Lệ Xuân cùng chồng nhận huy chương tại Asian Para Games (Indonesia) tháng 10-2018 - Ảnh: NVCC
Gọi điện hỏi địa chỉ nhà, Xuân bảo: "Nhà em ở đường Nguyễn Văn Đậu, từ đường Phan Đăng Lưu chị rẽ trái rồi cứ đi thẳng, tới ngõ đó chị đi vào phía hông nhà thờ rồi nhìn sang phải nhé", tường tận, rõ ràng tới mức trong phút chốc tôi quên bẵng Xuân là người khiếm thị.
Vèo cái đã hơn bốn năm trôi qua từ ngày gặp Xuân cùng chồng thực hiện dự án tìm hiểu những việc người mù đã và đang làm, những việc người mù có thể làm để thiết lập bảng hỏi chi tiết giúp một người mù định vị được khả năng và đam mê, từ đó tìm sinh kế thích hợp.
Gặp lại, thấy mừng cho vợ chồng Xuân khi bước vào ngôi nhà nhỏ trong một xóm bình yên giữa Sài Gòn. Ở đó, vợ chồng Xuân và con gái bảy tuổi đang sống cùng ông ngoại.
Câu chuyện của chúng tôi quay về những kỷ niệm nhiều năm trước, rồi sôi nổi nói về niềm vui gần nhất của Xuân: 3 chiếc HCĐ cờ vua (2 HCĐ đồng đội và 1 HCĐ cá nhân) ở Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á hồi tháng 10-2018 tại Indonesia.
Cờ vua và mối lương duyên
11 năm trước, năm 2008, Đào Thị Lệ Xuân lần đầu tiên học chơi cờ ở Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Người dạy cô lúc đó không ai khác chính là Nguyễn Mạnh Hùng, người chồng sau này của Xuân.
Thế rồi không biết vì thầy hay cờ quá thuyết phục, Xuân bắt đầu mê cờ vua và chỉ một năm sau đã tham gia thi đấu giải cờ vua toàn quốc dành cho người khuyết tật tại Quảng Trị.
Từ đấu trường đầu tiên, Xuân liên tiếp giành giải thưởng và sau đó trở thành tuyển thủ của đội tuyển cờ vua người khuyết tật Việt Nam, thường xuyên tham gia các đấu trường khu vực và châu lục như Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á (Asian Para Games) và Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games).
Năm ngoái, vợ chồng Xuân cùng dự ASEAN Para Games, Hùng đoạt 2 HCB đồng đội, còn Xuân đoạt 1 HCB, 1 HCĐ đồng đội. Năm 2015, Xuân cũng đã đoạt huy chương ASEAN Para Games.
Sát cánh bên Xuân trong tất cả đấu trường ấy là chồng vì hai vợ chồng gần như luôn giành được vị trí trong danh sách tuyển thủ thi đấu, mặc dù Hùng thừa nhận thi thoảng anh vẫn thua vợ vì có nhiều lần Xuân được đi mà anh thì rớt!
Cờ vua từ lâu đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của hai vợ chồng. Ngoài lúc mỗi người tự luyện với máy, khi cần ôn tập, chia sẻ đấu pháp, họ lại ngồi với nhau bên những ô cờ đen trắng.
Không chỉ chơi cờ, Hùng còn chế tạo bàn cờ dành cho những người khiếm thị mà thoạt nhìn không dễ thấy sự khác biệt với những bàn cờ bình thường. Đây là chiếc bàn cờ mà Hùng tự hào vì người khiếm thị có thể xách nó đi chơi thoải mái với tất cả những bạn chơi sáng mắt.
Hùng còn viết sách Nhập môn cờ vua cho người khiếm thị, giúp người mù biết chơi cờ vua theo cách đơn giản, hiệu quả nhất.
Nguyễn Mạnh Hùng thi đấu cờ vua tại Asian Para Games - Ảnh: NVCC
Vợ chồng mê học, mê làm
Năm nay 33 tuổi, Xuân bị mù từ năm lên 3 vì chứng ung thư võng mạc. Những năm 1990, Đào Thị Lệ Xuân là học sinh khiếm thị đầu tiên của tỉnh Bắc Giang được học hòa nhập cùng các bạn sáng mắt suốt từ cấp 1 tới hết cấp 2. Tuy nhiên, tới cấp 3 việc học bị đứt đoạn.
Cơ duyên tới khi Hội Người mù tỉnh Bắc Giang giới thiệu Xuân với các xơ của Mái ấm huynh đệ Như Nghĩa thuộc nhà dòng ở đường Nguyễn Thị Tú, phường Vĩnh Lộc B, huyện Bình Tân.
18 tuổi, Xuân khăn gói một mình vào Sài Gòn học tiếp cấp 3, rồi được tuyển vào ĐH Sư phạm TP.HCM. Sau này, Xuân tiếp tục lấy thêm văn bằng hai ngữ văn Anh tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM).
Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1983 tại TP.HCM và là một bé trai khỏe mạnh bình thường. Bước ngoặt cuộc đời đến vào năm 11 tuổi. Biến chứng của bệnh lao màng não đã khiến anh vĩnh viễn không thấy ánh sáng.
Được trời thương cho giữ lại trí não bình thường, Hùng miệt mài học tập và đã tốt nghiệp bằng giỏi khoa tâm lý ĐH Văn Hiến TP.HCM. Với tấm bằng này cùng chứng chỉ IELTS 4.5, Hùng được tuyển thẳng học tiếp lên thạc sĩ năm 2011.
Hùng hiện đang là phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và công nghệ trợ giúp người mù Sao Mai, một trung tâm hỗ trợ miễn phí việc cung cấp kiến thức công nghệ và tư vấn hướng nghiệp cho người khiếm thị.
Giúp người mù sống độc lập
Hùng chia sẻ từ ngày lấy Xuân, anh nhận ra bấy lâu nay anh vẫn sống quá lệ thuộc vào người khác. Bị mù từ năm 11 tuổi, anh may mắn được gia đình chăm lo, bảo bọc, một bước ra đường cũng có người kèm cặp, lo lắng.
Còn vợ anh, cô gái quê Bắc Giang, năm 18 tuổi một mình vào Sài Gòn theo học tiếp chương trình cấp 3, phải tự thân lo toan mọi thứ từ ăn ở, đi lại. Cùng cảnh ngộ khiếm thị, hai mảnh ghép cuộc đời đã gặp nhau qua mối lương duyên cờ vua, qua khát vọng vươn lên của ý chí, nghị lực.
Hùng là người luôn có rất nhiều ý tưởng, đặc biệt là ý tưởng giúp cải thiện cuộc sống người mù. Không chỉ nghĩ ra chuyện chế bàn cờ vua cho người mù, anh còn làm bộ tú lơ khơ có in chữ braille ở góc con bài giúp người mù chơi bài thoải mái.
Thấy vợ có thể chủ động một mình đưa đón con đi học, đi khám bệnh, Hùng nhận ra người mù hoàn toàn có thể có một cuộc sống độc lập nếu nhận được sự hỗ trợ ban đầu nhất định.
Thế là cùng nhau, vợ chồng Xuân - Hùng đang ấp ủ triển khai dự án cung cấp dịch vụ hỗ trợ người mù có cuộc sống độc lập. Bắt đầu từ chính những trải nghiệm trong cuộc, họ hiểu rõ một người mù cần học những gì để có thể độc lập trong cuộc sống.
Họ ấp ủ triển khai dịch vụ cung cấp kiến thức, kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống thường nhật, giúp người mù biết sử dụng các thiết bị gia dụng, đi lại trên đường...
Chiều đó tới thăm vợ chồng Xuân, khi đang lúi húi dọn đồ ra về, thấy trời nổi dông lớn, tôi buột miệng hỏi: "Trời mưa chưa Xuân ơi?".
Rồi khi Xuân đáp: "Em nghe tiếng gió mà không trông thấy gì nên chưa biết đã mưa chưa", tôi mới ngớ người, lại một lần nữa trong buổi chiều nay tôi thực sự đã quên em là người khiếm thị.
Hát để giúp bạn
Tháng 6-2018, Xuân tham gia chương trình Hát mãi ước mơ để giúp người bạn gái Mã Thị Hồng Phấn từng làm chung với Xuân ngày trước tại nhà hàng Noir. Phấn mất thị lực gần như hoàn toàn và đang phải một mình nuôi con nhỏ sau khi cha đứa bé bỏ đi.
Với giải nhì tại cuộc thi Hát mãi ước mơ tập 14 mùa 2, Xuân đã có được một khoản tiền giúp bạn.
Hùng ủng hộ vợ chuyện này và chia sẻ với tôi: "Bọn em dù sao cũng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người mù khi không phải thuê nhà và còn có người thân ở gần, nhiều người mù khác đang sống rất chật vật, bọn em muốn giúp thêm các bạn của mình được chút nào hay chút nấy".
Ngoài việc đảm nhiệm cương vị phó chủ tịch Hội Người mù quận Bình Thạnh, Xuân còn dạy thêm tiếng Anh, tiếng Trung tại nhà và dịch sách, dịch những tài liệu giáo dục đặc biệt phục vụ cộng đồng người khiếm thị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận