Nhiều quốc gia trên thế giới có những phong tục đón giao thừa vô cùng đặc sắc, mỗi nền văn hóa đều mang đến những câu chuyện, nghi lễ thú vị trong đêm tiễn biệt năm cũ và đón chào năm mới.
Tuổi Trẻ Online giới thiệu 10 phong tục đón năm mới độc đáo của các quốc gia trên thế giới bao gồm Joya no kane (Nhật Bản), ăn 12 quả nho (Tây Ban Nha), tục xông đất (Scotland)...
Đập lựu (Hy Lạp)
Truyền thống đón năm mới đập lựu là một nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng Địa Trung Hải, đặc biệt tại Hy Lạp. Vào thời khắc giao thừa, các gia đình thường chuẩn bị một quả lựu - biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn và phồn thịnh.
Khi đồng hồ điểm 12 giờ, chủ nhà sẽ đập quả lựu xuống nền đất hoặc tường nhà. Số lượng hạt lựu văng ra ngoài được xem là dự báo cho năm mới nhiều tài lộc và sức khỏe.
Trước nghi thức, người dân thường cầu nguyện và gửi lời chúc tốt lành đến gia đình và bạn bè.
Lễ đập lựu không chỉ là một phong tục mà còn mang ý nghĩa kết nối con người với thiên nhiên, với niềm tin rằng những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Mặc đồ trắng (Brazil)
Mặc đồ trắng là một truyền thống đón năm mới phổ biến ở Brazil. Vào đêm giao thừa, mọi người thường mặc trang phục trắng tinh khôi để tượng trưng cho sự khởi đầu mới, hòa bình và thanh khiết.
Phong tục này mang ý nghĩa tâm linh, giúp xua đuổi năng lượng xấu và thu hút những điều tốt lành.
Ngoài việc mặc đồ trắng, người dân thường tham gia các nghi lễ dâng hoa, nến và quà tặng cho biển - được coi là biểu tượng của nữ thần Yemanjá trong văn hóa Afro-Brazil.
Những nghi thức này kết hợp với pháo hoa rực rỡ tạo nên một không khí thiêng liêng và rộn ràng, làm nổi bật tinh thần lạc quan, hy vọng cho năm mới.
Đập vỡ bát đĩa (Đan Mạch)
Truyền thống đập vỡ bát đĩa đón năm mới xuất phát từ Đan Mạch, mang ý nghĩa chúc phúc và may mắn. Vào đêm giao thừa, người dân sẽ đập vỡ bát đĩa cũ trước cửa nhà bạn bè, người thân.
Số lượng bát đĩa vỡ càng nhiều, chủ nhà càng được coi là sẽ gặp nhiều may mắn, thịnh vượng trong năm mới.
Đây không chỉ là cách bày tỏ tình cảm, gắn kết cộng đồng mà còn mang tính biểu tượng, thể hiện việc từ bỏ những điều không may mắn của năm cũ để chào đón khởi đầu mới.
Các gia đình thường lưu giữ những chiếc bát, đĩa cũ trong suốt năm để dành cho dịp này. Tiếng vỡ của bát đĩa vang lên trong không khí tưng bừng, tạo nên cảm giác phấn khởi, vui tươi, đúng tinh thần chào đón năm mới.
Ra ngoài với chiếc vali rỗng (Colombia)
Ra ngoài với chiếc vali rỗng vào dịp năm mới là một truyền thống độc đáo của người dân Colombia, mang ý nghĩa cầu mong cho một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và có những chuyến đi may mắn.
Vào đêm giao thừa, người Colombians sẽ cầm một chiếc vali trống ra khỏi nhà và đi dạo quanh khu phố hoặc quanh khu vực mình sống. Họ tin rằng hành động này sẽ thu hút những chuyến du lịch, những trải nghiệm và thịnh vượng trong năm mới.
Cũng có người quan niệm rằng việc mang chiếc vali rỗng ra ngoài sẽ giúp gia đình tránh được những khó khăn, mất mát và đón nhận những điều tốt lành.
Rắc muối vào năm mới (Thổ Nhĩ Kỳ)
Phong tục rắc muối đón năm mới ở Thổ Nhĩ Kỳ mang đậm ý nghĩa cầu may mắn và thịnh vượng.
Khi đồng hồ điểm đúng 12 giờ đêm giao thừa, người dân sẽ rắc muối ở trước cửa nhà mình với niềm tin thu hút sự sung túc, dồi dào tài lộc và hạnh phúc trong năm mới.
Ngoài việc rắc muối, người Thổ Nhĩ Kỳ còn duy trì nhiều phong tục khác như mặc đồ lót màu đỏ để cầu tình duyên và tài lộc hoặc chọn các món ăn truyền thống mang ý nghĩa tốt lành như lựu - biểu tượng của sức khỏe và hạnh phúc.
Bật tất cả đèn trong nhà (Mỹ Latin, Tây Ban Nha)
Ở các quốc gia châu Mỹ Latin, Tây Ban Nha và các nước ảnh hưởng văn hóa Tây Ban Nha như Philippines, việc bật đèn trong nhà vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là cách để xua đuổi tà ma và các linh hồn xấu.
Đồng thời, điều này còn giúp mang lại ánh sáng cho năm mới, xua tan những khó khăn của năm cũ.
Tại nhiều quốc gia, một truyền thống bắt buộc khác là tắt tất cả đèn vài phút trước khi giao thừa diễn ra. Thời khắc chuyển sang năm mới, mọi ngọn đèn sẽ được bật sáng đồng loạt.
Đây là một nghi lễ mang ý nghĩa xua tan bóng tối của năm cũ, đón nhận ánh sáng và hy vọng cho một năm mới may mắn, ngập tràn hy vọng.
Joya no kane (Nhật Bản)
Joya no kane là một phong tục truyền thống của Nhật Bản diễn ra vào đêm giao thừa, có nghĩa là chuông đêm giao thừa. Đây là một nghi lễ đặc biệt, diễn ra tại các chùa Phật giáo trên khắp đất nước với mục đích tiễn biệt năm cũ và đón chào năm mới.
Trong lễ Joya no Kane, các ngôi chùa tại Nhật Bản sẽ gióng lên 108 hồi chuông từ 23h ngày 31-12 và kéo dài đến 0h ngày 1-1. Theo quan niệm của Phật giáo, mỗi người đều mang trong mình 108 loại phiền não.
Mỗi tiếng chuông ngân lên có ý nghĩa thanh tẩy một loại phiền não, giúp con người gột rửa phiền muộn, khởi đầu năm mới một cách bình an, hạnh phúc.
Ăn 12 quả nho (Tây Ban Nha)
Ăn 12 quả nho vào đêm giao thừa là nét văn hóa truyền thống của Tây Ban Nha. Tại đất nước này, người ta gọi những quả nho này là "uvas de la suerte", tức là "nho may mắn".
Theo quan niệm của người Tây Ban Nha, mỗi quả nho tương ứng với một tháng trong năm.
Nếu ăn đủ 12 quả nho trong vòng 12 tiếng chuông nhà thờ ngân vang (tương ứng với 36 giây), bình an, may mắn và mọi mong ước của chúng ta sẽ thành sự thật.
Một trong những câu chuyện thú vị đằng sau truyền thống độc đáo này có nguồn gốc từ những năm 1900. Khi mùa nho bội thu, nông dân tại Alicante (Tây Ban Nha) đã nghĩ ra cách giải quyết tình trạng nho dư thừa.
Mặc dù đây là một truyền thống bắt nguồn từ Tây Ban Nha nhưng nhờ sự độc đáo, phong tục này nhanh lan rộng sang nhiều quốc gia ở Mỹ Latin, trở thành một phần không thể thiếu trong bữa tiệc đêm giao thừa của nhiều gia đình.
Tục xông đất (Scotland)
Tương tự Việt Nam, ở Scotland cũng có tục xông đất đầu năm. Truyền thống này gọi là first footing hoặc first foot (bước chân đầu tiên), người đầu tiên đặt chân vào nhà sau thời khắc bước sang năm mới gọi là footer.
Theo quan niệm Scotland, footer phải là người đàn ông cao lớn, mạnh mẽ, có diện mạo điển trai vì đó sẽ là người mang lại nhiều may mắn và tài lộc cho gia đình trong suốt năm mới.
Người đến xông đất chủ nhà thường không đến tay không mà phải mang theo một số quà mang tính tượng trưng như đồng xu - sự giàu có, than đen - sự ấm áp, bánh mì đen - sự ấm no, than hồng, muối, rượu whisky - sự ấm no, hạnh phúc.
Bên cạnh đó, người Scotland còn tin rằng nếu người đầu tiên vào nhà là người có màu tóc sáng thì sẽ mang lại xui xẻo cho gia đình. Do đó, việc chọn lựa first footer là rất quan trọng trong ngày đầu năm.
Hạ quả cầu pha lê ở quảng trường Thời Đại (Mỹ)
Hạ quả cầu pha lê ở quảng trường Thời Đại là một trong những truyền thống trong lễ đón năm mới ở New York. Vào đêm giao thừa, hàng nghìn người tụ tập tại quảng trường Thời Đại để chứng kiến khoảnh khắc chuyển giao sang năm mới.
Theo đó, quả cầu pha lê khổng lồ, nặng gần 6 tấn, trang trí với hàng ngàn đèn LED rực rỡ sẽ bắt đầu hạ xuống từ nóc tòa nhà One Times cao 25 tầng trong những giây cuối cùng của năm cũ.
Quả cầu chạm đất trùng vào lúc đồng hồ điểm 12 giờ, đánh dấu một năm mới lại đến với niềm vui, hạnh phúc và hy vọng.
Hạ quả cầu pha lê ở quảng trường Thời Đại không chỉ là sự kiện yêu thích của người dân New York mà còn thu hút hàng triệu người theo dõi từ khắp nơi trên thế giới.
Ngoài lễ hạ quả cầu, vào đêm giao thừa, tại đây còn diễn ra các lễ hội âm nhạc đầy sôi động, kéo dài đến hết đêm 31-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận