26/10/2017 14:58 GMT+7

Ngồi xe lăn vì thuốc không toa nhưng chứa 'đề xa'

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Một bệnh nhân nữ, 35 tuổi ở Nghệ An, bị tăng từ 50kg lên 84kg, da nứt nẻ, không đi được phải ngồi xe lăn, sau khi uống thuốc chứa dexamethasone để giảm đau lưng trong một thời gian dài.

Ngồi xe lăn vì thuốc không toa nhưng chứa đề xa - Ảnh 1.

Người dân khi mua thuốc cần có đơn của bác sĩ - Ảnh minh họa: Châu Anh

Theo lời kể của người bệnh, chị đã ra hiệu thuốc gần nhà kể bệnh và được bán loại thuốc gói, từng liều trong túi nilông cỡ nhỏ. Do cứ uống là thấy đỡ bệnh nên chị đã uống thuốc này trong thời gian dài (một năm rưỡi) mà không đi khám ở bất cứ cơ sở y tế nào.

Vô tư khám bệnh ở… hiệu thuốc

Trong thời gian uống thuốc của hiệu thuốc, người bệnh thấy mặt phù to, cơ thể tích nước, tăng cân không kiểm soát được và đỉnh điểm là tháng 3-2017 khi bệnh nhân quyết định đến cơ sở y tế thì trọng lượng cơ thể đã là 84kg, da khô và nứt ở nhiều vùng, đặc biệt là ở chân.

Người bệnh được khám và xác định tình trạng tăng cân kể trên là do uống thuốc có thành phần dexamethasone (thuốc điều trị các chứng thấp khớp, một số bệnh về da, mắt…) kéo dài.

Sau 7 tháng điều trị và chỉnh liều thuốc, qua khám lại vào giữa tháng 10 này, bệnh nhân đã giảm về 54kg, các vết nứt trên da đã giảm, bệnh nhân đã tự đi lại được và mới đây còn… có thai.

Theo bác sĩ điều trị cho bệnh nhân này, đây chỉ là một trong số nhiều người bệnh gặp biến chứng khi sử dụng dexamethasone kéo dài. 

Phần lớn trong số này là người bệnh lớn tuổi, bị các chứng đau khớp, đau lưng nhưng không đến bác sĩ mà thường khám ở… hiệu thuốc, hoặc được bạn bè đã từng dùng thuốc giới thiệu. 

Sau một thời gian dài dùng thuốc, bệnh nhân đều thấy đỡ bệnh nhưng gặp điểm chung là mặt tròn như mặt trăng, người béo lên và lại phải đến bệnh viện.

Mua kháng sinh không cần đơn

Theo một khảo sát thực hiện tại khu vực Hà Tây cũ, Phú Thọ, Sơn La và Thanh Hóa, trước năm 2008, trong số 828 lượt bán thuốc được khảo sát, có gần 24% mua có toa của bác sĩ, gần 42% tự quyết định mua thuốc gì và trên 34% mua theo sự hướng dẫn của người bán.

Theo đề án kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn mới được công bố tại Hà Nội, thực trạng này hầu như chưa thay đổi khi Bộ Y tế cho biết có 88% (ở thành thị) và 91% (ở nông thôn) thuốc kháng sinh bán không có đơn. 

Việc bán thuốc theo đơn mới thực hiện tốt tại các nhà thuốc bệnh viện.

Một khảo sát khác do học viên bậc thạc sĩ dược của ĐH Dược Hà Nội thực hiện năm 2015 cho biết ngay tại các bệnh viện thì việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân cũng gặp thiếu sót. 

Các thiếu sót hay gặp nhất là không ghi rõ liều dùng, cách dùng, thời gian dùng thuốc; một tỉ lệ đơn không ghi rõ họ tên, không có chữ ký bác sĩ, không ghi tên bệnh nhân, chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc quá ngày cho phép…

Hậu quả của tình trạng tự mua thuốc điều trị, mua theo hướng dẫn của hiệu thuốc hay bạn bè kể trên là số trường hợp gặp biến chứng và dị ứng liên quan đến thuốc có gia tăng. 

Tình trạng kháng thuốc cũng gia tăng tại VN dù Bộ Y tế đã có quy định cấm bán kháng sinh khi không có đơn của bác sĩ. Theo lộ trình mà Bộ Y tế vừa đặt ra để kiểm soát tình trạng bán thuốc không cần đơn, phải đến năm 2020 dự kiến mới chấm dứt tình trạng mua thuốc không cần đơn.

Nước ngoài: không toa, không bán

Chính quyền các nước trên thế giới quy định chặt chẽ việc bán hai loại thuốc: thuốc kê theo toa (POM) và thuốc không cần đơn (OTC).

Tại Mỹ, Đạo luật liên bang về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm quy định rõ ràng những loại chất nào cần được kê toa nếu muốn mua tại các quầy thuốc.

Chính phủ liên bang cho phép bác sĩ, bác sĩ tâm thần, trợ lý bác sĩ, y tá, nha sĩ, bác sĩ thú y... được kê toa đối với các loại thuốc POM.

Một thách thức mới cho cơ quan chức năng trong thời đại Internet là hiện tượng người dân mua thuốc... trực tuyến.

Đây là một cách thức có thể giảm chi phí y tế và di chuyển, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ thuốc giả hoặc mua trái phép. Chính vì vậy, hướng dẫn mua thuốc trực tuyến cũng được quy định rất rõ ràng.

Chính phủ Hà Lan cũng cấm thuốc bán theo toa mà không có kê đơn của bác sĩ.

Trường hợp muốn nhờ "bác sĩ trực tuyến" kê đơn, vị bác sĩ ấy cũng phải đáp ứng 3 yêu cầu: phải từng điều trị cho người mua, phải nắm được lịch sử dùng thuốc của người mua và phải cập nhật dữ liệu y tế của người mua.

Phần lớn các nước phương Tây đều phát triển dịch vụ bán thuốc trực tuyến nhưng đòi hỏi có toa thuốc do bác sĩ kê đơn.

NHẬT ĐĂNG

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên