04/08/2016 09:52 GMT+7

Ngư dân liên kết 
bám ngư trường Hoàng Sa

TRẦN MAI - V.HÙNG
TRẦN MAI - V.HÙNG

TTO - Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa trở về đều cho biết bị tàu Trung Quốc đeo bám ráo riết, không cho đánh bắt.

Thuyền trưởng Phú (trái) với chiếc tàu không còn ngư cụ sau khi bị bốn tàu Trung Quốc áp sát cướp tài sản - Ảnh: TRẦN MAI
Thuyền trưởng Phú (trái) với chiếc tàu không còn ngư cụ sau khi bị bốn tàu Trung Quốc áp sát cướp tài sản - Ảnh: TRẦN MAI

“Lần này Trung Quốc cấm hay đưa thêm tàu cá xuống, chúng tôi vẫn vươn khơi vì đó là ngư trường truyền thống của Việt Nam, vừa khai thác thủy sản, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

Ngư dân Võ Sỹ Toàn

Những thuyền trưởng ngang dọc Hoàng Sa trở về với chiếc tàu không lành lặn, bị cướp hải sản và ngư cụ rất bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đeo bám, đâm rồi cướp

Thuyền trưởng kiêm chủ tàu QNg 90657 Nguyễn Văn Phú (31 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vừa trở về sau phiên biển đánh bắt ở Hoàng Sa cho biết đã bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu bốn lần. Một tuần đầu tiên ra tới ngư trường Hoàng Sa, tàu của anh Phú chỉ đánh bắt được hai đêm, còn phần lớn thời gian là chạy vòng tránh những tàu vỏ thép của Trung Quốc.

“Phiên biển nào cũng gặp tàu Trung Quốc một vài lần. Giờ mình phát hiện từ xa là lo nhổ neo chạy. Chứ để tàu Trung Quốc đến gần thả canô rượt là có nước chết” - thuyền trưởng Phú nói.

Năm nay, dù liên tục bị đeo bám nhưng anh Phú bảo vẫn còn may mắn bởi tháng 6-2015 tàu cá của anh bị bốn tàu màu trắng của Trung Quốc mang số hiệu 589, 3103, 64501 và 35101 áp sát, tấn công khi đang đánh bắt ở vùng biển thuộc đảo Bom Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Tàu của anh bị cướp hải sản và ngư cụ, thiệt hại hơn 750 triệu đồng.

Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh (33 tuổi, xã An Hải, huyện Lý Sơn), thuyền trưởng kiêm chủ tàu QNg 96093, cho biết tàu Trung Quốc quấy nhiễu nhiều nhất vào tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. Đây cũng là thời gian các ngư dân vào mùa đánh bắt chính. Anh Thạnh là một trong những ngư dân can trường, dù liên tục bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá ngư cụ trong những năm qua.

“Chỉ cần thấy tàu cá ngư dân Việt Nam là họ đuổi, thả canô áp sát, không ngại đâm tàu mình. Mới tháng 6 năm ngoái, tàu tôi bị hai tàu Trung Quốc số hiệu 44044 và 33101 đâm bể tàu rồi lên cướp hết máy móc, hải sản. Ba phiên biển năm nay, tôi bị đeo bám phải đến 20 lần. May mà thoát hết” - anh Thạnh kể.

Ông Võ Văn Lựu (50 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), thuyền trưởng tàu QNg 90479 vừa bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 9-7, mang nỗi bức xúc tột cùng. Ông Lựu bảo sẽ đâm đơn kiện Trung Quốc, yêu cầu họ bồi thường tàu cá của ông bị chìm ở Hoàng Sa. Ông nói: “Ba năm gần đây năm nào cũng bị tàu Trung Quốc cướp tài sản. Họ chơi chiêu dùng ít nhất hai tàu lớn đeo bám và dùng canô kèm cặp quyết bắt cho được tàu cá Việt Nam”.

Liên kết thành tổ để yên tâm đánh bắt

Ghi nhận sáng 3-8 tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 77099 Lê Văn Tư (35 tuổi, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho hay tàu vừa trở về hơn một tuần nay từ ngư trường cách bờ biển Quảng Bình khoảng 100 hải lý và cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) gần 60 hải lý.

Tại đó rất nhiều tàu cá Trung Quốc tràn xuống giành giật ngư trường nước ta để khai thác thủy sản. Dẫu là ngư trường nước ta nhưng tàu cá của họ rất lộng hành. Khi phát hiện đội tàu cá của ngư dân Việt Nam, các tàu cá Trung Quốc bằng sắt lẫn bằng gỗ lớn áp sát nhằm đẩy tàu cá Việt Nam ra khỏi ngư trường.

Khi ngư dân kiên quyết bám trụ ngư trường để đánh bắt thì tàu cá lớn của Trung Quốc gí sát mũi tàu vào thành tàu nhỏ của ngư dân ta hòng làm bể mạn tàu, ảnh hưởng đến việc đánh bắt. Thế nhưng tàu ngư dân Việt Nam liên kết thành từng tổ, đội đông đảo nên anh em cũng yên tâm đánh bắt, chỉ di chuyển nhiều ngư trường thì tốn thêm dầu, thời gian nhưng cũng quyết bám ngư trường để làm ăn và cũng để khẳng định chủ quyền biển của Việt Nam.

Còn chủ tàu QNg 98717 Võ Sỹ Toàn (55 tuổi, huyện Sa Huỳnh, Quảng Ngãi) cho biết tàu cá Trung Quốc có tàu cảnh sát đi kèm.

“Cách đây 10 ngày, tàu tôi đang đánh bắt ở ngư trường phía dưới vịnh Bắc bộ thì chạm trán với nhiều tàu cá Trung Quốc đi thành từng đoàn nhỏ. Phía sau các tàu cá Trung Quốc thường có tàu cảnh sát biển đứng cách đó 5-7 hải lý để canh cho tàu cá của họ khai thác” - ông Toàn nói.

Hỗ trợ ngư dân

Ông Phùng Đình Toàn, phó chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết với trường hợp ngư dân Nguyễn Chí Thạnh, Nguyễn Văn Phú và Võ Văn Lựu, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã trao tiền hỗ trợ giúp đỡ ngay khi tàu gặp nạn trở về trình báo với cơ quan chức năng bị tàu cá Trung Quốc truy đuổi, tấn công.

Sắp tới quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các ngư dân gặp nạn ở Hoàng Sa như hỗ trợ vốn đóng tàu không hoàn lại cùng nhiều chính sách khác giúp ngư dân vươn khơi bám biển.

TRẦN MAI - V.HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên