28/06/2016 11:55 GMT+7

Ngòi bút sắc của nhà báo Pháp gốc Việt Đoàn Bùi

VÕ TRUNG DUNG
VÕ TRUNG DUNG

TTO - Hẹn gặp Đoàn Bùi tại quán cà phê ở quận 2, thủ đô Paris, Pháp. Cô đến trong trang phục quần jean, áo khoác da, kiểu trẻ trung, bụi bặm của một nữ nhà báo năng động.

Nữ nhà báo Pháp gốc Việt Đoàn Bùi - Ảnh nhân vật cung cấp
Nữ nhà báo Pháp gốc Việt Đoàn Bùi - Ảnh nhân vật cung cấp

 

Nhưng thoạt nhìn Đoàn Bùi dễ nghĩ cô là một phụ nữ có tính cách e thẹn, kín kẽ, thậm chí không có gì nổi bật giữa đám đông.

Họ không cho tôi vào ngõ này thì tôi tìm ngõ khác

ĐOÀN BÙI

Cá tính mạnh

Qua mươi phút nói chuyện, những cảm giác ban đầu tan biến, nhường chỗ cho một cá tính mạnh, sôi nổi, quyết đoán. Cô là nhà báo Pháp gốc Việt đang làm cho tạp chí Le Nouvel Observateur.

Nhưng thành tích của cô quả đáng nể với giải thưởng báo chí Albert Londres năm 2013 - giải thưởng báo chí của Pháp được xem danh giá như giải Pulitzer của Mỹ.

Phóng sự điều tra “Những bóng ma trên sông” mà cô đã thực hiện và đoạt giải mang tính dự báo bởi câu chuyện đó vẫn đang ám ảnh châu Âu mỗi ngày: câu chuyện về những người di cư - những bóng ma lặng lẽ - phó mặc mạng sống để tìm đường đến vùng đất hứa.

Bài điều tra từng đăng tải trên nhiều trang của tạp chí Le Nouvel Observateur năm 2012. Đó là thời kỳ đầu của những người di cư từ Somalia, Afghanistan, Syria và thậm chí từ Algeria, Morocco tìm đường đến châu Âu.

Họ đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi tìm cách băng sang đường biên giới tự nhiên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp là sông Evros để đặt chân vào cửa ngõ của Liên minh châu Âu.

Bốn năm sau, bài phóng sự điều tra của cô vẫn còn thấm đẫm chất thời sự. Có chăng là giờ đây số người di cư nhiều hơn, quốc tịch đa dạng hơn. Trước đây những người di cư có thể thiệt mạng trên dòng sông dữ Evros, giờ đây họ liều mình cả trên Địa Trung Hải.

Trong quá trình điều tra của mình, Đoàn Bùi đã không ít lần nhìn thấy những thi thể không danh tính khiến cô mường tượng đến hình ảnh những bóng ma lang thang, đau khổ.

Là con của người Việt sang Pháp du học những năm đầu 1970, cô thấu hiểu việc phải rời xa quê hương, nguồn cội.

Những con người mà cô đã tiếp cận, đã trò chuyện, đã nhìn thấy giờ đây còn tội nghiệp hơn khi phải tìm cách vượt qua đường biên giới đang bị khóa chặt hơn bao giờ hết.

Chính cô cũng thừa nhận: “Trong quá trình thực hiện bài điều tra, không ít lần tôi cảm thấy như đang điều tra về gốc gác của mình”.

Mỗi ngày, mỗi đêm, hàng trăm con người tìm cách vượt sông Evros. Họ chen chúc nhau trên những chiếc xuồng hơi bé tẹo, những loại xuồng mà người ta thường thấy trên các bãi biển mùa hè dành cho du khách thỏa mình với sóng biển.

Nhìn từ trên cao, dọc hai bên bờ sông Evros là những chiếc xuồng đã bị đâm thủng sau khi hoàn thành nhiệm vụ và những đống quần áo bị bỏ lại. Dòng sông chở theo những mớ giấy tờ, thư từ, balô đeo lưng của những mảnh đời đến từ tận Afghanistan, Bangladesh, Algeria, Nigeria...

Và đôi khi thấy cả những thi thể vô hồn. Thi thể của những người bị chết đuối. Cứ mỗi tuần, phía Hi Lạp lại ghi nhận một, hai trường hợp người di cư thiệt mạng như thế.

Một mạng sống con người đáng giá bao nhiêu? Chỉ là “một bóng ma, vô danh, giới tính nữ, độ 20-30 tuổi”, ngoài ra không còn gì hơn. Thi thể nữ ấy không có trong sổ bộ của cảnh sát vì là người nhập cư lậu.

Giấy tờ của người ấy, nếu có mang theo, chắc cũng đã tan tác đâu đó trong dòng nước sông Evros... (trích bài điều tra của Đoàn Bùi).

Cách viết ấn tượng

Nhà báo Đoàn Bùi là như thế. Cô không thích những kiểu ồn ĩ mà thích đi sâu vào đề tài với mắt nhìn của một bác sĩ phẫu thuật, hiểu cặn kẽ đến từng mạch máu. Khác với bác sĩ dùng dao mổ, cô dùng những con chữ để mô tả màu sắc, mùi vị, nỗi đau, nỗi sợ, niềm hi vọng và sự tuyệt vọng.

“Cách viết của tôi là khiến bạn đọc ấn tượng bằng một góc nhìn khác biệt và một thứ hình ảnh mạnh mẽ” - Đoàn Bùi giải thích. Làm điều tra về những đề tài “chết chóc” như chuyện di cư bất hợp pháp, hình ảnh luôn là thế mạnh nhưng Đoàn Bùi lại gần như không chụp ảnh mấy.

“Tôi thích tập trung vào những cuộc gặp gỡ, lắng nghe kỹ những câu chuyện của người di cư mà tôi gặp được” - Đoàn Bùi nói về cách cô đi làm phóng sự điều tra.

Vào thời điểm năm 2011-2012 người di cư bất hợp pháp đã có nhiều ngõ để tìm đường vào khối Schengen.

Đoàn Bùi phải tìm cách thâm nhập một con đường như thế. Ngõ Lampedusa lúc đó bị giới truyền thông săn đón kỹ. Phía biển bị canh phòng cẩn mật. Người di cư bất hợp pháp chọn ngõ băng qua sông ít nguy hiểm hơn đi từ phía biển.

“Bản thân tôi cũng không muốn làm theo đám đông và muốn chọn góc độ khác biệt cho bài điều tra của mình. Khi đó tôi đọc thấy một bản tin nhỏ cho biết Hi Lạp dự tính dựng một hàng rào kẽm gai ở biên giới gắn đầy camera quan sát để ngăn chặn dòng người nhập cư”.

Thậm chí lúc đó chính quyền Hi Lạp đã dựng được một phần rào kẽm gai. Đoàn Bùi tự nhủ: “Thế đấy! Ở châu Âu và nhiều nơi khác, những bức tường phân chia các dân tộc đã bị dỡ bỏ từ lâu. Thế mà giờ đây trong lòng châu Âu này người ta lại nhen nhóm dựng lại chúng, biến châu Âu thành một pháo đài bất khả xâm phạm”.

Đến khi bắt tay vào thực hiện đề tài, Đoàn Bùi mới thấy có những bức tường vô hình còn ghê gớm hơn các hàng rào kẽm gai gắn đầy camera. Rất nhiều cơ quan chức năng đã đóng sập cửa trước mặt cô.

Đoàn Bùi kể: “Tôi có giấy phép của Cơ quan Frontex (cảnh sát biên giới của EU) và cả giấy phép của bên cảnh sát Hi Lạp. Tuy vậy, bộ phận Frontex ở Hi Lạp không bao giờ cho phép tôi tiếp cận đường biên giới hoặc theo chân tôi sát sao khi tác nghiệp. Họ chỉ đưa tôi đi xem qua loa có lệ và thậm chí đe dọa rút lại giấy phép nếu tôi tự mình tìm đến khu vực biên giới”.

Lúc đó cô nhà báo gốc Việt đã nhận ra thực tế hoạt động của lực lượng Frontex thiếu tổ chức và thiếu hiệu quả, không như cô nghĩ ban đầu.

“Họ không cho tôi vào ngõ này thì tôi tìm ngõ khác”. Những tình nguyện viên của các tổ chức phi chính phủ đang giúp đỡ người di cư, những người dân ở khu vực biên giới và cả những người di cư đã giúp cô bắt đầu cho bài điều tra chấn động của mình.

Cô chỉ kể lại những gì mình tận mắt chứng kiến, tận tai lắng nghe, không thêu dệt, phỏng đoán. “Thay vì viết về những hàng rào vô cảm phá bỏ tự do di chuyển như dự tính ban đầu, tôi chuyển sang viết về những thân phận người di cư mà tôi đã nghe, đã thấy cả ngàn lần trong quá trình thu thập thông tin” - cô nói.

THANH LIÊM chuyển ngữ

Giải thưởng Albert Londres (mang tên nhà báo điều tra lừng lẫy của Pháp) trao lần đầu vào năm 1933, nhân ngày mất của Albert Londres (ngày 16-5). Thoạt đầu giải thường niên này chỉ dành tôn vinh nhà báo dưới 40 tuổi của báo in. Từ năm 1985, giải mở thêm phần thưởng cho mảng nghe - nhìn.

“Trường hợp hiếm quý”

Đoàn Bùi không học ngành báo chí như đa số đồng nghiệp cô đang làm cùng. Cô có bằng kinh tế và thương mại quốc tế của Trường HEC ở Paris.

Cô không nói lý do mình rẽ sang ngành báo chí và chọn tờ Nouvel Observateur, nhưng cô kể rằng thoạt đầu tờ báo không muốn nhận cô vì lý lịch không có chút chuyên môn trong nghề.

Chưa kể như Đoàn Bùi thừa nhận: “Từ đó đến giờ vẫn luôn có rất ít nhà báo gốc Á làm nghề ở Pháp, gốc Việt càng ít hơn. Trong mắt người Pháp, phụ nữ Việt chỉ thường làm bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ hay... chủ nhà hàng!

Bởi thế tôi lại càng không muốn đồng nghiệp biết mình không có bằng cấp về báo chí”. Rồi thì Đoàn Bùi kết luận xanh rờn, đúng chất của một phụ nữ lạc quan: “Bởi vậy tôi thấy mình là trường hợp hiếm, hiếm nên quý”.

VÕ TRUNG DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên