14/08/2019 10:08 GMT+7

“Đây chưa phải là thời điểm để tăng lương, giảm giờ làm”

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là quan điểm của chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi tham gia thảo luận dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) ngày 14-8.

“Đây chưa phải là thời điểm để tăng lương, giảm giờ làm” - Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc - Ảnh: Quochoi.vn

Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng nay 14-8.

"Không đồng tình nới khung giờ làm thêm"

Đề nghị của Chính phủ về việc nới khung giờ làm thêm tối đa (từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm) đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Theo Phó chủ tịch Quốc hội - đại tướng Đỗ Bá Tỵ, "mục tiêu của chúng ta từ xưa đến nay là tăng lương giảm giờ làm. Tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, trình độ quản lý của doanh nghiệp ngày càng tốt lên. Vậy tại sao phải tăng giờ làm?".

"Quan điểm của tôi thì tăng giờ làm cũng cần thiết nhưng không phải là phổ biến, thường xuyên. Chỉ tăng giờ làm trong những thời điểm nhà nước phát động vì mục tiêu nào đó, phong trào thi đua nào đó trong những thời điểm nhất định thì người lao động sẽ ủng hộ ngay" - ông Tỵ bày tỏ.

Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải thừa nhận nhu cầu được làm thêm giờ là từ cả 2 phía: người lao động và giới chủ. 

"Nhưng giới chủ có lợi hơn bởi họ sẽ không phải tuyển thêm lao động mới và giảm được nhiều chi phí. Trong khi đó, hiện nay có tình trạng không ít chủ doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì vậy tôi không đồng tình với quy định nới khung giờ làm thêm" - bà Hải nói.

Còn Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phân tích: Hiện chúng ta có nhiều ngành nghề, lĩnh vực phải làm theo mùa vụ như là dệt may, thủy sản…, nhưng đây cũng là cá biệt. Như vậy thì trong luật phải quy định rõ là những ngành, nghề nào được tăng giờ làm, và cụ thể trong ngày, trong tuần được làm thêm tối đa bao nhiêu giờ.

Về quy định thời gian làm việc chính thức hiện là 48 giờ/tuần, ông Lưu đề nghị giảm xuống còn 44 giờ/tuần (tức là người lao động làm việc từ thứ 2 đến thứ 6 và nửa ngày thứ 7). Đây cũng là nội dung được đại diện Tổng liên đoàn Lao động VN đề nghị.

"Thời điểm khó khăn của nền kinh tế"

Trình bày khá dài trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói: "Mục tiêu của chúng ta là cải thiện đời sống cho người lao động, nhưng phải phù hợp với điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của chúng ta".

Theo ông Lộc, hiện nay do tác động của tình hình kinh tế thế giới, nền kinh tế VN đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. "Tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ - Trung với kinh tế VN lớn hơn dự báo trước đây của các chuyên gia" - ông Lộc khẳng định.

Và bày tỏ: "Trong bối cảnh đó, người lao động cần đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn này. Đây chưa phải lúc để thực hiện tăng lương giảm giờ làm. Điều này chỉ có thể thực hiện khi nền kinh tế của chúng ta phát triển tốt hơn trong tương lai".

Trong vị thế của người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc "đồng ý phương án Chính phủ trình là nới khung giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ so với quy định hiện hành). 

Việc tăng giờ làm thêm rất có ý nghĩa đối với các ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Đề nghị giữ mức tiền công làm thêm như quy định hiện hành, không quy định tăng lũy tiến".

"Năng suất lao động hiện nay của VN trong khu vực ASEAN là rất thấp, chỉ đứng trên Campuchia. Đây là thời điểm chúng ta phải nỗ lực lao động để phát triển đất nước" – ông nói thêm.

Chính thức trình dự án Bộ luật lao động nhiều sửa đổi về tuổi hưu, giờ làm thêm Chính thức trình dự án Bộ luật lao động nhiều sửa đổi về tuổi hưu, giờ làm thêm

TTO - Dự án Bộ luật lao động sửa đổi có nhiều điểm đáng chú ý liên quan đến việc tăng thời gian lao động, mở rộng khung giờ làm thêm, đề xuất nghỉ lễ vào ngày 27-7.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên