Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward trong sự kiện giao lưu doanh nghiệp Anh ở Việt Nam, tổ chức tại Lãnh sự quán Anh ở TP.HCM cuối năm 2018 - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG
Hiện nay, các kênh hợp tác giữa Việt Nam và Anh được nhắc tới nhiều nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước.
Triển vọng FTA Việt - Anh
"Tôi tin rằng điều này không chỉ diễn ra sau một đêm. Đây là sự nỗ lực của hai chính phủ, cộng thêm nhiều câu chuyện thành công từ những công ty lớn của Anh tại Việt Nam. Chúng đã giúp lan truyền câu chuyện rằng Việt Nam là một quốc gia đáng lưu tâm.
Ông Alain Cany
Trao đổi với Tuổi Trẻ gần đây, đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nói: "Tôi tin rằng khi Anh rời EU, chúng tôi sẽ sẵn sàng đàm phán thương mại tự do với Việt Nam, vốn là điều tốt cho đôi bên.
Trong tương lai, Anh cũng sẽ cân nhắc việc có nên đề nghị tham gia CPTPP hay không. Cả Anh cùng Việt Nam đều ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại và điều này có nghĩa chúng tôi sẽ tìm cách đảm bảo thương mại được duy trì mượt mà".
Ông Alain Cany, chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson tại Việt Nam và đã có hơn 15 năm làm việc ở Việt Nam, cũng là một trong những người chứng kiến mối lương duyên Việt - Anh được xây dựng thầm lặng và bền chắc như thế nào.
Ngày nay, những nhãn hiệu quen thuộc như chuỗi thức ăn nhanh KFC, chuỗi mỹ phẩm Guardian, Công ty cổ phần xe hơi Trường Hải - THACO hay mới nhất là khoản đầu tư vào Vinamilk... đều là mảng kinh doanh mà Jardine đang nắm.
Từng giữ vai trò giám đốc điều hành tại HSBC (trụ sở ở Hong Kong), ông Cany cho biết 15 năm trước, Việt Nam vẫn chưa hề có tên trên bản đồ đầu tư của ngân hàng này. Nhưng hiện nay Việt Nam đã trở thành thị trường chính đứng thứ hai của HSBC tại khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
Trên thực tế, từ hình ảnh thân thiện của đại sứ Gareth Ward đối với người dân Việt Nam tới sự lớn mạnh của Jardine tại Việt Nam, mối quan hệ song phương Việt - Anh đã được thúc đẩy bằng nỗ lực cấp quốc gia.
Nó là thành quả từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Anh lên đối tác chiến lược, tạo khuôn khổ phát triển quan hệ song phương toàn diện vào năm 2010 trong chuyến đi London của phó thủ tướng, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thời điểm ấy.
Năm 2011, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường và đại sứ Anh tại Hà Nội Antony Stokes tiếp tục ký "Kế hoạch hành động Việt Nam - Anh năm 2011" để triển khai cụ thể tuyên bố chung về đối tác chiến lược Việt Nam - Anh, và nối tiếp sau đó là kế hoạch hành động năm 2012 ký tại London.
Hướng về Việt Nam
Khi Việt Nam bắt đầu xuất hiện trong bản đồ kinh doanh của các doanh nghiệp Anh, họ đồng thời xác định Việt Nam là một trong những "sân chơi" chính của mình tại Đông Nam Á.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ bên lề sự kiện chuyến thăm TP.HCM của công tước Xứ York tháng 11 năm ngoái, ông Peter Rimmer - giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) - cho biết sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam là điều tốt đối với BBGV.
"Rõ ràng Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á). Đây là một nền kinh tế phát triển mạnh và điều này tốt cho hoạt động thương mại - đầu tư của Anh".
Với sự quan tâm ngày càng nhiều, các hoạt động của giới ngoại giao Anh tại Việt Nam cũng trở nên dày đặc hơn, nhằm "dọn đường" cho việc làm ăn của giới kinh doanh.
Đại sứ Ward trong khi đó đánh giá có ba lĩnh vực đặc biệt phát triển rất nhanh trong quan hệ hai nước: giáo dục, hợp tác quốc tế và thương mại.
Ông chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng sự hỗ trợ giáo dục của Anh dành cho Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc "nhiều người Việt du học tại các đại học của Anh". Các trường đại học này hiện đang cải tiến nhiều nghiên cứu và đưa ra nhiều chương trình đào tạo dành cho người Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận