![]() |
Tranh minh họa |
Tuổi Trẻ Online xin trích đăng những ý kiến này với mong muốn tìm ra giải pháp làm sao có thể hết tết là công sở trở lại làm việc nghiêm túc, hiệu quả.
Bạn đọc Quang Đông chỉ ra một thực tế: Dân ta có thói quen ăn tết cả tháng giêng chứ không chỉ bảy ngày hay chín ngày đâu. Bằng chứng là gần tết đã lơ là công việc, chộn rộn sắm sửa; hết tết vẫn còn du xuân với các lễ hội. Khối cơ quan đoàn thể thì rủ rê thăm viếng nhà nhau, công việc chỉ làm lấy có, rất lừng khừng.
Bạn Đỗ Thị Huỳnh Hoa viết: Nghỉ Tết vào, nhiều cơ quan công sở vẫn chưa thật sự làm việc khi còn… mùng. Rất nhiều công chức đến cơ quan, nói xin lỗi - chỉ tụ tập… ăn nhậu (thậm chí gầy sòng đánh bài), kéo nhau đến nhà các sếp hoặc đi… chùa nhưng vẫn hưởng đủ lương như người đang làm việc nghiêm chỉnh.
Bạn đọc Hương lập luận: Nghỉ dài trong khi kinh tế khó khăn cũng chẳng thuận lợi gì. Lại rượu chè, tai nạn giao thông, gây gổ, đánh nhau. Khối nhà nước thì thích chứ, theo tôi, doanh nghiệp chả ai thích thú vì thiệt hại sản xuất, kinh tế rất lớn... trong khi khối này mới nuôi sống nền kinh tế.
Bạn đọc Tran Thanh (tran_3052@...) cho rằng: Nghỉ vừa đủ để tiết kiệm cho xã hội và mỗi gia đình khi chúng ta còn đang nghèo, năng suất lao động thấp, các doanh nghiệp tránh được việc chậm trễ hợp đồng, bản thân người lao động có lương đầy đủ, tránh tắc nghẽn giao thông, bớt ăn nhậu gây tai nạn, bớt bỏ việc... Công chức nghỉ dài ngày gây khó khăn cho mọi người khi cần giao dịch dân sự cũng như công việc sản xuất kinh doanh.
Bạn đọc Công Lý (ng.congly@l...) đề nghị: Chúng ta nên tập làm quen với việc nghỉ ít lại. Có thể có người quê ở xa, tết nghỉ bảy ngày vẫn là chưa đủ nhưng các bạn phải thừa nhận có rất nhiều người việc về quê là không quá khó khăn, thông thường chỉ mất vài giờ đến một buổi là đến. Nhiều bạn dù quê không xa, hoặc thậm chí chỉ cách chỗ làm vài ba kilômet vẫn cứ thích nghỉ nhiều rồi trong mấy ngày nghỉ nằm dài ở nhà ăn bánh mứt, nhậu nhẹt, đánh bài,... Tết vô thì uể oải, mệt mỏi.
"Vì vậy, tôi cho rằng nghỉ tết không nên quá dài (thời gian cụ thể thế nào ta nên nghiên cứu thêm), vừa giúp người lao động không quá chìm vào tư tưởng nghỉ ngơi (giảm năng suất lao động), lại giúp đảm bảo sức khỏe của họ hơn khi bắt đầu làm việc trở lại" - bạn đọc Công Lý viết.
Bạn đọc Đoàn Thị Minh Hải lưu ý: Đa số ngày cận tết tâm lý người dân sẽ không tập trung vào công việc, do vậy chất lượng công việc không đảm bảo. Và người dân cũng cần ý thức trong việc tham gia giao thông đảm bảo an toàn để hưởng những ngày tết thật trọn vẹn.
Bạn đọc Tran Teo nêu một ví dụ: Nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giao dịch của doanh nghiệp. Công chức nhà nước nghỉ vẫn hưởng trọn lương, còn người lao động ở doanh nghiệp tiền lương tinh theo ngày công. Nghỉ nhiều thì các giao dịch bị ách tắc, đình trệ. Các ngày cuối tuần, lễ tết, ngân hàng nghỉ, bưu điện không làm việc, mọi việc đều dồn qua sau lễ nên các doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn.
Viết trên fanpage của Tuổi Trẻ Online, bạn đọc Nhat Tien cho rằng: Nghỉ nhiều chẳng có lợi. Ngân hàng không làm việc thì muốn giao dịch sớm cũng không được. Chi phí mặt bằng kho bãi phải trả đều chứ đâu có được miễn phí.
Bạn đọc Dũng (dzung.ssvn@...) viết: Nếu bạn sống một mình trên núi thì nghỉ bao nhiêu ngày không quan trọng. Nhưng bạn là một phần của thế giới đang vận động không ngừng... Đừng bắt thế giới phải chờ để rồi hỏi tại sao họ lại bỏ đi. Bạn hàng xuất nhập khẩu không chờ bạn, doanh nghiệp FDI không chờ nổi nhân công quay trở lại... Và cả DN trong nước cũng khốn khổ vì cái tết dài thòng và mấy kỳ nghỉ một năm.
[poll width="400px" height="300px"]52[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận