Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cho rằng cần phải nắm bắt và giải quyết tốt các mâu thuẫn trong xã hội thì mới giảm được các vụ thảm án - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phát biểu tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sáng nay 10-9, đại biểu Thường ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, đặc biệt là lực lượng công an trong công tác đấu tranh trấn áp tội phạm đã mang lại kết quả tốt. Nhiều vụ trọng án gây hoang mang dư luận đã được điều tra làm rõ trong thời gian ngắn.
“Báo cáo cho thấy các loại tội phạm giảm, nhưng có một thực tế là người dân đang rất lo lắng, đặc biệt là khu vực nông thôn", ông Thường nói.
Ông cho biết hiện nay ở nông thôn gần như chỉ có người già và trẻ em sinh sống, các đối tượng tội phạm hoạt động rất mạnh, đặc biệt là nạn trộm cắp như trộm gà, trộm chó…
"Trước đây đến chỗ hoang vắng mới sợ bị cướp, bị giết nhưng bây giờ ngồi trong nhà cũng sợ bị cướp, bị giết” - ông Thường nói.
Đề cập đến những biểu hiện mới của bọn tội phạm như tống tiền cả lực lượng phòng chống tội phạm, đại biểu Thường đặt vấn đề: “Tại sao bọn tội phạm lại quay phim, tống tiền công an? Rõ ràng là anh có vi phạm thì mới bị tống tiền chứ. Tôi đề nghị các cơ quan tư pháp tăng cường xử lý vi phạm, sai phạm trong chính ngành của mình, vì những sai phạm ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin vào công lý của người dân”.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng hiện nay người dân rất bất an trước các hành vi tội phạm trong xã hội.
Trong khi đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Chính phủ đánh giá sự liên quan giữa tình trạng tội phạm ma túy, nghiện ma túy với các tội khác, đặc biệt là tội trộm cắp.
Một thành viên khác của Ủy ban Tư pháp, thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (giám đốc Công an Hà Nội) khẳng định sự tích cực của lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm là có hiệu quả, cụ thể là số lượng các vụ trọng án và tội phạm hoạt động theo băng nhóm xã hội đen giảm so với năm trước.
Đại biểu Chung nói rằng thời gian qua xảy ra một số vụ án giết nhiều người gây bức xúc dư luận, nhưng nghiên cứu lại các vụ này thì thấy rằng biện pháp phòng ngừa rất khó khăn vì thường xuất phát mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm, yêu đương hoặc xảy ra ở vùng sâu, vùng xa. Hung khí là những loại rất bình thường được sử dụng hằng ngày như con dao.
“Tất nhiên, dư luận đặt ra rằng từ các vụ án này thì an ninh nông thôn có bất ổn hay không? Tôi cho rằng để phòng ngừa tình trạng này trước hết phải tăng cường công tác hòa giải những mâu thuẫn trong nhân dân ngay tại cơ sở. Công tác nắm bắt, quản lý các đối tượng có nguy cơ phải tiến hành tốt hơn. Công tác phòng ngừa xã hội phải tiến hành tốt hơn” - ông Chung nói.
Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ, thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an, nhận định: “Số người thất nghiệp có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội là nguyên nhân, điều kiện cho việc phát sinh tội phạm. Công tác phòng ngừa xã hội, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức, đoàn thể hiệu quả chưa cao, thậm chí một số nơi buông lỏng. Tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, xã hội đáng báo động”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận