp tác của ông bị "ế". Có điều, tổ hợp tác của ông số lượng thành viên trồi sụt thất thường vì nếu ai làm ăn "khơi khơi" là ngay lập tức bị khai trừ.

Khi người nông dân học hỏi

Ông Hiệp khiêm nhường tự nhận bản thân ông là "nông dân dốt gần chết" và lấy đó làm lý do để không ngừng trau dồi, học hỏi cách trồng xoài. Nghe ở đâu có tập huấn, hội thảo, ông không ngần ngại tham dự mà còn là người "truy" diễn giả, chuyên gia đến cùng. 

"Muốn biết thì phải hỏi, muốn giỏi thì phải học. Giờ anh kỹ sư nói cho nông dân tụi tui biết cơ chế hoạt động của năm con vi khuẩn trong sản phẩm sinh học này đi. Sao mấy chú đem năm con vi khuẩn yếm khí, sống trong đất, trong nước giờ biểu tụi tui xịt lên lá rồi nó sống được mấy tiếng đồng hồ?" - ông Hiệp kể lại. 

Câu hỏi đó thực sự làm "cứng họng" diễn giả đang thao thao bất tuyệt và sau đó phải cầu cứu "viện binh" là một người nghiên cứu sản phẩm thực sự chứ không phải một kỹ sư... chuyên về marketing.

Cũng trong những hội thảo như thế, ông Hiệp lọt vào "mắt xanh" của các nhà thu mua xoài xuất khẩu, các công ty sản xuất chế phẩm sinh học dùng thay phân thuốc hóa học. Từ đó, vườn xoài của ông trở thành "trung tâm" thử nghiệm các loại chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ.

Rồi kỹ sư, nhà khoa học thường xuyên tới lui, trao đổi kinh nghiệm sản xuất với ông Hiệp. Con đường sản xuất xoài theo hướng hữu cơ cũng mở ra, ông trồng và bán suốt từ năm 2014 đến nay.

"Làm xoài theo hướng hữu cơ thì tuyệt đối không xịt thuốc cỏ 2,4D, carphosate, thuốc trừ bệnh gốc carbendazim không xài vì nó lưu tồn 6 tháng. Xoài mới ra đọt, xịt cái tẹt lên đó, lúc thu hoạch kiểm tra là dính liền. Thuốc gốc metalaxyl trị sương mai tuyệt vời nhưng lưu tồn 3 tháng cũng loại luôn" - ông Hiệp chia sẻ.

Hỏi ông Hiệp vì sao sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, ông nói tỉnh queo: "Vì tui sợ chết". Ông cười khà khà rồi nói tiếp: "Làm hữu cơ có năm cái lợi lớn: sức khỏe cho đất, sức khỏe cho cây, sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và sức khỏe cho cộng đồng. 

Lúc trước mỗi lần mang bình đi xịt thuốc bảo vệ thực vật là tui cứ nghĩ đến viễn cảnh bệnh chết. Ai sợ chết như tui thì canh tác theo hướng hữu cơ đi nghen".

Xây dựng "lý lịch" cho xoài

Bà Nguyễn Thị Phượng, bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hội, nhận xét nông dân trí thức thực thụ như ông Hiệp rất cần cho đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của tỉnh. 

Ông không chỉ là điều kiện cần mà còn là nhân tố tích cực thúc đẩy việc liên kết sản xuất, gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng. "Chú mạnh dạn, chịu làm, chịu đổi mới, gặp khó khăn không lùi bước và dành nhiều tâm huyết để giữ gìn thương hiệu xoài Cao Lãnh. Hễ địa phương triển khai chủ trương gì mới chú đều tiên phong tham gia" - bà Phượng nhận xét.

Sau xoài hữu cơ, ông Hiệp đang dành nhiều thời gian để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, đa dạng sản phẩm... 

Ngoài ra, ông đang xây dựng "lý lịch" cho cây xoài vườn nhà. Dẫn chúng tôi tham quan một vòng, ông chỉ những cây xoài được "phân lô", đặt tên hẳn hoi. Mỗi cây còn được ghi nhật ký sản xuất tỉ mỉ, tình trạng "sức khỏe" đã "ăn uống" những loại "thức ăn" nào, cho trái ra sao, những lưu ý đặc biệt. 

Có tên, có lô, ông Hiệp còn dễ dàng "chỉ đạo từ xa" cho người trong gia đình việc chăm bón cây mỗi lần ông đi vắng. Và cũng từ đó tạo cơ sở dữ liệu minh bạch với đối tác thu mua, người tiêu dùng an tâm về chất lượng. Ông Nguyễn Hoàng Trung, một nông dân trong tổ hợp tác của ông Hiệp, thừa nhận: "Phải bái ông Bảy Hiệp làm sư phụ".

Điều gì nông dân cũng làm được

"Nhìn những người lớn tuổi tay chân còn thô ráp vì quần quật quanh năm trong vườn tược mà biết "bấm bấm, lướt lướt, quẹt quẹt" smartphone mới thấy câu "điều gì người khác làm được thì nông dân quê tôi chắc chắn cũng sẽ làm được" là không sai.

Công nghệ thông tin đã len lỏi vô nông thôn xứ mình, vào tận giấc ngủ của người nông dân. Rồi chắc chắn người nông dân sẽ tự mình làm phong phú cuộc sống của mình, sẽ làm cho công việc sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn".

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan

Người Người 'cưu mang' chim trời

TTO - Ở xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng, hơn 40 năm qua người dân luôn tỉ tê về cách làm "quái lạ" của một người vì đã dày công trồng cây lập vườn cưu mang hàng trăm ngàn con cò, con vạc...

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên