Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc cho biết gia đình này có hai con trai và một người cha 87 tuổi. Người cha là ca tử vong do nhiễm virút H7N9 đầu tiên ở Trung Quốc hôm 4-3. Truyền thông Trung Quốc cho biết người cha không hề ra khỏi nhà trong suốt hai tuần trước khi nhiễm bệnh, sau đó năm ngày người con trai lớn của ông phải nhập viện với các triệu chứng viêm phổi và đã hồi phục, trong khi kết quả xét nghiệm của người con trai kế chưa có.
Trung Quốc lo lắng và trấn an dân
Ông Phùng Tử Kiện, giám đốc trung tâm y tế khẩn cấp của CDC, cho biết chính phủ nước này đang dự thảo nhiều kế hoạch ứng phó khi H7N9 trở thành dịch. “Chúng tôi đang tiếp tục điều tra liệu gia đình này có liên quan đến việc lây nhiễm từ người sang người hay không. Virút H7N9 chủ yếu truyền từ chim chóc, gia cầm sang người và trên lý thuyết có thể là từ người sang người nhưng chỉ có thể giới hạn trong một gia đình” - Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc dẫn lời ông Phùng Tử Kiện khẳng định.
WHO cử chuyên gia đến Trung Quốc Một nhóm gồm tám chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang được triển khai đến Trung Quốc để hỗ trợ nước này điều tra thêm về virút H7N9. Glenn Thomas, người phát ngôn của WHO, cho biết tổ chức này đã báo động về sự biến thể của virút H7N9 có thể gây ra hiện tượng lây truyền từ người sang người. |
Trong khi đó, ông Tăng Quang, chuyên gia dịch tễ học của CDC, khẳng định người nhiễm virút H7N9 có thể truyền virút này cho người khác trong một khoảng thời gian tương đối dài. Ông giải thích rằng chỉ những nhóm gen dễ tổn thương của các thành viên gần gũi trong cùng gia đình mới dễ dàng cho virút truyền từ người này sang người khác. “Người không nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trong dài hạn và không được che chắn bảo vệ trước những người bị nhiễm bệnh có thể dẫn tới lây từ người sang người” - Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời ông Tăng khẳng định.
Phức tạp và đang lan nhanh
Diễn biến cúm H7N9 đang phức tạp ở Trung Quốc khiến một bộ phận không nhỏ người dân đứng ngồi không yên. Chính Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 17-4 cũng phải cam kết sử dụng mọi nguồn lực y tế quốc gia để ứng phó với dịch cúm này. Tính đến ngày 18-4, số ca nhiễm H7N9 ở Trung Quốc đã tăng lên 82 người, trong đó có 17 ca tử vong.
Cho đến nay, giới quan chức y tế Trung Quốc vẫn khẳng định rằng khả năng virút H7N9 lan rộng trong cộng đồng người là rất thấp. Tuy nhiên, đại bộ phận dân nước này rất hoang mang bởi dịch bệnh lại đang lan rất nhanh và diễn biến phức tạp, chỉ trong vòng 24 giờ số người nhiễm virút H7N9 ở Trung Quốc tăng bình quân 5-10 người. Không chỉ xuất hiện ở sáu tỉnh miền đông mà còn đang lan sang cả các tỉnh miền trung cũng như tận miền bắc. Tính đến nay, số ca hồi phục chỉ dừng ở mức năm ca, trong đó có bệnh nhi 7 tuổi ở Bắc Kinh vừa được xuất viện ngày 17-4, hơn 60 người còn lại vẫn đang điều trị ở bệnh viện và một số trường hợp nguy kịch.
Nguồn gốc xuất phát kỳ quặc của virút H7N9 đang trở thành vấn đề quan tâm ở Trung Quốc hiện nay. Trong những ngày qua, người dân thị trấn Sơn Hóa, thành phố Yển Sư (tỉnh Hà Nam) trở nên bất an, khi có đến hơn 530 con heo và chó bất ngờ lăn ra chết chỉ trong vòng một đêm. Họ hoang mang lo lắng không biết sự kiện này có liên quan đến dịch cúm H7N9 đang lan rộng ở Trung Quốc hay không. Sở Y tế tỉnh Hà Nam nhanh chóng trấn an dư luận rằng họ đã loại trừ số heo và chó này chết do nhiễm virút H7N9, mà có khả năng do khí độc thoát ra từ nhà máy hóa chất trong vùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận