Tai họa này lại thêm bài học đắt giá về công tác ngừa lửa ở các chợ, cũng như thêm lời cảnh báo về sự mất an toàn trong hệ thống phòng chống cháy nổ trong cả nước.
Nói về chợ Quảng Ngãi - đây là chợ đầu mối lớn nhất tỉnh này với trên 500 tiểu thương kinh doanh buôn bán trong chợ. Hàng hóa trong chợ hầu hết là những mặt hàng có nguy cơ cháy nổ cao. Ngày thường chợ này vốn đã chật, người đông, hàng hóa trong chợ có thời điểm lên tới cả ngàn tấn nhưng việc sắp xếp, đảm bảo an toàn cháy nổ không được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, hệ thống chữa cháy bị coi nhẹ.
Ngay thời điểm xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy rất vất vả khi tiếp cận vào sâu trong chợ. Theo lời đại tá Nguyễn Thanh Trang - phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, chợ Quảng Ngãi có bốn trụ nước chữa cháy ở bốn góc chợ nhưng có trụ không sử dụng được (do bị hư hỏng), trụ dùng được thì không thể vào lấy nước do vướng hệ thống chợ tạm bủa vây, hai máy bơm tự động phía trong chợ để phun nước làm mát được giao cho bảo vệ chợ quản lý, sử dụng nhưng lại không được đưa vào hoạt động. Rồi ở hai đường Ngô Quyền và Nguyễn Bá Loan đều dựng chợ tạm nên đã lấn chiếm hết đường đi của xe chữa cháy, nhiều xe không tiếp cận được điểm cháy dẫn đến việc đám cháy chậm được dập tắt. Khi lửa tắt cũng là lúc 617 tấn hàng hóa trong chợ của bà con tiểu thương thành đống... tro tàn.
Lâu nay từng nghe, từng chứng kiến rất nhiều vụ cháy chợ nhưng chung quy chợ cháy xảy ra hầu như đều bắt nguồn từ sự chủ quan trong vấn đề phòng chống cháy nổ của chính các tiểu thương và ban quản lý chợ, kể cả của cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trong vấn đề quản lý công tác phòng chống cháy nổ ở các chợ.
Tháng 12-2006, chợ Quy Nhơn (Bình Định) bị lửa thiêu rụi mà nguyên nhân do một tiểu thương không tắt hệ thống điện cá nhân tại sạp theo nội quy của ban quản lý chợ, để quạt điện hoạt động gây ra vụ cháy. Về sau này, các cá nhân của ban quản lý chợ Quy Nhơn cũng chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm gây ra vụ cháy chợ Quy Nhơn.
Luật phòng cháy chữa cháy về phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng quy định rất rõ: tại các chợ quy mô lớn và trung tâm thương mại phải tách điện phục vụ kinh doanh, sinh hoạt, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt; sắp xếp các hộ kinh doanh, ngành hàng đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy; có phương án thoát nạn và giải tỏa hàng hóa khi có cháy xảy ra. Tại các kho hàng phải tách điện phục vụ sản xuất, bảo vệ và chữa cháy thành từng hệ thống riêng biệt; sắp xếp vật tư hàng hóa đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy và chữa cháy. Thế nhưng nhìn một cách tổng quát về hệ thống phòng chống cháy nổ ở chợ trong cả nước thì sai phạm và mất an toàn rất nhiều, tiềm ẩn vô vàn “mồi lửa” có thể phát hỏa bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, nếu “rọi” lại công tác chữa cháy ở chợ Quảng Ngãi cũng thấy việc chữa cháy còn nhiều bất cập, khi tới tám giờ sau kể từ khi vụ cháy xảy ra ngọn lửa mới được dập tắt. Nguyên nhân trừ yếu tố khách quan còn do hệ thống trang thiết bị chữa cháy chưa được đầu tư xứng tầm. Ngay cả đại tá Nguyễn Thanh Trang cũng thừa nhận trang thiết bị chữa cháy của tỉnh còn bất cập, dù đã đề xuất nhưng chưa được trang bị kịp thời. Nếu có sự đầu tư bài bản hơn cho lực lượng chữa cháy thì hẳn chuyện dập lửa không lâu đến vậy.
Vấn đề cuối cùng đặt ra để cùng suy ngẫm là: nếu như một số đơn vị kinh doanh như Doosan Vina, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và nhiều đơn vị khác đều có trang bị xe chữa cháy chuyên dụng túc trực tại chỗ thì tại sao không tính đến chuyện trang bị xe chữa cháy có mặt thường xuyên tại chợ (trước tiên là ưu tiên cho các chợ trung tâm, chợ đầu mối)?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận