Những buổi học ngoại khóa đặc biệt tại nghĩa trang 21-10, nơi yên nghỉ của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 học trò của mình - Ảnh: KHÁNH LINH
Nghĩa trang 21-10 cùng với khu tưởng niệm liệt sĩ - cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 học sinh tại xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 2021.
Nghĩa trang hình lớp học
Nằm giữa vùng quê trù phú, yên bình bên cánh đồng lúa chín vàng, nghe tiếng học bài ê a của học trò nhỏ, ít ai ngờ ngôi Trường tiểu học và THCS Thụy Dân được xây dựng lại trên nền hố bom mà Mỹ từng ném xuống vào trưa 21-10-1966, giết hại cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cùng 30 em học sinh lớp 7 của Trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân khi ấy.
Nằm ngay bên ngôi trường mới, nghĩa trang 21-10 trông không khác một lớp học được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 1.000m². Khu vực đài tưởng niệm được thiết kế như một trang sách mở với cây bút ở chính giữa, bên trên ngòi bút là ngọn lửa cách điệu hình vầng trăng khuyết. Hai trang sách mở, một bên ghi lại sự kiện 21-10-1966 và một bên là danh sách cô giáo cùng các học sinh, nạn nhân của vụ ném bom.
Phần đáy bút là một lư hương hình lọ mực và khăn quàng đỏ, còn ở chính giữa là phần mộ của cô giáo - liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân, hai bên là phần mộ của 30 học sinh quây quần như thể hằng ngày cô trò vẫn có thể nghe tiếng trống trường gióng giả, vẫn học tiếp bài học thuở nào còn đang dang dở.
Đã 56 năm trôi qua nhưng trong ký ức của ông Lê Văn Thắng (72 tuổi, trú tại xóm 1, xã Thụy Dân) - một trong những học trò may mắn còn sống sót sau trận bom năm ấy - vẫn vẹn nguyên.
Đưa chúng tôi đi thăm nghĩa trang 21-10, suốt dọc đường đi ông Thắng hầu như im lặng, xúc động bởi có lẽ bản thân không thể nào quên được "ngày kinh hoàng" khiến cô giáo mến yêu cùng các bạn học vĩnh viễn nằm lại.
Nghĩa trang 21-10 tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được xây dựng trông giống một lớp học với phần mộ của cô giáo - liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân ở giữa, quây quần hai bên là mộ phần của 30 học trò - Ảnh: KHÁNH LINH
Bên bậu đá của đài tưởng niệm, ông Thắng nhớ lại "khoảng 10h30 ngày 21-10-1966, các lớp học khác đã tan thì lớp 7 của ông cũng sắp hết tiết học môn văn bỗng có tiếng máy bay Mỹ, đồng thời phía trong làng vang lên những tiếng bom nổ rất to, đất đá bay tứ tung, khói cuộn mù mịt. Cô Xuân khi ấy vội dừng bài giảng "Dù đui mà giữ đạo nhà" của Nguyễn Đình Chiểu để hô lớn có máy bay, các em xuống hết hầm hào trú ẩn!
"Ngay lập tức, tôi cùng một bạn nữa tên Dũng vội vàng chạy ra hố cá nhân ẩn nấp. Chỉ nghe tiếng máy bay rít, sau đó một tiếng nổ long trời làm đất đá văng tứ tung, trùm hết lên cả người tôi. Do sức ép của bom, tôi bị ngất đến khi tỉnh lại thì không còn thấy Dũng đâu nữa. Tôi cố trồi lên chạy được khoảng 50m thì gục ngã, không còn biết gì nữa. Đến khi tỉnh lại thì thấy mình đang nằm ở bệnh viện nơi sơ tán, bị ba vết thương ở trên đầu" - ông Thắng trầm ngâm nhớ lại.
Trận bom kinh hoàng với bốn quả cỡ lớn trút xuống ngay cạnh hầm trú ẩn của trường khiến 30 học sinh ở độ tuổi từ 13 - 16 (trong đó có 12 học sinh nữ) đã bị vùi chết bởi sức ép của bom, cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân cũng hy sinh khi vừa tròn 24 tuổi - để lại một con thơ chưa đầy 3 tuổi và bản thân đang mang thai đứa con thứ hai trong bụng.
"Tôi vẫn nhớ, khi được tìm thấy thì thi thể cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đang ôm chặt hai học sinh khác. Toàn bộ ngôi trường mới khi đó bị san bằng, chỉ còn trơ lại một hố bom rộng khoảng 24m2" - ông Thắng cho hay.
Tiếp nối tinh thần dạy và học
Trong cuốn sổ tay kỷ vật thủng lỗ chỗ được lưu giữ tại Trường tiểu học và THCS Thụy Dân, chúng tôi đã được đọc những dòng suy nghĩ, những tâm sự của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân về nghề.
Trong những dòng lưu bút ấy, cô giáo Xuân tự nhủ: "... để sánh vai với người chiến sĩ ở trận tuyến giết giặc cứu nước thì ở hậu phương, ở mái trường thân yêu này, đêm ngày mình sẽ miệt mài bên trang giáo án, quyết tâm đóng góp công sức của mình làm cho sự nghiệp trồng người ngày càng thêm thay da, đổi thịt...".
Trong những ngày tháng 11, nhiều trường đã tổ chức cho giáo viên, học sinh đến nghĩa trang 21-10 để tri ân, dâng hương - Ảnh: KHÁNH LINH
Ông Trương Vũ Sương, nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội và cũng là chồng của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân, cho chúng tôi biết khi về dạy tại Trường phổ thông cấp 2 Thụy Dân, dù xa chồng và phải gửi con thơ về Nam Hà nhờ bà nội nuôi giúp nhưng cô giáo Xuân vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong cuộc trò chuyện, ông Sương rưng rưng xúc động khi hạnh phúc của hai người kéo dài chưa được bốn năm thì xảy ra cơ sự.
"Trong bốn năm lấy nhau, phần lớn đều mỗi người một nơi chứ cũng không ở cạnh nhau để hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ, cùng nhau gánh vác công việc gia đình trong những tháng năm gian khổ ấy. Giờ hồi tưởng lại càng thấy đớn đau, thương Xuân vô ngần" - ông Sương xúc động.
Thầy giáo Nguyễn Đức Thuận - hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS xã Thụy Dân - cho biết sự hy sinh của cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân và 30 em học sinh là ký ức đau thương nhưng mãi là biểu tượng của tinh thần dạy và học.
"Tôi nghĩ mỗi khi nhìn qua ô cửa sổ, hướng về phía nghĩa trang đặc biệt ấy thì các thầy cô và học sinh sẽ càng thêm quyết tâm dạy tốt, học tốt. Hằng tuần, nhà trường vẫn tổ chức cho học sinh lao động dọn dẹp vệ sinh khuôn viên, các phần mộ và thắp hương tại nghĩa trang 21-10 để ôn lại truyền thống lịch sử" - ông Thuận cho hay.
Trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Trường tiểu học và THCS Thụy Dân cũng tổ chức lễ tưởng niệm 56 năm ngày Mỹ ném bom xuống trường cấp 2 Thụy Dân và trong những ngày tháng 11 này, các trường trong huyện Thái Thụy cũng về viếng, dâng hương và tổ chức nhiều buổi học ngoại khóa tại di tích lịch sử cấp quốc gia này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận