31/07/2017 11:05 GMT+7

Khi phụ huynh và giáo viên 'chạy trốn VNEN'

KHÁNH NGỌC
KHÁNH NGỌC

TTO - Gần đây, Tuổi Trẻ nhận được nhiều ý kiến của phụ huynh, giáo viên về Mô hình trường học mới VNEN. Dưới đây là ý kiến của một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy theo mô hình này.

không chú thích

“Những đứa trẻ bé tí mà suốt ngày phải ngồi học đối mặt vào nhau nên chúng nói chuyện rôm rả, náo loạn cả lớp. Chỉ mỗi việc ổn định trật tự, cho các em vào khuôn phép học ra học, chơi ra chơi thì thầy cô cũng đã bở hơi tai

Tôi nhận được điện thoại của cô cháu gái: “Cô có biết trường nào trong thị xã mình không dạy VNEN? Con muốn chuyển trường cho bé Cún?”. Nghe thế, tôi hỏi lại: “Bé Cún đang học ở một ngôi trường chuẩn quốc gia, trường điểm có tiếng của thị xã sao lại muốn chuyển cho con tới nơi khác?”.

Lực học đi xuống trầm trọng

Vừa dứt lời, cô cháu gái giãy nảy lên: “Chỉ có cái danh thôi cô. Cháu không thích những thành tích ảo như vậy. Từ ngày bé Cún học theo chương trình VNEN, lực học đi xuống trầm trọng. Ai đời học gần hết lớp 3 mà phép cộng đơn giản còn sai, phép chia thì càng mù tịt. Học kiểu này sao có kiến thức vào lớp 4?”.

Nghe cháu nói, tôi hiểu những điều trăn trở và bức xúc của các phụ huynh như cháu. Bởi chính tôi cũng đang dạy trong ngôi trường VNEN, hằng ngày vẫn đang “đánh vật” với đám học trò học ít chơi nhiều. Những đứa trẻ con chỉ biết “cầm tay chỉ việc”, đôi khi làm còn không xong thì nay phải tự mình học, tự tìm kiến thức trước khi có sự “cứu trợ” của thầy cô.

Học theo chương trình mới này, học sinh tự học là chính. Thầy cô chỉ định hướng và giúp đỡ khi các em có yêu cầu hỗ trợ. Những học sinh chăm học, có khả năng tự học cao, có tư duy độc lập, biết tương tác với bạn (nhưng số này rất ít) mới phù hợp học theo mô hình này.

Ngược lại, những học sinh học lực yếu, học lực trung bình, thậm chí là học lực khá nhưng lười học (số này chiếm hơn 2/3 số học sinh trong lớp), nếu để các em tự học theo tinh thần của mô hình VNEN, lực học sẽ ngày càng đổ dốc là điều không tránh khỏi.

Chưa nói, học VNEN chủ yếu là học nhóm, sản phẩm làm ra cũng được tính chung là kết quả cả nhóm. Thế nên mỗi nhóm chỉ cần vài ba em làm được bài thì xem như cả nhóm sẽ làm xong. Do là kết quả đánh giá chung nên không ít em sợ nhóm mình về chót đã hỗ trợ bạn theo kiểu cho “sao y bản chính” bài làm của mình. Vả lại, theo đúng tinh thần VNEN, “học sinh giỏi hỗ trợ học sinh yếu khi bạn gặp khó khăn”.

Mà học sinh dù giỏi làm sao các em có thể giảng cho bạn theo kiểu “bài này thuộc dạng toán gì? Vì sao lại làm tính cộng mà không phải tính trừ?”, hoặc “khi thực hiện phép chia cần lưu ý điều gì?”... Thiếu sự hướng dẫn, giảng giải của thầy cô, đương nhiên cái cốt lõi của kiến thức các em nắm không chắc, không sâu. Bởi thế học đó quên đó hoặc không biết gì là điều dễ hiểu.

Chuyện của đồng nghiệp tôi

Một đồng nghiệp của tôi kể lại cô được một người bạn gửi đứa con học xong lớp 3 chuẩn bị vào lớp 4 để kèm mấy tháng hè. Thế nhưng, bạn tôi kiểm tra kiến thức của cậu bé để có phương pháp dạy phù hợp thì thật bất ngờ, những phép tính đơn giản của học sinh lớp 1, lớp 2 em ấy cũng chẳng biết làm. Hỏi ra thì được biết: “Thầy không bao giờ giảng hay hướng dẫn cách làm. Con toàn được bạn chỉ cho thôi cô ạ”.

Điều đáng suy ngẫm nhất là cậu bé học tại ngôi trường nổi tiếng của thị xã. Một ngôi trường điểm đầu tiên được áp dụng mô hình trường học mới và đã nhiều lần vinh dự được nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT vì thành tích dạy và học.

Nhìn cậu bé lanh lợi, tiếp thu nhanh, cô bạn của tôi biết cậu bé học yếu như thế không phải do nhận thức mà do em không hiểu bài, hay nhìn bài bạn nên quên dần cách tư duy và có tư tưởng ỷ lại. Thế là sau hai tháng kiên trì kèm cặp, cậu bé không chỉ làm được các phép tính cộng trừ mà còn biết giải toán, biết tính giá trị biểu thức và biết làm các bài toán chia mà trước đây cậu chẳng hiểu cách làm.

Nếu công bằng nhìn nhận, mô hình VNEN cũng có những ưu điểm nổi bật. Học sinh học mô hình này luôn năng động, biết tương tác với bạn, biết đặt vấn đề với cô và rất tự tin trong giao tiếp. Điều này rất phù hợp với những học sinh ở các trường chuyên lớp chọn vì học sinh nơi đây thường có khả năng tự học rất cao.

Nhưng chúng ta đem mô hình VNEN áp dụng đại trà với mọi đối tượng học sinh trên mọi miền đất nước như hiện nay là không phù hợp. Bởi khả năng tự học của nhiều em chưa cao, một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con mà hoàn toàn phó thác cho nhà trường. Một bộ phận học sinh khác lại là nạn nhân của căn bệnh thành tích nên ngồi học lớp 5 mà kiến thức lại chưa bằng học sinh lớp 2, 3.

Bên cạnh đó, một số lãnh đạo ngành giáo dục các cấp vẫn chưa chịu lắng nghe ý kiến của giáo viên (những người đang trực tiếp giảng dạy mô hình này) để có những điều chỉnh phù hợp. Bởi những lẽ đó, mô hình VNEN đã bị “đột tử” chỉ sau vài năm thực hiện là điều không tránh khỏi.

Không nên áp dụng máy móc

Để nâng chất lượng dạy và học cho học sinh lúc này và phát huy được những điểm nổi bật của mô hình trường học mới chỉ còn cách không áp dụng mô hình vào giảng dạy một cách máy móc như hiện nay.

Chỉ nên “...lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm” như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT vừa qua.

KHÁNH NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên