06/10/2019 07:15 GMT+7

Nghỉ thêm chiều thứ bảy, nên hay không?

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - VŨ THỦY
LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - VŨ THỦY

TTO - Nguyên chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường đã đưa ra đề xuất giảm giờ làm cho người lao động trong khu vực doanh nghiệp xuống 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay, tức cho người lao động nghỉ thêm chiều thứ bảy. Nên hay không?

Nghỉ thêm chiều thứ bảy, nên hay không? - Ảnh 1.

Công nhân muốn có thêm giờ nghỉ để chăm sóc gia đình - Ảnh: VŨ THỦY

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị khu vực doanh nghiệp giảm xuống 44 giờ/tuần, tức là người lao động được nghỉ chiều thứ bảy và chủ nhật để tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình, tái tạo sức khỏe... Đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới.

Ông Bùi Văn Cường (bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam)

Hai vợ chồng tôi đã làm công nhân nhiều năm, quanh năm suốt tháng quay cuồng với công việc, con cái nên chẳng có thời gian đi đâu. Hằng ngày, vợ chồng tôi đi làm từ 7h sáng đến 4h30 chiều, tăng ca thì làm đến 7-8h tối mới về. Có ngày chủ nhật được nghỉ thì phải lo giặt giũ, dọn dẹp, con cái là hết ngày. Được nghỉ thêm một ngày mà lương vẫn tính như cũ thì công nhân ai mà không muốn.

Chị Nguyễn Thị Viên (công nhân may tại Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM)

Dưới đây là một số ý kiến tranh luận với đề xuất của ông Bùi Văn Cường.

Đại biểu NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG (ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội):

Chưa phải thời điểm giảm giờ làm

Nghỉ thêm chiều thứ bảy, nên hay không? - Ảnh 4.


Chúng ta đều biết là khi trình Quốc hội dự án Bộ luật lao động (sửa đổi), Chính phủ không đề nghị giảm giờ làm chính thức đối với người lao động tại khu vực doanh nghiệp (hiện đang là 48 giờ/tuần).

Không những thế, Chính phủ còn đề nghị tăng khung giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm, lý do đây là nhu cầu của một bộ phận doanh nghiệp và của cả một bộ phận người lao động.

Theo tôi, trong điều kiện kinh tế - xã hội tại thời điểm này, nếu chúng ta không thể tăng khung giờ làm thêm tối đa thì cũng chưa nên tính đến chuyện giảm giờ làm chính thức như một số ý kiến đề nghị giảm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần.

Trước hết, về vĩ mô mà nói, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn đạt mức cao trong nhiều năm trở lại đây, nhưng quy mô của nền kinh tế vẫn còn nhỏ, mức thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp, đặc biệt là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu, trong đó có yếu tố năng suất lao động thấp hơn nhiều nước và trình độ tay nghề của người lao động VN chưa cao.

Đồng thời, hiện nay có đến 97% số doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm ăn cũng chật vật. Trong bối cảnh như vậy, nếu đặt vấn đề giảm giờ làm chính thức thì sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp, và như vậy cũng ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động.

Có những ý kiến so sánh tại sao khu vực hành chính sự nghiệp làm việc 40 giờ mỗi tuần mà khu vực doanh nghiệp lại làm việc 48 giờ mỗi tuần, như vậy là bất công. Tôi thấy ý kiến này chưa thấu đáo bởi người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp là công chức, viên chức, họ "ăn lương" theo mức cố định, hệ số cụ thể.

Còn đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp thì họ áp dụng chế độ tính lương khác, mà chủ yếu là mức thu nhập dựa vào sản phẩm. Do vậy, trong điều kiện thu nhập của người lao động còn thấp, nếu chúng ta áp dụng giảm giờ làm thì mức thu nhập của họ sẽ bị giảm nữa.

Ông Đặng Ngọc Tùng (nguyên chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):

Giảm giờ làm công nhân như cán bộ nhà nước

Nghỉ thêm chiều thứ bảy, nên hay không? - Ảnh 5.


"Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi sắp trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây lại vẫn giữ nguyên quy định công nhân lao động phải làm 48 giờ/tuần, nhiều hơn cán bộ, công chức nhà nước 8 giờ/tuần. Tính ra, một năm người lao động phải làm việc nhiều hơn cán bộ công chức nhà nước 416 giờ. 

Như vậy là bất bình đẳng. Chưa kể khi nghỉ hưu, người lao động được hưởng mức tối đa 75% thì cũng chỉ bằng 2/3 so với cán bộ công chức, vì phải tính tiền lương bình quân của cả quá trình lao động, trong khi cán bộ công chức được hưởng bình quân 5 năm cuối.

Quan điểm xuyên suốt của tôi là phải giảm giờ làm cho người lao động. Mới đây, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử của Quốc hội cũng mời tôi ra Nghệ An để báo cáo cho các đại biểu dân cử khu vực phía Bắc về nội dung này. 

Tại đây, khi phân tích đánh giá chính sách liên quan đến thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, điều kiện làm việc của người lao động, tôi thẳng thắn chia sẻ và thuyết phục các vị đại biểu Quốc hội là đã đến lúc phải xóa bỏ sự bất công ở đất nước chúng ta: tại sao cán bộ công chức lại làm việc 40 giờ/tuần, còn công nhân lao động phải làm 48 giờ/tuần; sự bất công này đã tồn tại 20 năm rồi, như vậy trong 1 năm họ đã làm nhiều hơn 416 giờ. Do đó đề nghị phải giảm giờ làm xuống đồng nhất 40 giờ/tuần. Nếu không thì phải giảm xuống ít nhất 44 giờ/tuần.

Trong xu thế hiện nay, do sự tiến bộ của xã hội, một số nước trên thế giới đã giảm giờ làm, giảm số giờ làm trong 1 ngày hoặc giảm số giờ làm trong tuần, trong tháng, dành nhiều thời gian hơn cho người lao động chăm sóc bản thân, gia đình và nâng cao trình độ về mọi mặt. Vì vậy, cần phải giảm giờ làm của công nhân lao động xuống như cán bộ công chức nhà nước.

Ông Đào Quốc Cường (giám đốc nhân sự Công ty Juki Việt Nam):

Phải có lộ trình hợp lý

Nghỉ thêm chiều thứ bảy, nên hay không? - Ảnh 6.


Điều chỉnh giờ làm việc chính thức giảm xuống thì chắc chắn chi phí doanh nghiệp sẽ tăng lên, đặc biệt trong tình hình khan hiếm lao động và cạnh tranh như hiện nay. Juki Việt Nam hiện có khoảng 1.500 công nhân. Tốc độ tăng lương tối thiểu vùng trong những năm gần đây dao động từ 6-10% mỗi năm đã là một áp lực đối với doanh nghiệp, nếu cộng thêm với việc giảm giờ làm việc theo tuần thì sẽ càng thêm khó khăn.

Nếu giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 40 giờ/tuần thì sẽ tăng thêm chi phí tương đương khoảng 10%. Đó sẽ là một gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được rằng việc giảm giờ làm việc sẽ giúp lao động có nhiều thời giờ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và có thể giúp họ cải thiện năng suất làm việc tốt hơn. 

Tuy nhiên, nếu cân nhắc thay đổi giờ làm việc thì phải có lộ trình hợp lý để doanh nghiệp có thể chuẩn bị. Doanh nghiệp buộc phải đầu tư, cải tiến máy móc, công nghệ để có thể tăng năng suất. Đồng thời bản thân người lao động cũng phải chủ động đóng góp cho doanh nghiệp nhằm tăng năng suất bù lại thời gian làm việc được cắt giảm, giảm bớt lãng phí trong sản xuất.

Bà Lê Thị Thanh Lâm (phó tổng giám đốc Saigon Food):

Áp lực lớn về mặt chi phí

Nghỉ thêm chiều thứ bảy, nên hay không? - Ảnh 7.


Nhiều doanh nghiệp hiện nay thậm chí yêu cầu công nhân tăng ca cả ngày chủ nhật mới đảm bảo sản xuất vào thời gian cao điểm. Saigon Food đang có khoảng 2.000 công nhân và chúng tôi chủ trương không để công nhân phải làm việc vào ngày chủ nhật, công nhân được nghỉ đủ 4 chủ nhật trong tháng để đảm bảo công nhân có thêm thời giờ nghỉ ngơi. 

Ở góc độ nhà quản lý, việc giảm giờ làm chính thức chắc chắn sẽ tạo ra áp lực lớn về mặt chi phí cho doanh nghiệp, trong khi tuyển dụng lao động lại ngày càng khó khăn. Nhưng nếu quy định này được áp dụng thì doanh nghiệp sẽ buộc phải thích nghi và khi đó cần có lộ trình để doanh nghiệp có thời gian tính toán, cân đối.

Ông Củ Phát Nghiệp (chủ tịch công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam):

Nên giảm giờ làm

Nghỉ thêm chiều thứ bảy, nên hay không? - Ảnh 8.


Người lao động khu vực nhà nước đã có thời gian khoảng 20 năm làm việc 40 tiếng/tuần thì tại sao lại có sự phân biệt với người lao động khu vực FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). 

Tôi đồng tình với việc giảm giờ làm việc chính thức từ 48 giờ xuống 40-44 giờ/tuần, đặc biệt là khi Việt Nam đã gia nhập Hiệp định CPTPP mà nhiều nước tham gia đã giảm giờ làm chính thức xuống còn 40-44 giờ/tuần. 

Kinh tế phát triển, kỹ thuật sản xuất ngày càng tăng cao thì tại sao lại không giảm giờ làm việc? Khi người lao động có thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, sức khỏe tốt hơn thì họ sẽ làm việc tốt hơn, kỷ luật cao hơn, tuổi làm việc sẽ kéo dài hơn và kết quả là doanh nghiệp sẽ không bị thiệt hại.

Giờ làm việc hiện tại vẫn tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế

Ông Nguyễn Tất Năm, trưởng phòng Lao động - tiền lương và bảo hiểm xã hội (Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM), đã cho biết như vậy.

ong nguyen tat nam - truong phong lao dong - tien luong va bao hiem xa hoi - so lao dong - thuong binh va xa hoi tp


Theo ông Năm, việc giảm thời giờ làm việc là một mong muốn tốt nhưng Việt Nam chưa phải là nước phát triển để có thể áp dụng tiêu chuẩn giờ làm việc như các nước phát triển. Thời giờ làm việc hiện nay vẫn đang tuân thủ đúng tiêu chuẩn của các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và hầu hết các nước trong khu vực ASEAN cũng là các nước cạnh tranh thị trường lao động với Việt Nam đều có thời giờ làm việc 48 tiếng/tuần.

VŨ THỦY

80% người lao động muốn giảm giờ làm 80% người lao động muốn giảm giờ làm

TTO - 80% trong số những người tham gia cuộc khảo sát trên mạng của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý chọn giảm giờ làm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần.

LÊ KIÊN - ĐỨC BÌNH - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên