14/12/2016 11:50 GMT+7

Cô giáo Tây nguyên xung phong dạy VNEN

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - Trong khi mô hình lớp học mới VNEN đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, cô Đinh Thị Giang Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B Trường tiểu học Hùng Vương (xã Cư Knia, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), lại xung phong áp dụng cách dạy này cho học sinh lớp mình.

Cô Đinh Thị Giang Tâm đang giảng dạy học sinh lớp 3B (Trường tiểu học Hùng Vương, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) theo mô hình lớp học mới VNEN - Ảnh: T.THỊNH
Cô Đinh Thị Giang Tâm đang giảng dạy học sinh lớp 3B (Trường tiểu học Hùng Vương, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) theo mô hình lớp học mới VNEN - Ảnh: T.THỊNH

Thầy Nguyễn Việt Anh, hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, cho biết tuy mới chỉ áp dụng được một học kỳ, nhưng lớp học theo mô hình VNEN của cô Tâm đã bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan. Với cách dạy hiệu quả, học sinh lớp cô Tâm đã có sự khác biệt khi mạnh dạn, tự tin hơn so với các lớp khác.

Hỏi ý kiến học sinh trước khi dạy VNEN

Trường tiểu học Hùng Vương - nơi cô Tâm đang giảng dạy - là một trường vùng III có 98,2% học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc giảng dạy theo mô hình VNEN chỉ khuyến khích thử nghiệm và không mang tính chất bắt buộc.

Theo cô Tâm, sau khi tập huấn và biết mô hình VNEN, ban đầu cô cũng thắc mắc, dạy thế thì học sinh làm sao hiểu được? Nhưng sau khi bắt tay vào dạy thì cô thấy rằng so với học sinh của lớp truyền thống, học sinh VNEN sẽ chủ động, mạnh dạn, năng nổ, diễn đạt mạch lạc hơn. Những em giỏi là giỏi thật sự, nhờ năng lực tự học của chính mình chứ không phải do được nhồi nhét.

“Khi chuyển qua cách dạy VNEN, tôi đã đứng trước lớp để hỏi rất kỹ rằng các em thích học theo cách nào, mong muốn học như thế nào, dạy ra sao. 100% các em nói với tôi rằng thích học theo nhóm hơn, nên tôi tôn trọng ý kiến học sinh, rồi mới đề xuất với ban giám hiệu để thực hiện” - cô Tâm nói.

Theo cô Tâm, không dễ để một học sinh tiểu học hiểu ngay được cách dạy mới là thế nào, hội đồng tự quản là ra sao, nên cần phải có một quá trình hướng dẫn, giải thích và chia sẻ hằng ngày. Điều quan trọng nhất là không nên áp đặt hay đòi hỏi quá cao ở các em, mà hãy để cho học sinh có một tâm lý thoải mái nhất.

Cô Tâm dành hai tháng đầu để học sinh làm quen với VNEN, đồng thời giải thích tất cả thắc mắc của các em một cách dễ hiểu nhất. “Ví dụ, các em hỏi tại sao lại phải thay đổi chủ tịch hội đồng tự quản, phải đổi chỗ ngồi thường xuyên...” - cô Tâm chia sẻ.

Cũng có những trường hợp phụ huynh thắc mắc việc không chấm điểm như cách dạy truyền thống. Cô Tâm chia sẻ rằng mỗi em sẽ có một năng khiếu, sở trường riêng. Chấm điểm sẽ vô tình so sánh hay tạo cho các em cảm giác so bì trong lớp học, gây ra áp lực không cần thiết ở lứa tuổi còn nhỏ. Sau khi được giải thích cặn kẽ, tất cả phụ huynh trong lớp cô Tâm giảng dạy đều đồng tình và ủng hộ việc dạy VNEN.

Học sinh yếu cũng được làm nhóm trưởng

Lớp 3B có 40 học sinh, chia thành 6 nhóm hội đồng tự quản. Điều đặc biệt là không chỉ các em học lực khá, giỏi làm nhóm trưởng, mà những em học yếu cũng làm và được ưu tiên hơn.

Theo cô Tâm, nhóm trưởng không cố định mà luân phiên để điều hành nhóm. Tất cả học sinh sẽ được gọi để phát biểu. Những em ít giơ tay hay còn nhút nhát sẽ được cô gọi nhiều hơn. Như vậy, các em vừa được học cách làm việc nhóm, vừa có cơ hội thể hiện bản thân. Những em học tốt sẽ có thể giúp bạn yếu nhiều hơn, và em nhút nhát cũng dần tự tin trong giao tiếp.

“Còn một điều quan trọng khác, đó là các em có cảm giác mình được tôn trọng, từ đó thúc đẩy các em cố gắng, nỗ lực hơn để trở thành một nhóm trưởng” - cô Tâm chia sẻ.

Vì là trường vùng sâu nên học sinh Trường tiểu học Hùng Vương thường xuyên nhận được các phần quà như áo ấm, sách vở, kẹo bánh... từ các tổ chức từ thiện. Thay vì phát quà ngay cho các em, cô Tâm để dành.

“Những em ngoan ngoãn, cố gắng học tập, trả lời bài cũ tốt, tôi thường dành tặng trước lớp những món quà nhỏ để các bạn khác học hỏi. Tôi tìm ra những mặt mạnh của từng em để khen ngợi, và cuối cùng ai cũng có quà” - cô Tâm chia sẻ.

Cô Tâm vui mừng cho biết sau một quá trình giảng dạy theo mô hình mới, lớp học của cô không còn cảnh im phăng phắc như lớp truyền thống. Sáu thành viên mỗi nhóm, ai cũng sôi nổi đưa ra ý kiến và tự tin bày tỏ quan điểm của mình.

Khen nhiều hơn để động viên

Trong lớp học của cô Tâm học sinh yếu rất nhiều, thay vì phê bình tạo áp lực, cô lại chọn phương pháp nhắc nhở bằng cách khen ngợi.

Như lớp có bạn Hà Vy tiếp thu bài chậm nhất là môn toán, nhưng ngoan ngoãn, vẽ đẹp và ước mơ trở thành họa sĩ. Vì thế, trong mỗi buổi học cô đều viết tên Vy lên bảng và gọi tên bạn trước lớp để các bạn khác vỗ tay khen ngợi những điểm mạnh của Vy. Tuy nhiên, cô vẫn nói với Vy muốn trở thành họa sĩ thì phải học giỏi toán để đo được khoảng cách trong từng nét vẽ.

Hay bạn Văn Cương ước mơ trở thành công an nhưng lại rất nghịch ngợm, cô Tâm ngày nào cũng giải thích nhẹ nhàng với Cương, phải ngoan ngoãn thì sau này mới làm công an được.

“Từ việc khuyến khích, động viên các em, dần dần học sinh trong lớp ngày càng tiến bộ và trở nên cố gắng hơn cho ước mơ của mình” - cô Tâm vui mừng nói.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên