02/01/2022 10:13 GMT+7

Ngôi trường 'không thanh âm' ở phố Hội

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Tìm đến Việt Nam như một nơi để chữa lành những vết thương lòng, một người phụ nữ Úc quyết định ở lại và coi Việt Nam như quê hương thứ hai.

Ngôi trường không thanh âm ở phố Hội - Ảnh 1.

“Cô Mai” với những đứa trẻ trong ngôi trường của mình - Ảnh: B.D.

Bà mở trường ở phố cổ Hội An (Quảng Nam), gọi bạn bè giúp đỡ để duy trì hoạt động cho cơ sở nuôi dạy trẻ bị câm, điếc.

Ngôi trường đặc biệt này nằm ở địa chỉ 203 đường 28-3, phường Thanh Hà - cách trung tâm phố cổ Hội An chừng 3km.

Lặng thầm tình thương

Trong gian nhà nhỏ, hàng chục đứa trẻ hí hoáy vẽ tranh, nắn nót những dòng chữ đầu tiên. Đối diện với lũ trẻ, những giáo viên đeo thiết bị trợ thính, tay liên tục đảo múa. 

Lúc khác, khi mấy đứa trẻ ú ớ rượt đuổi nhau trong khoảnh sân nhỏ thì các giáo viên trẻ chạy ra giơ tay ký hiệu ngôn ngữ yêu cầu tập trung vào lớp để ôn tập bài vở. Một cách kỷ luật và trật tự, những đứa trẻ vào vị trí ngồi của mình rồi vòng tay, mắt nhìn về cô giáo phụ trách lớp.

Trước một tấm bảng mica lớn đã được viết thứ ngày, tên bài học, cô giáo Đồng Thị Như Liên - quản lý trường - giơ tay đảo liên tục ra ký hiệu ngôn ngữ. Những tiếng loạt soạt rộ lên dưới lớp học, mấy đứa trẻ lôi vở ra ngồi nắn nót từng dòng chữ. Thoạt nhìn những học trò này, không ai nghĩ các em bị khuyết tật bẩm sinh. 

"Ai đến lớp này gặp các cháu cũng ngỡ ngàng trước sự khôi ngô, sáng sủa và ngoan ngoãn của từng cháu. Dù nhỏ hay lớn, các cháu vẫn đang tập tành nắn nót từng dòng chữ như trẻ mới vào lớp 1 chứ chưa thể đọc viết thành thạo. Nhưng chừng ấy thôi cũng là bao kỳ công của chúng tôi rồi" - cô Liên tự hào nói.

Trong gian phòng ở tầng 2 được xếp dọn hết sức ngăn nắp, chúng tôi chú ý đến một chàng trai cao ráo, khuôn mặt điển trai. Khi lớp học đã bắt đầu được chừng 20 phút, chàng trai này mới tất tưởi cầm trên tay cuốn vở chạy ù từ ngoài đường vào lớp ngồi ngay ngắn rồi lật trang vở ra hí hoáy viết. 

Đó là Trần Văn Sơn - quê ở TP Hội An - học viên đầu tiên của ngôi trường không thanh âm này. Sơn là con trai trong một gia đình có cha mẹ là nông dân, cậu bị câm điếc từ nhỏ. 

Do chưa có trường chuyên biệt nên trước khi đến với ngôi trường không thanh âm, Sơn chỉ quanh quẩn ở nhà phụ gia đình làm các công việc vặt. Khi trường mở, cha mẹ gửi Sơn tới để được học chữ. 

Mấy năm gắn bó nơi này, nay Sơn đã tự viết được một văn bản hoàn chỉnh. Mấy năm qua, khi đã là một chàng trai cao lớn thì Sơn được các cô giáo cho phép vừa học ở trường vừa đi học nghề thợ mộc ở một cơ sở do nhà trường tổ chức.

Tôi là Mai Việt Nam!

Bà Maire MCCainn (65 tuổi, người Úc) là chủ nhân và là người sáng lập ngôi trường này trong một câu chuyện đặc biệt. Nhiều năm qua, bà được gọi bằng một cái tên rất Việt Nam là "cô Mai, mẹ Mai". 

Maire MCCainn là một nữ y tá tại Úc, đến phố cổ Hội An năm 2006 sau khi gặp một chuyện buồn gia đình, xem nơi này là nơi có thể giúp bà chữa lành. Nhưng chuyến đi đó đã thay đổi kế hoạch của bà khi nhận thấy nhiều trẻ em khuyết tật còn thiếu điều kiện chăm sóc.

"Ở các nước phát triển thường thì trẻ em yếu thế, trẻ khuyết tật được tận hưởng các chương trình hỗ trợ hòa nhập và giáo dục riêng. Tuy nhiên ở Việt Nam thì điều này còn khá thiếu trong một vài địa phương. Tôi đã gặp hai trẻ khiếm thính ở Hội An và từ đó trăn trở làm sao có thể giúp chúng" - bà Maire MCCainn kể.

Sau chuyến tới phố cổ đó, bà có nhiều lần qua lại hai đất nước. Trong các chuyến đi bà tìm gặp bạn bè để nói về ý định mà bà muốn làm ở Việt Nam. Bà cũng tìm gặp những người bạn ở Hội An để hỏi về nhu cầu, các thủ tục để mở một trung tâm hỗ trợ đặc biệt. 

Thật tuyệt vời, tất cả bè bạn ở hai nước đã hưởng ứng nhiệt tình giúp bà sớm thực hiện được mong ước. Một trong những người hỗ trợ đắc lực nhất để bà Mai mở được ngôi trường hiện nay chính là người quản lý ngôi trường hiện nay là cô giáo Liên.

Cô Liên kể rằng dù ý tưởng rất tốt đẹp nhưng cô và bà Mai cũng phải mất nhiều năm để hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật nên đến năm 2011, ngôi trường mới được ra đời. Bà Mai nói khi trường được chính thức treo bảng, bà đã sung sướng như chính mình đã tìm được niềm vui sống vào những ngày ở tuổi ngoài 50. 

Do không có nhà riêng, để đón trẻ vào học bà Mai phải bỏ tiền túi ra thuê. Cơ sở ban đầu nằm trong trung tâm Hội An, sau đó do yêu cầu mở rộng cơ sở vật chất nên trường được di dời ra địa điểm hiện nay.

Cô Liên cho biết khi biết có trường dành cho trẻ khiếm thính, câm điếc thì rất nhiều bậc cha mẹ ở khắp nơi trong tỉnh Quảng Nam như Duy Xuyên, Quế Sơn, Điện Bàn đã tìm tới xin gửi con. Vì mưu sinh, hoàn cảnh khó khăn mà lâu nay họ buộc phải để con họ sống buồn tẻ, ít giao tiếp với bên ngoài do khiếm khuyết về khả năng nghe, nói. 

Chỉ trong vài tháng mở cửa, số học viên của "trường cô Mai" đã kín chỗ và hiện nay hằng năm đều có danh sách dài hàng trăm trẻ đang được chờ tới lượt được nhận vào.

Cô Liên nói ở ngôi trường này nguyên tắc không thay đổi được đặt ra là không một ai được la mắng, đánh học viên dù ngay từ ban đầu các em có thô ráp, ngô nghê và hành xử tự do như những hòn đá chưa được gò giũa thế nào đi nữa. 

Nhiều bạn sau khi vào trường một thời gian đã "hóa thân" thành những đứa trẻ nề nếp, hiểu biết lễ nghĩa. Điều khá thú vị, từ những người vào trường để học hòa nhập, một số học viên nay đã trưởng thành và được nhận lại làm nhân viên trợ giảng.

Uống cà phê online, ở "ké" để quyên tiền giúp trẻ

Toàn bộ chi phí học tập, ăn ở "trường cô Mai" xem như được miễn phí nhưng để gắn trách nhiệm với gia đình, nhà trường sẽ thu mỗi em tối đa mỗi tháng 800.000 đồng, những em có hoàn cảnh khó khăn sẽ được miễn phí.

Theo bà Maire MCCainn, chi phí duy trì ngôi trường của bà mỗi tháng tốn không dưới 80 triệu đồng, bao gồm tiền thuê nhà, tiền lương cho nhân viên, tiền ăn trưa của trẻ...

Để có tiền duy trì hoạt động, suốt nhiều năm nay mỗi năm bà đều tranh thủ về Úc 3 tháng để làm công việc chăm sóc y tế ở những vùng đặc biệt. Những nơi này ít người làm, công việc vất vả nên mức lương bà nhận được sẽ cao hơn bình thường. Toàn bộ tiền gom góp được bà dành để "nuôi trường" ở Hội An.

Ngoài ra, bà Mai đang có một nhóm bạn khoảng 20 người ở Úc thường xuyên trích lương hưu mỗi tháng để cùng bà giúp đỡ. Ngoài các nguồn cố định, bà Mai cũng có một hoạt động vận động gây quỹ rất đặc biệt: mời bạn bè cùng uống cà phê online qua điện thoại, để dành tiền đó gửi cho bà duy trì trường học ở Việt Nam.

Thay vì ra quán cà phê, các thành viên sẽ online cùng nhau vào một buổi sáng qua màn hình điện thoại và dành ra được 5 đôla Úc (ước tính cho cho mỗi ly cà phê) để chuyển vào quỹ nuôi dạy trẻ. Chưa hết, thay vì tự thuê phòng ở thì nhiều năm qua ở Hội An bà Mai cũng tới ở "ké" nhà người bạn, khoản tiền tiết kiệm bà đều dành giúp đỡ trẻ.

hinh2csqt 1(read-only)

Học sinh được dạy chữ, vui chơi thỏa thích trong ngôi trường đặc biệt - Ảnh: B.D.

"Trường cô Mai" hiện nay đang nhận chăm sóc 25 học viên, người nhỏ tuổi nhất chỉ 8 tuổi và lớn nhất là 18 tuổi. Chăm sóc cho các em là 6 giáo viên, một người quản trú và các nhân viên hỗ trợ.

Mỗi ngày các bậc phụ huynh sẽ gửi con từ 7h30 sáng, chiều đón con về. Các bạn nhỏ được dạy học chữ, dạy đọc, dạy kỹ năng giao tiếp, hòa nhập và đã có không ít người nay đã đủ điều kiện để gửi vào hệ thống trường phổ thông. "Trường cô Mai" còn tổ chức thêm một địa điểm dạy nghề cho các học viên lớn.

Búp bê Búp bê 'bản sao' cho trẻ khuyết tật

TTO - Vì sao hầu hết các búp bê đều có ngoại hình lung linh và hoàn hảo? Vậy các em nhỏ khuyết tật sẽ nghĩ sao khi ôm một thứ quá xa lạ vào lòng mỗi đêm?

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên