Chị Hồ và chị Rét chăm sóc bà Ba với hơi ấm tình thương của những người H’Rê nghèo khó - Ảnh: Trần Mai |
Bà Ba không con cái, người thân. Bà theo quân giải phóng về xóm Nước Chu từ khi còn bé. Lớn lên bà Ba kết duyên với một anh lính nhưng chẳng bao lâu chồng đi chiến đấu. Từ đó, bà Ba sống một mình, côi cút chờ đợi chồng trở về.
Qua 72 mùa xuân, bà vẫn không thấy chồng về. “Nghe mấy người từng chiến đấu cùng đơn vị với chồng bà Ba nói trong một cuộc oanh tạc của bom Mỹ ở Kon Tum, chẳng ai thấy ông ấy nữa” - ông Đinh Văn Vấu (75 tuổi) tâm sự.
Thời còn trẻ chồng không về, cũng có nhiều người đàn ông muốn cưới bà làm vợ. Bà không chịu, chỉ muốn chờ chồng. Quá lứa lỡ thì, bà lặng lẽ sống đơn chiếc. Cây rừng già rồi sẽ yếu, bà Ba cũng thế, cơn tai biến bất ngờ đánh gục bà vào năm 2008 trong cơn mưa rừng xối xả. Cả xóm chạy đến, góp tiền thuê ôtô chở bà vô Bệnh viện Quảng Ngãi cấp cứu, bà thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Ba tháng bà Ba ở bệnh viện, cả xóm thay phiên nhau chăm sóc. Tiền viện phí thì người ít góp vài chục, người nhiều cả triệu đồng. “Bà Ba về, cả xóm làm một mâm cơm cúng tạ ơn giàng đã cứu bà” - anh Nguyễn Tấn Dũng, trưởng thôn Gò Chu - kể. Bà về mang theo di chứng cơn bạo bệnh bị điếc hẳn, một con mắt cũng hỏng, tay chân co quắp, không đi lại hay làm bất kỳ việc gì.
Cả xóm vừa góp công, góp tiền làm lại mái nhà cho bà Ba vì mùa mưa sắp tới, bà Ba không đủ sức hứng nước mưa nữa. Trong căn nhà ọp ẹp, cũ kỹ được xây hơn chục năm, giờ luôn có người trông nom, chăm sóc bà Ba.
Ở xóm Nước Chu không cần ai nhắc ai, việc chăm sóc bà Ba là tự nguyện. Hằng ngày mỗi người góp nhau chén cơm, thìa cá, đĩa rau lo cho bà, ốm thì họ góp tiền đưa đi bệnh viện, mua thuốc.
Chị Đinh Thị Rét (54 tuổi) đang bóp chân cho bà Ba tâm sự: “Con thú hoang trong rừng cũng không bỏ đồng loại nói gì đến con người. Xóm này cái gì cũng thiếu nhưng không thiếu tình người”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận