16/10/2015 09:13 GMT+7

Ngôi trường xanh mát lá hoa

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)
THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)

TT - Ở ngôi trường ấy, mỗi thầy cô khi đến lớp ngoài giáo án còn đùm thêm những hạt cơm thừa để nuôi đàn chim, hoặc cắp theo vỏ dừa khô để làm giàn phong lan trang trí trước cửa lớp.

Học sinh Ba Na bên hàng sim được thầy hiệu trưởng đưa về trồng, nhắc các em nhớ về ngôi làng cũ của mình - Ảnh: B.D.
Học sinh Ba Na bên hàng sim được thầy hiệu trưởng đưa về trồng, nhắc các em nhớ về ngôi làng cũ của mình - Ảnh: B.D.

Ở đó, trường học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn được mọi người chăm chút như chính nơi mình sống.

Trường THCS Trần Khánh Dư ở vùng ngoại thành, cách TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) gần 10km, giữa những ngôi làng nghèo của đồng bào Rơ Ngao, Ba Na. Ở ngôi trường ấy, từ các dãy hành lang tới thư viện, lớp học... tất cả đều ngay hàng thẳng lối, sạch sẽ và ngăn nắp gần như tuyệt đối.

Tôi muốn mọi người coi đây là nhà mình, từ cái cây đến tổ chim phải cần có bàn tay chăm sóc. Học sinh, giáo viên chính là những gia chủ. Khi đã coi là nhà của mình thì ai cũng quý, cũng nâng niu những thứ mình có. Đó là bài học cơ bản, đầu tiên về việc định hình nhân cách con người mà tôi muốn nói với học trò

Thầy TRẦN HỮU LỘC (hiệu trưởng Trường THCS Trần Khánh Dư)

“Công viên” thu nhỏ

Giờ chào cờ dạy kỹ năng sống

Ở Trường Trần Khánh Dư, giờ chào cờ được “biến tấu” thành giờ học kỹ năng sống.

Học sinh được thầy hiệu trưởng, thầy cô dạy các kiến thức ít có trong sách vở như làm thế nào để tránh bạo lực học đường, sức khỏe lứa tuổi tiền dậy thì, kỹ năng học tập nhóm...

Thầy Lộc cho biết sáng thứ hai đầu tuần nhà trường chỉ học hai tiết cuối, các tiết đầu để dành cho học sinh trau dồi kỹ năng sống...

Thầy Trần Hữu Lộc - hiệu trưởng Trường Trần Khánh Dư - cho biết trường có gần 600 học sinh, trong đó hầu hết là dân tộc Rơ Ngao, Ba Na. Học sinh rất nghèo, việc lên nương nhổ mì, trồng bắp đôi khi quan trọng hơn đến lớp học chữ.

Năm 2012 khi được giao nhiệm vụ hiệu trưởng, thấy học sinh không mặn mà tới lớp, thầy Lộc đã nghĩ ra cách biến trường học thành “điểm đến thân thiện” để lôi kéo học trò.

Những ngày đầu tiên làm hiệu trưởng, giáo viên Trường Trần Khánh Dư bất ngờ khi thấy thầy Lộc mang theo những vỏ dừa khô, thảm mục, có khi thầy mang cả chậu hoa héo khô xin được của người quen rồi tự tay đóng giá, buộc thép treo trong phòng làm việc, trước hành lang và trước các lớp học.

Có giáo viên cản: “Thầy trồng hoa để làm gì, các em sẽ phá hết!”. Thầy Lộc chỉ cười: “Có cách để các em không những không phá mà còn chăm sóc tốt hơn nữa”.

Thấy thầy Lộc đưa hoa đến lớp trang trí khắp nơi, học sinh chạy tới xem rồi bày tỏ sự tò mò. Vài hôm sau, các em đến lớp bỗng mang theo cả những cây phong lan vừa hái được trên rừng rồi nói với thầy giáo: “Thầy trồng hoa thì cho em trồng theo với, em thấy cây hoa này nở trên rừng đẹp lắm”.

Rồi những học trò đầu tóc cháy khét ấy em thì đi tìm gốc cây mục, em tìm gáo dừa về cặm cụi trồng phong lan trước lớp. Thấy học trò thay đổi, thầy cô giáo cũng động viên các em bằng cách bỏ tiền túi ra mua bình tưới về tặng học trò.

Những giàn phong lan được treo lên ngày một nhiều, hoa được đưa từ các ngôi làng của học trò về trồng rải rác trong trường, lớp. Không chỉ có hoa mà khắp các dãy phòng học, lối lên xuống cầu thang cũng được treo kín tranh của học sinh tự vẽ. Những bức tranh này được thầy Lộc tuyển chọn trong các đợt thi vẽ tranh về ước mơ học trò của trường, rồi thầy tự bỏ tiền mua khung treo lên.

Y Sương, học sinh lớp 8A, nói mỗi buổi sáng đến trường là một cảm giác thân thiện và đầy thích thú.

“Thầy cô đem phong lan tới trước các lớp rồi huy động chúng em chăm sóc, đến nay hoa phong lan nở rất nhiều!” - Sương nói.

Cùng chung niềm vui đến trường như Sương, các học sinh Y Hoan, Đào Thị Quỳnh Như (lớp 9C), Nguyễn Hữu Thắng... cũng nói vườn hoa, các bức tranh của học sinh được thầy cô treo trong lớp học hay chậu sen, hàng sim trồng trước lối đi dẫn vào nhà hiệu bộ là tài sản và công sức chăm sóc của học sinh toàn trường.

“Mỗi khi đi rừng hái được hoa phong lan hay trong nhà có hoa gì đẹp, em lại mang lên trường gửi nhờ các thầy cô trồng. Những giò phong lan đó được cả lớp thay nhau tưới nước tới khi nở hoa. Không chỉ em mà nhiều bạn bây giờ cũng thích được đến lớp hằng ngày vì lúc nào cũng thấy vui” - Y Hoan nói.

Thầy Lộc chỉ cho chúng tôi hai hàng cây sim mọc xanh tốt dẫn vào dãy nhà hiệu bộ, nói: “Ở đây có một ngôi làng rất nổi tiếng, từng là xứ sở của màu tím hoa sim đi vào tâm trí bao thế hệ học trò Kon Tum. Đó là làng Kon Rờ Bàng, nhưng giờ biến mất rồi. Tôi đã cất công lên tới Măng Đen bứng những cây sim non về trồng, rồi tưới tắm kỳ công mới có được hai hàng sim xanh tốt như thế này. Hàng sim là món quà tôi tặng học trò Ba Na của Kon Rờ Bàng, như để nhắc nhở các em nhớ về ngôi làng của mình ngày xưa”.

Ngoài việc trồng hoa, khuôn viên Trường Trần Khánh Dư còn nuôi cả chim bồ câu, gà rừng... Mỗi sáng đến lớp, các giáo viên luôn mang theo một gói cơm nguội phơi khô hay thức ăn dư thừa để làm bữa ăn cho đàn bồ câu đang rỉa cánh phía sau các dãy nhà.

Làm sống lại cồng chiêng Ba Na

Là khu vực tập trung đông đồng bào Ba Na, Rơ Ngao nhưng nhiều năm nay tiếng cồng chiêng vắng lặng ở các ngôi làng nơi đây. Những người lớn tuổi biết đánh chiêng ít dần, chỉ có những ngày mừng lúa mới, đâm trâu, cồng chiêng mới được đem ra đánh thức nhà rông.

Trước điều này, từ năm 2013 thầy Trần Hữu Lộc đã trực tiếp đi vào làng vận động già làng, những nghệ nhân lớn tuổi đứng ra trợ giúp trường khôi phục các đội cồng chiêng. Hơn 80 học sinh tại các ngôi làng được tuyển chọn, trang phục được người dân trong làng may tặng. Đội cồng chiêng nhí, trong đó có cả những học sinh cá biệt mà thầy Lộc giáo dục, đã được tập hợp. Đêm cuối tuần, thầy hiệu trưởng cùng các giáo viên gác công việc gia đình cùng nghệ nhân tập hợp tại nhà rông để cùng học sinh tập đánh cồng chiêng.

Thầy Lộc khoe: “Ngoài việc dạy cho các em không quên truyền thống của mình, qua các đội cồng chiêng này tôi còn rèn nhiều học sinh cá biệt rất thành công”.

Ở Trường Trần Khánh Dư, những món đồ như thuyền độc mộc, nỏ đi săn, khố hay thậm chí cả mô hình nhà rông được thầy hiệu trưởng đi nhặt nhạnh khắp nơi rồi về treo cẩn thận trong các phòng. Thầy Lộc nói đó cũng là một cách để động viên học sinh, các thầy cô ở trường phải biết tôn trọng văn hóa, yêu quý những gì thuộc về dân tộc Ba Na, Rơ Ngao...

Từ đầu năm học 2015 - 2016, Trường THCS Trần Khánh Dư đã đầu tư một sân khấu chính rộng 60m2 trong khuôn viên nhà trường để làm nơi sinh hoạt đầu tuần, tổ chức biểu diễn văn nghệ, mời nghệ nhân cồng chiêng, dệt thổ cẩm truyền thống về biểu diễn hằng tuần nhằm giáo dục học sinh lòng tự hào về văn hóa dân tộc mình.

 

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên