Phóng to |
Ngôi trường trên đỉnh Thiên Cấm Sơn - Ảnh: Đức Vịnh |
Ngôi trường 3 trong 1
Lên đỉnh Thiên Cấm Sơn, giữa chốn thâm sơn hoang vắng thưa thớt bóng nhà chợt thấy ngôi trường mang tên Trường THCS Núi Cấm nằm lẻ loi bên vách núi, cách con đường mòn khúc khuỷu một đoạn dốc cao. Căn lợp tôn vách ván cũ kỹ phía bên phải là lớp mẫu giáo, các em đang bi bô tập hát theo nhịp của một cô giáo trẻ, phòng kế bên là một lớp tiểu học. Ở hai phòng học chính giữa, học sinh đang chăm chú trong giờ học tiếng Anh, hóa học. Dãy phía sau của trường lại là các lớp tiểu học. Tiếng ê a đánh vần hòa với tiếng tập đọc tiếng Anh tạo thành âm vang rộn rã cả góc núi.
Trước vẻ ngạc nhiên của khách lạ, một giáo viên (GV) vui vẻ nói: “Đây vốn là cơ sở của Trường tiểu học B An Hảo, hiện làm nơi dạy cho học sinh của cả Trường THCS Núi Cấm và mẫu giáo”. Thì ra... một điểm trường 3 trong 1! Chúng tôi rẽ qua căn nhà gỗ lợp tôn vách trống phía bên trái: khu tập thể GV với ba phòng nhỏ ngăn bằng những tấm nilông, vách giấy. Giờ ra chơi ngoài kia học sinh nô đùa tung tăng, trong này mấy GV nam tranh thủ nấu cơm, ở phòng kế bên hai cô giáo xem lại giáo án, chuẩn bị lên lớp...
Thầy Huỳnh Văn Vui, hiệu trưởng Trường THCS Núi Cấm, cho biết từ sau ngày hòa bình, cư dân dưới núi và từ nhiều nơi khác lên trồng rẫy, lập vườn, sống nghề rừng đã cất nhà cửa định cư, dần hình thành những xóm nhỏ nằm rải rác quanh núi. Đường lên xuống xa xôi cách trở, đi lại khó khăn nên hầu hết trẻ em đều không đi học. Một ngôi trường nhỏ do người dân trên núi góp công góp của dựng nên, Trường tiểu học B An Hảo ra đời. Dân cư ngày càng đông hơn, số học sinh cũng tăng theo. Năm 2004 Phòng Giáo dục huyện Tịnh Biên quyết định mở thêm một phân hiệu THCS trên núi Cấm. Nhiều GV nhớ lại: “Đó là căn chòi tre, mái vách nilông. Cũng do bà con đóng góp”. Năm 2005, một nhà hảo tâm hỗ trợ dựng nên hai phòng học bằng gỗ tạp lợp tôn để thay thế và Trường THCS Núi Cấm được thành lập với hai phòng học tạm đó”.
Đầu năm học 2006-2007, Trường tiểu học B An Hảo có thêm bốn phòng học kiên cố, dôi ra mấy phòng học tạm. Bên THCS và bên mẫu giáo bèn mượn ba phòng dùng làm nơi giảng dạy. Hai phòng học cũ của THCS ngăn một bên làm phòng ban giám hiệu, phần còn lại làm nơi ở cho GV của cả ba trường. Thầy Trần Văn Vũ, phụ trách công đoàn, cho biết: “Tám GV nam, ba GV nữ có hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên ở đây, một số GV hiện vẫn ở nhờ nhà dân”. Các phòng ngăn cách bằng những tấm nilông, vách dán giấy. Trong khoảng chật hẹp chừng vài mét vuông đó vừa là nơi ở, nơi nấu nướng, soạn giáo án mà mỗi khi mưa lớn nước trên vách núi tràn xuống lênh láng. “Học sinh có chỗ học đàng hoàng như hôm nay là tụi em mừng lắm. Mình ở sao cũng được” - mấy GV trẻ cười... vô tư.
Phóng to |
Đêm bên ngọn đèn dầu leo lét, trong căn phòng vách nilông chật chội vừa làm nơi ở, nấu nướng... hai cô giáo trẻ Lê Thị Thanh Tuyền và Lê Thị Ngọc Quí ngồi soạn giáo án - Ảnh: Đ.Vịnh |
Cụm trường gồm cả THCS, tiểu học, mẫu giáo tổng cộng hiện có gần 300 học sinh với 21 GV, hầu hết đều khá trẻ. Lúc phân hiệu THCS mới mở, Đặng Thanh Nhàn cũng vừa tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM được phân công về đây dạy môn mỹ thuật. Nhàn kể: “Núi cao cách trở, hoang vắng, buồn lắm! Đời sống, sinh hoạt hết sức khó khăn...”. Bấy giờ trường lớp với căn chòi dã chiến tạm bợ, còn GV ở tạm trong căn nhà bỏ hoang dưới dốc Thiên Tuế hằng ngày vượt dốc đến trường. Mùa mưa đường trơn trượt, nhiều bữa đứng lớp với quần áo lấm lem. Mùa khô thì chịu cảnh thiếu nước. Trên núi không có điện, đêm chốn thâm sơn càng u tịch, quạnh quẽ. “Thiếu thốn đủ thứ. Không tivi, không sách báo, gần đây mới có ít đầu báo...” - nhiều GV nói.
Quê xứ cù lao Chợ Mới, tốt nghiệp ngành cao đẳng tiểu học, năm 2005 cô sinh viên Lê Thị Thanh Tuyền được phân về Trường tiểu học B An Hảo, thỉnh thoảng cô mới về thăm nhà. Mỗi lần về cô thường lội bộ xuống núi. “Mỗi lần leo từ dưới chân núi lên tới trên này mất gần ba giờ” - cô bảo. Những ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật học sinh không tới trường, một số GV cũng về thăm nhà. Thân gái lẻ loi trong phòng ở tập thể trên núi buồn không chịu nổi...
Rảo qua các lớp tiểu học, chúng tôi thấy nhiều em không có đồng phục, nhiều cuốn vở được đóng bằng những tờ giấy trắng còn sót lại của năm học trước. Tuyền bảo người dân trên núi còn nghèo lắm, nhưng rất tha thiết cái chữ cho con em mình. Chính bà con đã góp công góp của cùng địa phương dựng nên trường lớp. Cô kể nhiều phụ huynh nhà ở xa trường gần 4km đường núi, hằng ngày vẫn đều đặn leo đồi băng dốc đưa con tới lớp rồi mới lên rừng, lên rẫy. Học sinh ở đây ngoan hiền, chăm chỉ. Số em ở bên điện 13, Rau Tần, Vồ Đầu thường phải đi học từ 11g trưa và về tới nhà lúc trời tối mịt nhưng chưa hề vắng một buổi học. Chúng tôi được biết nhiều em sau khi học xong THCS ở trên núi đã xuống núi tiếp tục học lên THPT, đi học trung cấp. Có em đậu vào ĐH như Nguyễn Thị Diễm Hoàng bên xóm Vồ Đầu...
Bao năm cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, chi phí sinh hoạt, đi lại đều cao trong khi mức lương cũng bằng GV ở thành thị, xã An Hảo được qui hoạch làm du lịch nhưng chưa một GV nào... xuống núi. Nhiều GV tâm sự: “Đôi lúc tụi em cũng ngán ngẩm, cũng muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ tới các em thấy không nỡ”. Họ bảo các em trên núi quá thiệt thòi so với đồng bằng. Có lẽ điều đó đã níu chân họ ở lại. “Tụi em luôn động viên, an ủi, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn. Tình đồng nghiệp đã giúp tụi em gắn bó với nhau, gắn bó với trường lớp” - thầy Vũ nói.
Đêm trên đỉnh Thiên Cấm Sơn u tịch, căn phòng tập thể vẫn leo lét ánh đèn dầu giữa bốn bề vắng vẻ. Gió non cao về khuya càng lạnh buốt, gió thốc qua vách nilông, vách giấy phần phật. Các GV trẻ vẫn chong đèn miệt mài soạn giáo án, sửa bài tập cho học trò của mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận