30/05/2024 11:20 GMT+7

Người Ai Cập đã phẫu thuật trị ung thư từ hơn 4.000 năm trước

Các nhà nghiên cứu phát hiện người Ai Cập đã thực hiện những ca phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật cao để điều trị ung thư não từ hơn 4.000 năm trước.

Nghiên cứu mới phát hiện người Ai Cập cổ đại đã cố gắng điều trị ung thư bằng phẫu thuật cắt khối u - Ảnh minh họa: Pexels/Antonio Filigno

Nghiên cứu mới phát hiện người Ai Cập cổ đại đã cố gắng điều trị ung thư bằng phẫu thuật cắt khối u - Ảnh minh họa: Pexels/Antonio Filigno

Theo ScienceAlert ngày 29-5, nhóm nghiên cứu từ Đại học Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) đã quan sát hai hộp sọ của người Ai Cập cổ đại hiện được lưu giữ trong bộ sưu tập Duckworth của Đại học Cambridge (Anh).

Sau khi phân tích cẩn thận bằng kính hiển vi và chụp CT, họ phát hiện cả hai hộp sọ đều có dấu hiệu bị ung thư và dấu vết của những nỗ lực cứu chữa họ bằng phẫu thuật.

Một trong hai hộp sọ thuộc về một người đàn ông trong độ tuổi 30, sống vào khoảng thời gian giữa năm 2687 và năm 2345 trước Công nguyên. Hộp sọ này có một tổn thương lớn phù hợp với sự phá hủy mô do sự phát triển của ung thư gây ra, cũng như hàng chục tổn thương di căn nhỏ hơn nhưng lan khắp hộp sọ.

Nhóm nghiên cứu phát hiện những vết cắt có thể được tạo ra bằng dụng cụ kim loại sắc nhọn quanh các vết thương nhỏ hơn này. Những vết cắt có rất ít hoặc không có dấu hiệu lành lại, cho thấy phẫu thuật diễn ra vào lúc người đàn ông chết. Đây có thể là biện pháp cuối cùng để chữa bệnh ung thư cho anh ta.

"Phát hiện này cho thấy các bác sĩ Ai Cập cổ đại nỗ lực để điều trị hoặc khám phá bệnh ung thư hơn 4.000 năm trước. Đây là một góc nhìn mới lạ trong sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử y học", nhà cổ sinh vật học Edgard Camaros, tác giả nghiên cứu, cho biết.

Hộp sọ nam (ảnh trái) có khoảng 30 tổn thương liên quan đến ung thư giai đoạn cuối và hộp sọ nữ có tổn thương 1 là u ác tính và tổn thương 2 và 3 là do lực mạnh tác động - Ảnh: Tondini, Isidro, Camarós, 2024

Hộp sọ nam (ảnh trái) có khoảng 30 tổn thương liên quan đến ung thư giai đoạn cuối và hộp sọ nữ có tổn thương 1 là u ác tính và tổn thương 2 và 3 là do lực mạnh tác động - Ảnh: Tondini, Isidro, Camarós, 2024

"Có vẻ người Ai Cập cổ đại đã thực hiện một số can thiệp phẫu thuật liên quan đến sự hiện diện của các tế bào ung thư, chứng minh rằng y học Ai Cập cổ đại cũng tiến hành các biện pháp điều trị thử nghiệm hoặc khám phá y khoa về ung thư", giáo sư Albert Isidro, đồng tác giả nghiên cứu, nói.

Hộp sọ thứ hai thuộc về một phụ nữ hơn 50 tuổi, chết vào giữa năm 663 và 343 trước Công nguyên. Hộp sọ cho thấy một tổn thương lớn trên đỉnh hộp sọ, phù hợp với bệnh u xương ác tính hoặc u màng não. Tuy nhiên, những vết thương khác trên hộp sọ, do lực mạnh gây ra, lại được chữa trị tốt.

Nhóm nghiên cứu không biết liệu người phụ nữ này có tham gia bất kỳ hoạt động chiến đấu nào hay không vì những vết thương do lực mạnh gây ra thường chỉ thấy ở nam giới.

Theo nhóm nghiên cứu, dù không thể xác định rõ ràng nguyên nhân tử vong của hai bệnh nhân trên nhưng vì "tình trạng ác tính của họ đang ở giai đoạn cuối" nên khả năng khá cao là cả hai đều không qua khỏi vì ung thư.

Điều này cho thấy dù đã nỗ lực điều trị nhưng người Ai Cập cổ đại vẫn gặp khó với bệnh ung thư và căn bệnh này cũng là một thách thức đáng kể ngay cả cho đến ngày nay.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Frontiers In Medicine.

Người Ai Cập cổ đại phát minh ra robot đầu tiên cách đây 4.000 nămNgười Ai Cập cổ đại phát minh ra robot đầu tiên cách đây 4.000 năm

Hơn 4.000 năm trước người Ai Cập cổ đại đã phát minh ra những robot đầu tiên trên thế giới là những bức tượng bắt chước hành động của con người, nhờ sử dụng hệ thống điều khiển cơ học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên