17/10/2022 13:41 GMT+7

'Ngôi nhà thụ động' nâng tầm cuộc sống bền vững

PHƯƠNG AN
PHƯƠNG AN

TTO - Vợ chồng kiến trúc sư người Đức Marc và Felicity Bernstein-Hussmann đã biến mảnh đất hoang cạnh khu chung cư 10 tầng, khu nhà ở 2 tầng và một tuyến xe lửa đông đúc ở Coburg, Melbourne, Úc thành một "ngôi nhà thụ động" hiện đại.

Ngôi nhà thụ động nâng tầm cuộc sống bền vững - Ảnh 1.

Vợ chồng Marc và Felicity và phòng khách của ngôi nhà - Ảnh: The Guardian

Nhà thụ động đã và đang thịnh hành với hơn 50.000 công trình ở khắp nơi trên thế giới, nhưng ở Úc, nó vẫn còn tương đối mới, với chỉ gần 50 ngôi nhà được chứng nhận.

Marc và Felicity sinh ra ở Đức, học kiến ​​trúc trước khi chuyển đến Úc. Ban đầu hai vợ chồng gặp rất nhiều khó khăn từ phía chính quyền bởi theo giới chức địa phương, mảnh đất này không phù hợp để xây dựng nhà cửa. 

Kế đến, họ phải đối mặt vấn đề tài chính khi hầu hết ngân hàng từ chối cho vay. 

Mặc dù vậy, Marc và Felicity vẫn tiếp tục thực hiện các kế hoạch, thậm chí chuyển đến một căn hộ chung cư ở suốt 4 năm để hoàn chỉnh thiết kế và tiết kiệm, dành tiền đầu tư cho ngôi nhà mới. 

Sự kiên trì của họ cuối cùng cũng đã được đền đáp và ước mơ đã trở thành hiện thực: một nguyên mẫu hoạt động cho thế hệ nhà thụ động mới Hütt 01 Coburg với thương hiệu Home by Hütt đã được tạo ra một cách hoàn hảo.

Ngôi nhà thụ động nâng tầm cuộc sống bền vững - Ảnh 2.

Cả nhà Marc trong khu vườn sau nhà - Ảnh: The Guardian

Là một thử nghiệm điển hình, ngôi nhà vừa là nơi sinh sống cho hai vợ chồng và ba đứa con Anna-Lena (16 tuổi), Leon (12 tuổi) và Joshua (10 tuổi), vừa là nơi thể hiện niềm đam mê của họ đối với thiết kế bền vững cũng như tái tạo không gian nhỏ phù hợp nhà đô thị. 

Được tiếp cận qua một con đường lát đá xanh, ngôi nhà ban đầu được mô hình hóa dưới dạng 3D để xem xét tác động của từng chi tiết: hướng tới mặt trời để tối đa hóa năng lượng sưởi ấm; thông gió chéo để thoát nhiệt vào mùa hè; các làn gió mát đến từ sân vườn kết nối với khu vực sinh hoạt chính và giếng trời cầu thang để thông khí.

Nhà được xây dựng trên một nền bê tông đặt riêng để ngăn sự truyền nhiệt. Vật liệu cách nhiệt bằng sợi gỗ lưu trữ carbon, giảm thiểu truyền nhiệt và thoáng khí - không giống như vật liệu cách nhiệt polystyrene thông thường có thể tích tụ nấm mốc.

Các bức tường và mái nhà được xây dựng bằng gỗ ghép thanh (CLT) đúc sẵn với các đặc tính giảm tiếng ồn, lưu trữ carbon và cách nhiệt. Mái dốc tạo không gian trong phòng ngủ của trẻ em, với gác lửng phía trên là khu vực vui chơi, học tập và thư giãn.

Cảm giác rộng rãi được tô điểm bởi những tấm lưới chịu lực cao ngay trên đầu người trong phòng ngủ và ở đầu cầu thang, giúp tối ưu hóa không gian.

Ngôi nhà thụ động nâng tầm cuộc sống bền vững - Ảnh 3.

Nhà bếp với đá cẩm thạch và gỗ sồi nhuộm đen - Ảnh: The Guardian

Ở tầng trệt, thiết kế không gian tỉ mỉ tạo ra các khu vực đặc biệt dành cho nấu nướng, ăn uống và thư giãn - sinh hoạt chung, yên tĩnh nhưng có sức hấp dẫn bất cứ thời gian nào trong ngày.

Sàn phòng khách thiết kế giật cốt như một lòng chảo với lớp bê tông đặt riêng trộn cốt liệu tái chế. Gian bếp sử dụng đá cẩm thạch phối đồ nội thất gỗ. 

Tất cả kho dự trữ đều nằm ở tầng trệt, ẩn sau các tủ kệ đa năng làm bằng gỗ sồi nhuộm đen hoặc nguyên thủy và được gia công một cách nghệ thuật thành tủ đựng bát đĩa, hộc tủ dưới ghế, góc học tập trong phòng trẻ, tủ quần áo...

Không chỉ tiện ích, các điểm nhấn thiết kế cũng tạo cảm giác thích thú ở mọi góc độ với các hoa văn cảm ứng ánh sáng ở khu vực cầu thang mở ra hướng Tây mang đến một góc nhìn kỳ ảo, các cửa ra vào và lối đi bí mật kết nối các không gian phòng ngủ, góc học tập của trẻ...

Ngôi nhà thụ động nâng tầm cuộc sống bền vững - Ảnh 4.

Phòng ăn với chiếc bàn ăn bằng gỗ có màu sắc nguyên thủy gần gũi tự nhiên - Ảnh: The Guardian

"Nếu các bức tường giúp tăng cường cách nhiệt, loại bỏ các chất gây dị ứng và tăng cảm giác khỏe mạnh thì mối liên hệ với thiên nhiên, từ trong ra ngoài, luôn là điều quan trọng với con người. Phối hợp được các yếu tố này trong thiết kế vì thế là điều chúng tôi muốn hướng tới", Marc cho biết.

Trong khi đó, Felicity nghiêng về tính thực dụng: "Ngôi nhà mang đến những lợi ích đáng kinh ngạc về môi trường và chi phí điện năng giảm đáng kể. Nhiệt độ không đổi, từ 19 - 21 độ C được duy trì trong nhà dù nhiệt độ ở đây vào mùa đông giảm xuống dưới 5 độ C. 

Chúng tôi cho rằng sự đổi mới cần được kết hợp nhuần nhuyễn với an toàn và vẻ đẹp".

Ngôi nhà thụ động nâng tầm cuộc sống bền vững - Ảnh 5.

Phòng ngủ của Anna-Lena - Ảnh: The Guardian

Ngôi nhà cũng là bằng chứng cho việc xây dựng một ngôi nhà bền vững tương thích với không gian đô thị. Khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, chất lượng hơn số lượng sẽ trở thành một trong những mục tiêu thiết kế. 

Với công nghệ nhà thụ động hỗ trợ các lựa chọn bền vững và nâng cao cảm giác thoải mái, tiện nghi, người ta không thể không cảm thấy rằng thế hệ nhà được thiết kế theo kiến ​​trúc mới này là con đường duy nhất để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Ngôi nhà thụ động nâng tầm cuộc sống bền vững - Ảnh 6.

Phòng tắm và khu vực vệ sinh - Ảnh: The Guardian

Nhà thụ động (Passive house) được phát triển ở Đức từ những năm 1980, do tiến sĩ vật lý Wolfgang Feist và giáo sư Bo Adamson, một chuyên gia xây dựng, lấy cảm hứng từ những ngôi nhà thời Trung cổ được xây dựng ở Iceland.

Khái niệm nhà thụ động được xây dựng bởi bốn tiêu chuẩn khắt khe: hướng công trình tối ưu; hình dạng công trình tối ưu; sơ đồ bố trí mặt bằng tối ưu; kết cấu bao che tối ưu.

Và cần bốn điều kiện bắt buộc phải đáp ứng: toàn bộ lớp vỏ bao che phải được cách nhiệt tốt nhất; hệ thống lọc và cấp khí tươi hiệu năng cao phải được lắp đặt; công trình đảm bảo độ kín hơi, ngăn chặn các tác động không mong muốn xâm nhập vào không gian bên trong như bức xạ và hơi nóng (mùa hè), không khí lạnh (mùa đông), các tác nhân gây ô nhiễm từ các phương tiện giao thông lưu hành và những hoạt động sinh hoạt, sản xuất hằng ngày; các thiết bị năng lượng tiên tiến, được chứng thực hiệu quả năng lượng.

Chiêm ngưỡng ngôi nhà di động độc đáo cho người vô gia cư ở Pháp Chiêm ngưỡng ngôi nhà di động độc đáo cho người vô gia cư ở Pháp

TTO - "Sự tự do!", Pascal thốt lên khi tự hào giới thiệu ngôi nhà nhỏ gọn hoàn toàn mới của mình trên những bánh xe. Và điều khiến ông xúc động nhất là được cùng những thợ mộc, thợ xây lành nghề dựng lên ngôi nhà di động này.

PHƯƠNG AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên