15/09/2021 16:50 GMT+7

Nghiên cứu về tác động đối với chức năng phổi ở nhóm thanh thiếu niên mắc COVID-19

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Ít nhất 2 nghiên cứu cho thấy virus SAR-CoV-2 dường như không ảnh hưởng tới chức năng phổi ở trẻ em và thanh thiếu niên, trừ những ca bệnh nặng.

Nghiên cứu về tác động đối với chức năng phổi ở nhóm thanh thiếu niên mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Seattle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ. Ảnh minh họa: apnews.com

Các nhà khoa học đã tìm hiểu tác động của dịch COVID-19 đối với sức khỏe phổi ở nhóm tuổi thanh thiếu niên, theo đó, ít nhất 2 nghiên cứu cho thấy virus SAR-CoV-2 dường như không ảnh hưởng tới chức năng phổi ở trẻ em và thanh thiếu niên, trừ những ca bệnh nặng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn khẳng định cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trong vấn đề này và cảnh giác trong cuộc chiến chống COVID-19 nhất là trong bối cảnh hiện nay số ca mắc ở độ tuổi này đang gia tăng, đặc biệt tại Mỹ.

Tại hội nghị trực tuyến của Hiệp hội hô hấp châu Âu, bác sĩ Anne Schlegtendal thuộc Bệnh viện Đại học nhi thuộc Đại học Ruhr Bochum (Đức) đã công bố kết quả nghiên cứu về chức năng phổi ở những người trẻ mắc COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 8/2020 - 3/2021.

Theo đó, nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu của 73 đối tượng từ 5-18 tuổi trong thời gian 2 tuần đến 6 tháng sau khi có kết quả dương tính và tiến hành so sánh với một nhóm gồm 45 người âm tính nhưng lại mắc một số loại bệnh truyền nhiễm khác. Kết quả cho thấy 27,1% người tham gia xuất hiện các triệu chứng liên quan phổi sau khi mắc COVID-19, và 11,4% có những triệu chứng về hô hấp.

So sánh với nhóm không mắc, nghiên cứu cũng nhận thấy không có khác biệt đáng kể trong hoạt động của chức năng phổi. Chính vì thế, bác sĩ Schlegtendal kết luận bệnh COVID-19 ít làm giảm chức năng phổi ở trẻ em và vị thành niên.

Về phần mình, bác sĩ Ida Mogensen thuộc Viện Karolinska (Thụy Điển) cho biết đã tiến hành tìm hiểu liệu sự hiện diện của kháng thể chống virus SARS-COV-2 có tác động tiêu cực đến chức năng của phổi hay không và liệu chứng hen suyễn - chứng viêm type 2, hoặc thuốc dạng hít ICS có làm thay đổi mối quan hệ trên hay không.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập dữ liệu của 661 người có độ tuổi trung bình là 22. Theo đó, 27% người tham gia nghiên cứu có kháng thể cho thấy đã từng mắc COVID-19. Nghiên cứu đã tiến hành phân tích các thông số hoạt động chức năng phổi và những dấu hiệu viêm nhiễm. Kết quả cho thấy không ghi nhận nhiều khác biệt trong hoạt động chức năng của phổi, nhạy cảm dị ứng hay việc sử dụng ICS giữa các nhóm. Những người mắc hen suyễn cũng không cho thấy sự sụt giảm đáng kể trong hoạt động chức năng phổi.

Tại hội nghị, cả hai tác giả nhóm nghiên cứu đều khẳng định sự hạn chế trong các nghiên cứu của mình, như số lượng mẫu ít cũng như thời gian dữ liệu thu thập ngắn, và vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, những nghiên cứu mới như như ở trên vẫn có ý nghĩa trong việc tìm hiểu các vấn đề về hoạt động chức năng phổi ở trẻ em trong dài hạn liên quan đến đại dịch COVID-19, qua đó nhấn mạnh tới sự cần thiết phải thu thập thêm dữ liệu để có được bức tranh tổng thể rõ ràng hơn về tác động dài hạn của bệnh dịch này đối với đến chức năng phổi ở nhóm thanh thiếu niên.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên