01/08/2017 16:04 GMT+7

Nghịch lý... trường học mới Việt Nam - VNEN

ĐẠI DƯƠNG
ĐẠI DƯƠNG

TTO - Trong khi giáo viên trực tiếp đứng lớp nhận định mô hình VNEN không phù hợp, thì nhà quản lý giáo dục lại muốn tiếp tục. Riêng tôi thì thấy cả hai còn đưa ra nhận xét cảm tính.

Qua bài Khi phụ huynh và giáo viên ‘chạy trốn VNEN’ ngày 31-7, cô giáo Khánh Ngọc nhận định mô hình trường học mới VNEN đã làm cho lực học của học sinh đi xuống trầm trọng. Nguyên nhân là do trẻ thiếu sự hướng dẫn của thầy cô. Tiếp thu kiến thức từ tương tác giữa các bạn trong cùng một nhóm: được thì ít mà mất thì nhiều. Cô nhận định VNEN đã “đột tử”.

Còn ông Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh giá mô hình này thích hợp nên tỉnh này tiếp tục vận dụng mô hình VNEN.

Từ hai góc nhìn trên, tôi có mấy ý kiến sau:

1. Ý kiến đưa ra từ hai phía (giáo viên và nhà quản lý) còn cảm tính, chủ quan. Họ chưa có số liệu chính xác thu được từ thực tiễn qua việc khảo sát, điều tra, phỏng vấn (mẫu thử có tính đại diện) để từ đó đưa ra các kết luận có cơ sở khoa học.

2. Mô hình trường học mới VNEN áp dụng cho trẻ từ lớp 1, dấu ấn đầu tiên hết sức quan trọng giúp trẻ phát triển tốt phẩm cách và năng lực sau này. Chuyện hệ trọng ấy sao ngành GD-ĐT lại để xảy ra tình trạng... cảm xúc kiểm soát - mô tả - chia sẻ? Bộ GD-ĐT cần sớm kết luận về kết quả thực hiện mô hình VNEN, những ưu điểm - hạn chế, những khuyến nghị cho các cơ sở giáo dục.

3. Thật ra, khó có một mô hình dạy học - giáo dục có thể áp dụng tốt, mang lại hiệu quả cao cho mọi cơ sở giáo dục ở khắp vùng, miền của nước ta.

Mọi mô hình giáo dục đều thông qua người thầy để tác động đến học sinh. Thầy cô phải được bồi dưỡng nghiêm túc, kiểm tra - đánh giá khắt khe để đủ năng lực thực hiện đổi mới.

Có như thế, thầy cô mới phân biệt được đâu là hiện tượng, đâu là bản chất khi quan sát hoạt động của học sinh - những tiến bộ hoặc yếu kém của một học sinh hoặc một nhóm học sinh.

Cũng từ đấy, thầy cô biết được sẽ vận dụng mô hình mới như thế nào, vận dụng đến đâu và cao hơn là biết vận dụng sáng tạo.

Mô hình trường học mới VNEN (viết tắt của chữ “trường học mới Việt Nam” theo tiếng Tây Ban Nha) hoạt động trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên sẽ là người cụ thể hóa mục tiêu, thiết kế và tổ chức các hoạt động học phù hợp với học sinh. 

Trong khi đó, học sinh được chia thành các ban tự quản và chủ động, sáng tạo hơn trong việc tiếp nhận, chia sẻ kiến thức.

Mô hình này đề cao việc cá nhân tự trải nghiệm, khám phá và cũng chấp nhận sự khác biệt về thời gian, tốc độ học của học sinh. Giáo viên sẽ là người chủ động quan sát, phát hiện và kịp thời hỗ trợ cho những học sinh yếu.

Mô hình trường học mới bắt nguồn từ Colombia vào những năm 1995 - 2000 với những lớp ghép ở miền núi khó khăn.

Thay vì nhìn lên bảng xem cô giảng bài, mô hình trường học mới cho phép học sinh ngồi quây quần theo nhóm và tự tìm tòi, khám phá kiến thức mới trên cơ sở “hướng dẫn học tập” của giáo viên.

4. Người thầy giỏi sẽ biết vận dụng phương pháp một cách phù hợp, sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển cho từng học sinh. Những cách làm hay ở cơ sở, gương thầy cô giáo dạy tốt mô hình VNEN cần được phổ biến rộng khắp.

Bên cạnh đó, những lo ngại - yếu kém - khó khăn... của thầy cô khi thực hiện mô hình trường học mới cũng cần được quán triệt đầy đủ - trung thực xuống các cơ sở giáo dục.

Công việc đó chắc là thuộc về Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), các phòng - ban - tổ chức năng thuộc sở, phòng GD-ĐT các địa phương.

5. Lướt qua những bản tin liên quan đến mô hình VNEN của Tuổi Trẻ, tôi tìm được những bài viết như: Cô giáo Tây nguyên xung phong dạy VNEN; vì sao các tỉnh ngưng VNEN?Nghệ An khẳng định không áp dụng hoàn toàn VNEN....

Điều này cho thấy mô hình VNEN được công luận theo dõi sát sao nhưng lại với những góc nhìn chưa thống nhất, thậm chí là rất khác biệt.

Tình hình này có thể ví như: VNEN - rối như canh hẹ, làm sao gỡ rối? Xin nhấn mạnh là gỡ rối chứ không phải gỡ một nút thắt!

Năm học mới chỉ còn ít ngày nữa là bắt đầu. Thực tế trên quả là không có lợi cho giáo dục tiểu học, THCS (đã, đang hoặc sẽ áp dụng mô hình VNEN) nói riêng và giáo dục phổ thông nói chung.

“Chiến sĩ” mang tâm trạng bi quan, ‘chạy trốn VNEN’, còn “chỉ huy” có tâm trạng lạc quan, hô khẩu hiệu ‘tiến lên VNEN’.

Trong tôi dâng lên cảm xúc tê tái, ôi nghịch lý... VNEN.

ĐẠI DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên