Phóng to |
Ngoại trưởng Kerry nói chuyện với các sinh viên Trường cao đẳng Cộng đồng Cà Mau - Ảnh: T.Tuấn |
Những người đón tiếp ngoại trưởng Mỹ trên cầu cảng của ấp Kiến Vàng, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau ngày 15-12 đều là những người trẻ tuổi: sinh viên năm 3, năm 4 Trường cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. “Tôi rất vinh dự được gặp các bạn”, ngoại trưởng Mỹ mở lời chân tình. Đây là lần đầu tiên ông trở lại chiến trường xưa ở Cà Mau, nơi ông từng tham chiến đầu năm 1969.
"Tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng Mekong là việc khẩn thiết" Ngoại trưởng JOHN KERRY |
Nhật ký chiến trường ông viết nhắc nhiều về những đêm đi tuần bỗng choàng dậy và nhào tới giá súng vì tưởng có vụ tấn công. Ký ức của ông là những lần đụng độ ác liệt trên các sông Bãi Háp, Cửa Đại, Đầm Dơi... Có những lúc cảm xúc là nỗi nhớ của chàng thanh niên khi mường tượng Giáng sinh sắp đến và ánh đèn trang trí ở Boston (quê hương) đang bắt đầu thắp sáng.
Vựa lúa của toàn cầu
Nhưng hôm qua, trên cầu cảng của ấp Kiến Vàng (từng là một trạm hải quân của Mỹ), sau 44 năm và đứng trước những sinh viên trẻ trung, ngoại trưởng Mỹ muốn gửi tới một thông điệp cho tương lai. “Tôi về lại đây không phải để nhìn về quá khứ mà để nhìn vào những thách thức chung của tương lai” - ông nói. Trên mảnh đất mình từng tham chiến, Ngoại trưởng Kerry thông báo khoản cam kết 17 triệu USD về chống biến đổi khí hậu cho đồng bằng sông Cửu Long thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).
Trước đó, trên hành trình gần một giờ đi tàu ra khu vực này, ông trực tiếp nghe hai tiến sĩ từ Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long ở ĐH Cần Thơ trình bày về những tác động của nước biển dâng, nước mặn xâm nhập và hệ sinh thái của rừng ngập mặn. “Đây là một trong những vùng có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu” - ngoại trưởng Mỹ cảnh báo và trích các nghiên cứu rằng nước biển có thể dâng 1m từ nay tới cuối thế kỷ. Ông nhấn mạnh: “Nơi đây chính là vựa lúa của toàn cầu... Và thực tế là hàng chục triệu người, hàng trăm triệu người (trên thế giới) phụ thuộc vào vựa lúa ở đây”.
TS Dương Văn Ny và TS Đặng Kiều Nhân, những người đi cùng với ông Kerry, kể lại rằng ông hỏi rất cụ thể về tình hình nước biển dâng và cách để giữ rừng ngập mặn ở đây. “Tôi thật sự ấn tượng. Tôi cứ tưởng mấy ông ngoại giao bự bự cỡ vậy thường sẽ nói chung chung, nước đôi nhưng ông Kerry nói rất cụ thể, có thông điệp rõ ràng” - TS Ny bình luận. TS Nhân cho rằng những quan tâm sâu sắc của ông Kerry có thể giúp ích nhiều cho chống biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. |
Ngoại trưởng Kerry nhìn xa hơn: nước biển dâng ở Cà Mau sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vựa lúa này và “không có gì đe dọa tương lai (chúng ta) hơn khi hàng triệu người (ở đây) đang cung cấp lương thực cho hàng triệu người dân khác trên thế giới. Cả hành tinh có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những gì diễn ra ở đây”. Theo ông, chính vì tầm nhìn tương lai này mà ông “đến vùng xa xôi này của đồng bằng sông Cửu Long mà ngẫu nhiên cũng là nơi tôi từng có mặt trước kia”.
Sông Mekong - tài sản chung
Đến đồng bằng sông Cửu Long, ông Kerry cũng nhắc tới tác hại của việc xây đập trên thượng nguồn sông Mekong. “Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Trung Quốc đang xây dựng nhiều đập trên dòng Mekong, Thái Lan cũng đang cân nhắc việc này, rồi Campuchia và một số nước khác - ông nói - Nhưng tất cả chúng ta đều chia sẻ lợi ích từ nguồn nước quan trọng này. Và không một nước nào có quyền lấy đi của nước khác sự sống và hệ môi sinh cùng nguồn thủy sản đến từ dòng sông này. Dòng sông này là tài sản của toàn cầu, một kho báu thuộc về khu vực”.
Ngoại trưởng Kerry giải thích cụ thể hơn: sản lượng cá ở khu vực Mekong bị ảnh hưởng cũng sẽ tác động trực tiếp đến nước Mỹ vì các tập đoàn như Legal Sea Foods ở Boston hay Washington DC lâu nay vẫn nhập cá và tôm của đồng bằng sông Cửu Long của VN. “Chúng ta có sự gắn kết mật thiết ở đây. Cuộc sống và kinh tế chính nước Mỹ có liên quan” - ông nhấn mạnh.
Theo ông, “những quyết định phát triển hạ tầng như các đập” phải được thực hiện cẩn thận và minh bạch. Các nước cần chia sẻ thông tin và các cách làm tốt nhất trong đối thoại toàn cầu để “đảm bảo các tài nguyên của dòng Mekong tiếp tục mang lợi ích cho mọi người, chứ không chỉ cho những người ở thượng nguồn hay những người mà dòng sông đi qua trước”. Ông khẳng định: “Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào vấn đề này. Trong lần thăm Trung Quốc sắp tới và tại các diễn đàn quốc tế, tôi sẽ nêu vấn đề này lên”.
Tại Cà Mau hôm qua, ông Kerry đã tới khu chợ Kiến Vàng để nói chuyện với người dân trước khi thông báo về viện trợ của Mỹ. Hôm nay (16-12), ông có các cuộc gặp với lãnh đạo VN tại Hà Nội.
Ký kết khắc phục hậu quả bom mìn tại VN Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, sáng nay (16-12) diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại VN, giữa VN và Mỹ, trong ngày làm việc của Ngoại trưởng John Kerry tại Hà Nội. Tại Hà Nội, theo Bộ Ngoại giao VN, ông Kerry hội đàm với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VN Phạm Bình Minh vào chiều nay. Ngay sau hội đàm, hai bên sẽ ký kết các văn kiện quan trọng và họp báo công bố về những nội dung đã thống nhất. Theo chương trình, ông Kerry sẽ tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sáng 17-12, ông Kerry rời VN. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Chuyên cơ chở ngoại trưởng Mỹ hạ cánh xuống Tân Sơn NhấtNgoại trưởng Mỹ gửi video chia sẻ với người Việt Ngoại trưởng Mỹ sẽ thăm Việt NamHình ảnh ngoại trưởng Mỹ tại sân bay Tân Sơn NhấtNgoại trưởng Mỹ John Kerry công bố cam kết 17 triệu USD
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận