Môi trường học tập lý tưởng ở Trường tiểu học Điện Biên, quận 10, TP.HCM: lớp học dưới 20 học sinh, phòng ốc đạt chuẩn, bàn ghế hiện đại - Ảnh: H.HG.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, những khu vực quá tải trường lớp thường tập trung ở những quận vùng ven và ngoại thành. Còn những quận nội thành thì ngược lại.
Năm học 2018-2019 này, chỉ riêng học sinh lớp 1 của trường chúng tôi đã là 937 em. Trong đó hơn 50% học sinh thuộc diện tạm trú, tức là gia đình các em mới nhập cư vào TP.HCM làm ăn sinh sống
Đại diện Trường tiểu học Lê Văn Thọ, quận 12, TP.HCM
Tăng dân số cơ học gây nghịch lý trường lớp
Quận 12 là một trong những "điểm nóng" về việc tăng dân nhập cư ở TP.HCM, kéo theo đó là vấn đề tăng học sinh, dẫn đến việc quá tải trường, lớp. Phường Tân Thới Hiệp được xem là "điểm nóng" nhất quận này.
Tương tự, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cũng được xem là điểm nóng nhất huyện khi dân số tăng theo thời gian. Năm học này, Phòng GD-ĐT huyện đã gấp rút đưa vào sử dụng thêm một trường tiểu học mới: Trường Huỳnh Văn Bánh ngay từ tháng 9-2018 (dù đến tháng 11 mới hoàn tất các hạng mục) để đảm bảo chỗ học cho con em.
"Dân nhập cư ở xã Vĩnh Lộc A đa số làm việc ở Khu công nghiệp Tân Bình và Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, hoặc buôn gánh bán bưng.
Thông thường, mỗi địa bàn phường, xã chỉ có 1 trường tiểu học nhưng xã Vĩnh Lộc A hiện có 4 trường tiểu học, mà số lớp học vẫn vượt quá quy định (không quá 30 lớp/trường tiểu học) là: Trường Vĩnh Lộc A: 70 lớp, Trường Vĩnh Lộc 1: 32 lớp, Trường Vĩnh Lộc 2: 64 lớp, Trường Huỳnh Văn Bánh: 50 lớp" - một cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh thông tin.
Bài toán nan giải
Trái ngược với tình trạng quá tải của các quận vùng ven và ngoại thành, nhiều quận nội thành ở TP.HCM như các quận 1, 3, 5, 10, Phú Nhuận... lại có dân số khá ổn định nên trường lớp cũng khá thoải mái.
Nếu như ở vùng ven, phụ huynh tìm đỏ mắt cũng không ra trường tiểu học có lớp bán trú (ăn trưa và ngủ trưa tại trường, học 2 buổi/ngày) thì ở các quận nội thành, hầu như 100% trường tiểu học đều có mở lớp bán trú.
Giải thích về tình trạng trên, một trưởng phòng GD-ĐT ở ngoại thành cho rằng: "Vì các quận nội thành không có khu chế xuất, khu công nghiệp. Giá thuê và giá bán đất đai, nhà cửa cũng đắt hơn ở vùng ven, ngoại thành nên dân nhập cư không "chuộng" vào nội thành. Mà ngành giáo dục cũng không thể đưa học sinh ở ngoại thành vào nội thành học được".
Tình trạng quá tải trường, lớp ở vùng ven, ngoại thành TP.HCM đang gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh cũng như cán bộ quản lý ở các trường. Nhiều trường tiểu học phải tháo dỡ máy móc ở các phòng chức năng, ngăn hội trường... để tận dụng làm phòng học. Sĩ số học sinh/lớp tăng gần gấp đôi so với chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT là áp lực lớn nhất đối với giáo viên đứng lớp.
"Giải pháp căn cơ nhất chính là TP cần tính toán lại các ngành nghề có sử dụng số lượng lớn nhân công lao động bằng chân tay. Thay vào đó, TP tập trung vào những ngành dịch vụ, công nghệ cao cần nhân công có tay nghề cao hoặc tự động hóa để giảm bớt việc thu hút dân nhập cư vào TP.
Tiếp đó là giải pháp xây dựng trường học cao tầng, quy hoạch mạng lưới trường lớp dài hơi hơn, trong đó có tính toán đến tình trạng dân nhập cư tăng lên theo thời gian" - ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói.
70.000 học sinh
Tại buổi làm việc với Ủy ban MTTQVN TP.HCM mới đây, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: "Năm học 2018-2019, toàn TP tăng gần 70.000 học sinh. Nhìn chung, số học sinh tăng nhiều ở cấp mầm non và tiểu học, tập trung tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Đây là những địa phương đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh nên tình trạng dân số cơ học tăng cao".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận