Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Xin ngư dân yên tâm bám biển
Tàu cá của ngư dân Phổ Thạnh nối đuôi vươn khơi bám biển. - Ảnh: M.Kỳ |
Ngư dân Bình Châu bám biển Hoàng Sa và liên tục thu về “lộc” biển - Ảnh: V.Minh |
Ngư dân Bình Châu về bờ trong những khoang tàu đầy có lớn từ Hoàng Sa. - Ảnh: V.Hùng |
Ghi nhận tại vùng biển Đức Phổ, nhiều tàu cá từ biển về và chuẩn bị ra khơi vẫn tấp nập.
Ngư dân Võ Ngọc Thạch (Đức Phổ), chủ tàu cá QNg 94411 từng bị Trung Quốc thu giữ tàu năm 2012 (mất 1,5 tỷ đồng) hiện đang có hai tàu cá hành nghề giã cào đôi.
Anh Thạch nói: “Họ cứ tưởng thu tàu cá là ngư dân bỏ biển. Nhưng vùng biển này là nơi mưu sinh bao đời nay thì cớ sao phải bỏ? Dù họ có hành động hung hăng, chúng tôi vẫn quyết bám biển để mưu sinh”. Tàu anh Thạch đã chuẩn bị xong nhiên liệu, đá, lương thực để ra khơi một hai ngày đến.
Ông Phan Hiển (chi hội trưởng Nghề cá xã Phổ Thạnh) cho biết hiện xã có gần 700 tàu cá đang đánh bắt các vùng biển xa, trong đó 520 tàu cá ở vùng biển vịnh Bắc bộ. Gia đình ông Hiển có hai tàu cá đang đánh bắt trên biển, khoảng 10 ngày nữa tàu quay vào bờ để bán hải sản và mua nhiên liệu, thực phẩm rồi tiếp tục ra biển.
“Việc Trung Quốc bắt giữ tàu, ngư dân khiến bà con lo lắng. Nhưng đây là ngư trường của ta nên không thể bỏ được. Ngư dân mong muốn nhà nước can thiệp với phía Trung Quốc sớm thả tàu để họ tiếp tục làm ăn”, ông Hiển nói.
Từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan và liên tục hiếp đáp, bắt bớ tàu cá ngư dân Quảng Ngãi, gây nhiều thiệt hại cho ngư dân, nhưng ở vùng biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), thời điểm này đang là vụ đánh bắt chính nên hàng trăm tàu cá vẫn nối tiếp nhau ra Hoàng Sa. Họ vẫn không chùn bước, miệt mài bám biển làm ăn bình thường như bao năm qua.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bình Châu tâm sự: ngư dân xã xem Hoàng Sa là ngư trường đánh bắt chính nên họ không thể bỏ biển dẫu hiểm nguy. Ngày 7-7 có trên 20 tàu cá ngư dân Bình Châu xuất bến. Những ngư dân từng bị tàu Trung Quốc tấn công như tàu Võ Văn Lựu, Nguyễn Tấn Cu,…đều đang ở Hoàng Sa.
Tàu của ngư dân Nguyễn Văn Quang cũng đang sửa soạn ra lại Hoàng Sa sau khi bị Trung Quốc tấn công. “Ngư dân Bình Châu vẫn một lòng bám biển Hoàng Sa chứ không bao giờ chùn bước, là ngư trường của mình nên phải ra khai thác và bảo vệ, quyết không để Trung Quốc lấn át”, ông Hùng nói.
Xã Bình Châu có 436 chiếc thì hiện 140 chiếc đang khai thác ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Tàu cá của ngư dân Mai Văn Cường (An Vĩnh, Lý Sơn) bị Trung Quốc truy đuổi, đập phá tài sản ngày 3-7 ở vùng biển Hoàng Sa đang sửa sang lại tàu để ra khơi. Ngư dân Cường và bạn biển không hề nao núng, quyết tâm bám giữ ngư trường Hoàng Sa.
Ông Nguyễn Quốc Chinh - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn) cho biết hiện trên 60 tàu cá của nghiệp đoàn vẫn đang bám biển Hoàng Sa với tinh thần rất khí thế.
Tại Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh có 20 tàu cá thì 17 tàu vừa từ Hoàng Sa trở về cập bờ bán hải sản và chuẩn bị tiếp tục ra lại Hoàng Sa. Trong đó có 3 tàu cá của ngư dân Nguyễn Lộc, Nguyễn Văn Đại, Nguyễn Văn Lộc từng bị Trung Quốc truy đuổi, đập phá tài sàn đang khai thác hải sản ở Hoàng Sa.
Ông Lê Khuân - chủ tịch Nghiệp đoàn tâm sự: “Nhờ được hỗ trợ sữa chửa lại tàu thuyền, anh em quyết tâm bám biển. Hàng ngày nắm bắt tình hình đánh bắt của bà con, kịp thời động viên họ giữ vững lòng tin và tinh thần bám biển”.
Theo Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, đầu năm đến nay ngư dân đã đóng mới 120 chiếc tàu đánh cá có công suất từ 400CV trở lên. Các tàu cá này đều khai thác hải sản xa bờ. Ngư dân cũng chủ động cải hoán, thay máy nâng công suất tàu cho khoảng 180 chiếc, bảo đảm việc đánh bắt xa bờ ở hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Từ các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân đang mạnh dạn bỏ vốn đầu tư tàu khai thác hải sản biển xa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận