04/05/2021 14:22 GMT+7

Ngoại trưởng G7 gặp trực tiếp tại London

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ có một tuần họp quan trọng tại châu Âu, nơi ông tìm cách xây dựng sự đồng thuận trong chiến lược xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.

Ngoại trưởng G7 gặp trực tiếp tại London - Ảnh 1.

Giới chức Anh chào đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại sân bay Stansted ngày 3-5, trước thềm họp ngoại trưởng G7 - Ảnh: Reuters

Sau cuộc họp song phương với Ngoại trưởng nước chủ nhà Anh Dominic Raab ngày 3-5, ông Blinken sẽ gặp ngoại trưởng các nước G7 - nhóm 7 nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý.

Những gì chúng ta chứng kiến trong các năm qua là Trung Quốc đang kiểm soát nhiều hơn ở trong nước và ngày càng hung hăng hơn trên trường quốc tế. Đó là thực tế.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trả lời phỏng vấn Đài CBS, phát hôm 2-5.

Bối cảnh mới, diện mạo mới

Cuộc họp các ngoại trưởng G7 năm nay diễn ra tại London (Anh) từ ngày 3 tới 5-5. Đây cũng là lần đầu tiên sau hai năm ngoại trưởng các nước này gặp gỡ trực tiếp, sau khi gián đoạn vì dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19).

Cũng vì tình hình dịch bệnh phức tạp, chương trình nghị sự của các ngoại trưởng G7 ở London sẽ tập trung vào việc phân phối vắcxin cũng như hồi phục kinh tế sau COVID-19, vấn đề biến đổi khí hậu và cả vấn đề Trung Quốc.

So với lần gặp nhau ở Pháp năm 2019, cuộc họp lần này diễn ra với một số thay đổi trong địa chính trị. Hãng tin AFP ngày 3-5 cho biết, sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), nước Anh đang chuyển hướng tập trung nhiều hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này phần nào lý giải việc Ngoại trưởng Raab năm nay mời thêm ngoại trưởng Úc, Hàn Quốc và đại diện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như Nam Phi và Ấn Độ. Brunei trên cương vị chủ tịch luân phiên sẽ có đại diện cùng tổng thư ký ASEAN tới London.

Những đại diện này sẽ tham gia theo tư cách khách mời, và "việc họ tham dự sẽ mang tới kinh nghiệm và sự hiện diện rộng lớn hơn, cũng như chứng tỏ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - thông cáo của Chính phủ Anh về cuộc họp này nêu.

Các quan chức Anh, Mỹ và châu Âu hiện nay cho rằng Nga và Trung Quốc đang cố gắng gieo rắc hoài nghi khắp các nước phương Tây, từ tin giả bầu cử, tin xuyên tạc về Ukraine cho tới vắcxin COVID-19. Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Raab tố cáo Nga và khẳng định G7 sẽ tìm cách xây dựng một cơ chế phản ứng nhanh đối với điều này. Cả Nga lẫn Trung Quốc đều bác bỏ cáo buộc liên quan.

Phác thảo quan điểm của EU

Cuộc họp ngoại trưởng G7 tuần này sẽ là bước đi nền tảng cho sự kiện Thượng đỉnh G7 tổ chức tại hạt Cornwall, miền tây bắc Vương quốc Anh, từ ngày 11 đến 13-6 tới. Đó cũng là sự kiện công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lúc nhậm chức.

Dưới thời ông Biden, Washington nhấn mạnh mục tiêu thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng phối hợp sâu sát hơn với các đồng minh. Và dù khẳng định chính sách của cựu tổng thống Donald Trump không hiệu quả, chính quyền ông Biden hiện nay vẫn giữ lại một số chiến lược cốt lõi, xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ. Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Munich tổ chức trực tuyến hồi tháng 2, ông Biden kêu gọi Mỹ và châu Âu phải chống lại "sự lạm dụng và cưỡng ép kinh tế" của Trung Quốc.

Trên chương trình "60 phút" của Đài CBS phát sóng hôm 2-5, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định Trung Quốc đang hành động ngày càng mạnh bạo và quyết đoán hơn, đồng thời lặp lại quan điểm của Nhà Trắng rằng Mỹ hiện nay xem Trung Quốc là nước có thể thách thức trật tự dựa trên luật lệ, và Mỹ hành động vì điều đó chứ không nhằm chống Trung Quốc. Ông nói: "Mục đích của chúng tôi không phải kiềm chế Trung Quốc, níu họ lại, hay đạp họ xuống, mà là tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ mà Trung Quốc đang đe dọa".

Giới quan sát cho rằng nhiều khả năng Tổng thống Biden sẽ mang câu chuyện tương tự tới Thượng đỉnh G7 tháng sau, và nỗ lực này sẽ khởi động bằng câu chuyện Tân Cương trong chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken.

Cuối tháng 4, báo Global Times (Hoàn Cầu thời báo) của Trung Quốc đã "đón đầu" bằng bài viết khẳng định nỗ lực lôi kéo EU chống Trung Quốc mà ông Biden sắp đưa ra tại G7 sẽ khó đạt được. Tờ này nhấn mạnh việc đẩy Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu là điều không phù hợp với yêu cầu phát triển của các nước châu Âu trong G7, đặc biệt khi họ đang tìm kiếm sự hợp tác và thị trường thương mại ở Trung Quốc.

Hiện nay, mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU đã chứng kiến nhiều căng thẳng, bao gồm thái độ của châu Âu đối với vấn đề Tân Cương, dẫn tới suy đoán về khả năng Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI) giữa Trung Quốc và EU sẽ đi vào ngõ cụt. Một số ý kiến khác cũng bắt đầu nhắc tới việc EU rồi đã đến lúc phải "lựa chọn" giữa Mỹ và Trung Quốc. Câu trả lời của Brussels rất có thể sẽ dần hé mở trong tuần họp này.

Sôi động họp song phương

Ngoài các nội dung truyền thống, G7 cũng là nền tảng cho các cuộc gặp song phương, qua đó giúp các nước thảo luận thêm nhiều vấn đề hẹp cần quan tâm. Đơn cử trước bữa tối công việc ngày 3-5, ngoại trưởng Anh và Mỹ sẽ bàn về Afghanistan, Trung Quốc, Iran và tình hình thương mại song phương, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Anh.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong khi đó, cũng cho biết Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Ngoại trưởng Mỹ Blinken có cuộc gặp vào ngày 3-5, trong đó vấn đề thảo luận sẽ tập trung vào Trung Quốc, Triều Tiên và Myanmar.

G7 tố Nga huy động quân đến biên giới với Ukraine mà không báo trước G7 tố Nga huy động quân đến biên giới với Ukraine mà không báo trước

TTO - Tư lệnh biên phòng Ukraine cáo buộc Nga đang tập trung khoảng 85.000 quân gần biên giới Ukraine, có nơi chỉ cách đất Ukraine khoảng 10km. Các hoạt động của Nga buộc nhóm G7 phải lên tiếng ngày 12-4.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên