01/01/2019 06:07 GMT+7

Nghị lực phi thường, yêu thương bất tận

TRẦN MAI - QUỐC NAM
TRẦN MAI - QUỐC NAM

TTO - Mỗi người tưởng chừng như đã rơi vào tận cùng khó khăn, tận cùng đau khổ, song họ đã vượt qua bằng nghị lực và lòng yêu thương, bước tiếp vững chãi. Dưới đây là những câu chuyện mà họ chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ đầu năm mới...

Họ đang sống như thế nào và ước nguyện gì trong năm mới 2019? Viết tiếp câu chuyện của họ trong ngày đầu năm mới 2019 cũng là lời cảm ơn mà những người làm báo Tuổi Trẻ gửi đến bạn đọc.

Chúng tôi sẽ không thể thay đổi số phận nếu không có bạn đọc gắn bó và chia sẻ với tờ báo, với những nhân vật, những cuộc đời. Trân trọng cảm ơn bạn đọc!

Trang không còn cô độc

nguyễn-bảo-trang

Nguyễn Bảo Trang - Ảnh: TRẦN MAI

Gặp lại Nguyễn Bảo Trang - cô sinh viên khoa văn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - với nụ cười tươi, hành trình cô độc giữa đời của Trang đã thuộc về quá khứ.

Cuộc sống của Trang đã khác sau bài viết "Không gục ngã" - Tuổi Trẻ ngày 7-8-2018. Nhiều tấm lòng đến với Trang: những động viên, những khoản chi phí cho việc học tập được sẻ chia từ những người Trang chưa được biết mặt. Trang khép mình, ít nói cười ngày xưa đã tự tin mở lòng mình với cuộc đời.

Những cô chú từng là học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) đang sống tại TP.HCM tổ chức giải tennis mang tên "Cúp Không gục ngã", Trang đến dự và đã khóc. Một thời gian dài nước mắt Trang không thể chảy ra (kể cả lúc đơn độc, hoảng sợ nhất), nhưng lần ấy Trang đã khóc.

"Lúc mọi người nói tinh thần của tôi là động lực cho họ, lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự quan tâm đến vậy" - Trang trải lòng.

Thói quen đan hai tay vào nhau bây giờ cũng đã không còn. Ngồi đối diện tôi là một cô gái tự tin, đầy hoài bão tương lai. Trang hào hứng kể về những ngày ở giảng đường. Thầy cô, bạn bè, mọi người thương yêu, đó là điều quý nhất với Trang.

Trong danh bạ của Trang còn lưu số những người hảo tâm từng muốn giúp nhưng Trang đã cảm ơn và từ chối. Khi đã đủ chi phí đầu năm học, Trang xin không nhận thêm. Mọi người căn dặn: khi nào khó khăn hãy gọi cho họ.

Trang không mong ngày đó, Trang muốn tự mình vượt qua. Nhưng Trang lưu lại số vì suy nghĩ thật ấm áp: "Kết thúc học kỳ, tôi sẽ liên hệ đến từng cô chú từng động viên tôi để thông báo kết quả. Tôi chẳng có gì để báo đáp mọi người, chỉ còn cách thông báo để mọi người biết tôi đang sống tốt".

Trang đã mua cho mình một chiếc xe máy cũ từ số tiền được tặng. Trang dự tính chạy xe ôm công nghệ, tích góp tiền mua máy tính xách tay và máy ảnh. "Tôi sẽ tập viết báo, nếu sau này trở thành phóng viên, tôi mong sẽ góp sức thay đổi cuộc đời của người khác như cách báo Tuổi Trẻ đã giúp tôi" - Trang chia sẻ.

Tạm cất gánh lo

nguyễn-tấn-thành

Hiếu tử Nguyễn Tấn Thành ra chợ mua quần áo mùa đông cho ba mẹ - Ảnh: TRẦN MAI

Chàng sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Tấn Thành giờ khác với ngày Thành xin được nhường suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cho người khác, vì cha Thành đổ bệnh trước ngày nhập học. Bài viết "Thành - chàng trai hiếu tử" (Tuổi Trẻ ngày 4-9-2018) đã chạm đến trái tim của độc giả, triệu tấm lòng đã chung lại đưa Thành đến giảng đường.

Trong buổi trao học bổng, bất ngờ một nhà hảo tâm cảm phục tấm lòng hiếu thảo của chàng trai trẻ đã quyết định trao học bổng cho Thành mỗi tháng 5 triệu đồng suốt 4 năm ĐH.

"Đó là khoảnh khắc đã thay đổi cuộc đời tôi. Gánh nặng tiền thuốc cho ba mẹ nhẹ hơn. Cũng hôm đó, chú Vương (đại úy Cao Tấn Vương, chính trị viên hải đội 2 Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi) hứa sẽ vận động chiến sĩ đơn vị và hàng xóm lo cho ba mẹ. Nhờ vậy mà tôi an tâm học đến giờ" - Thành trải lòng.

Năm tháng trên giảng đường, Thành đã tìm việc làm thêm để tự lo cho mình, số tiền được tặng Thành cố gắng không dùng đến. "Ba mẹ vẫn cần thuốc cả đời" - Thành nói.

Tạm cất gánh lo đi, Thành thêm vững chãi. Giờ Thành có tiền để dành, tăng thêm 4kg. Những ngày này quê nhà Quảng Ngãi rét run người, Thành mang tiền mình dành dụm được lên chợ Quảng Ngãi mua cho ba mẹ những bộ quần áo mới.

Lúc Thành lựa áo, bà Đoàn Thị Hồng Duẫn, chủ cửa hàng, đã kịp nhận ra khách hàng trước mặt chính là "Thành - chàng trai hiếu tử" và khuyến mãi đặc biệt khi chỉ tính giá gốc, còn động viên Thành cố gắng học để lo cho ba mẹ sau này.

Nỗi lo lớn nhất của Thành vẫn là bệnh tật của ba mẹ. Có tiền mua thuốc thường xuyên, bệnh tình cha mẹ Thành có khá hơn. Thành vẫn ước cha sẽ tỉnh táo hoàn toàn, có một loại thuốc trị được bệnh Parkinson và tai biến của mẹ.

Đi đâu, làm gì Thành cũng nghĩ về cha mẹ. Quyết tâm năm mới: nỗ lực trong học tập cũng chỉ để tháng ngày sau này có điều kiện chăm sóc ba mẹ.

"Tôi kính chúc các cô chú mạnh thường quân một năm mới mạnh khỏe và thành đạt. Tôi sẽ học tốt, sau này ngoài phụng dưỡng ba mẹ, tôi hi vọng mình sẽ giúp đỡ những em có hoàn cảnh như tôi. Đó cũng là cách tôi trả ơn mọi người" - Thành tâm sự.

Còn mãi Kỳ Tích trên đời

kỳ-tích

Bé Kỳ Tích trong vòng tay bà ngoại - Ảnh: TRẦN MAI

Câu chuyện thần kỳ về người mẹ Lê Thị Tú Cẩm (bài "Vượt qua cái chết, Kỳ Tích ra đời", Tuổi Trẻ ngày 17-8-2018) đã dừng lại. Tú Cẩm đã qua đời hơn một tháng trước.

Không có thêm kỳ tích cho Tú Cẩm trước căn bệnh "co cơ tủy tiến triển", nhưng bé Kỳ Tích do cô sinh ra vẫn cất tiếng mỗi ngày. Sau 5 tháng, bé Kỳ Tích giờ đã 7kg, bụ bẫm trong vòng tay ông bà ngoại.

Ông Lê Hải, cha Tú Cẩm, cho biết: tên khai sinh của cháu là Lê Thanh Xuân. Đây là nguyện vọng của Tú Cẩm. "Ý của Cẩm muốn con gái sau này sẽ có một tuổi trẻ thật đẹp và hạnh phúc" - ông Hải nói.

Người làng vẫn gọi bé là Kỳ Tích, bé rất ngoan ngoãn. Trời trở rét to, ngôi nhà cấp 4 lưng tựa núi, mặt chạm sông Phước Giang (xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) của ông Hải đóng cửa giữ ấm cho cháu ngoại.

Tuổi mới, ông Hải và vợ ông, bà Thu, mong có sức khỏe để chăm sóc cháu. Mùa đông rồi sẽ tàn, nhường chỗ cho mùa xuân ấm áp. Khi Tú Cẩm bị bệnh, ông Hải đã bán hết những gì có thể bán để nuôi con.

"Hiện gia đình tôi vẫn còn khoảng 500 triệu đồng từ sự tiếp sức của nhà hảo tâm. Tôi sẽ mua lại bò, heo, gà nuôi để có tiền chăm cháu sau này nữa" - ông Hải tâm tình.

Giấc mơ của Hiền Cẩm

hiền-cẩm

Mai Thị Hiền Cẩm - Ảnh: QUỐC NAM

Tháng 10-2018, Mai Thị Hiền Cẩm, cô sinh viên trong câu chuyện "Cõng mẹ lên giảng đường" (Tuổi Trẻ 25-8-2018) đã vĩnh viễn xa mẹ. Cẩm đã phải buông bàn tay mẹ sau hai tháng đưa mẹ từ vùng núi Đakrông, Quảng Trị vào thành phố Huế, vừa theo học đại học vừa chăm sóc mẹ.

Lo đám tang mẹ xong, Cẩm lại khăn gói vào Huế học. Đó là những ngày Cẩm vùng vẫy để thoát ra sự cô độc mà chỉ mình Cẩm mới hiểu.

Câu chuyện của hai mẹ con Cẩm lay động trái tim bạn đọc Tuổi Trẻ. Bạn đọc mọi miền chia sẻ, góp sức cho em. Cẩm tạm thời không phải lo chuyện cơm áo hằng ngày, tập trung lo chữa bệnh cho mẹ. Dù biết bệnh của mẹ đã đi đến cuối đường, Cẩm vẫn làm mọi cách níu giữ mẹ bên mình.

18 năm chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Vì vậy, Cẩm đã hụt hẫng suốt mấy tuần liền sau khi mẹ mất. Có lúc Cẩm đóng cửa ngồi một mình trong phòng trọ sau giờ học. Nhiều tin nhắn động viên chia sẻ của bạn đọc gửi đến với Cẩm. Dần dà, Cẩm cân bằng cuộc sống. Mỗi ngày đi học về lại có nhiều bạn bè quan tâm hỏi thăm.

"Những người giàu lòng nhân ái đã giúp em vượt qua những thử thách của số phận. Mong muốn lớn nhất của em trong năm tới, sau khi mãn tang mẹ là làm một "ngôi nhà" khang trang hơn cho mẹ. Đời mẹ đã quá cơ cực vì phải ở "ké" và ở suốt trong bệnh viện rồi" - Cẩm nói.

Trái tim người mẹ

phạm-thị-cúc

Hạnh phúc của người mẹ "nghìn ngày cứu con" Phạm Thị Cúc - Ảnh: TR.MAI

Người mẹ "Nghìn ngày cứu con" (Tuổi Trẻ ngày 20-10-2018) đã bước sang tuổi 68. Ngôi nhà ở thôn Khánh Lạc (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) những ngày cuối năm rộn tiếng nói ngọng nghịu của chàng trai Lê Văn Thanh.

Sau thời gian phục hồi chức năng tại TP.HCM, bà Phạm Thị Cúc đưa con trai trở về lại quê nhà. Anh Thanh đón tuổi 35 với đôi chân cứng cáp hơn, có thể cùng mẹ ra chợ. Bà Cúc cho biết: "Thanh giờ nói đỡ ngọng hơn, trí nhớ tốt hơn. Có thể nhớ được nhiều người trong làng hơn trước nhiều".

Đưa con rời khỏi bệnh viện, bà vẫn hình dung sức vóc to lớn như lực sĩ của con và bền bỉ dìu con bước đi trên những con đường làng. "Tôi tin là con sẽ trở lại bình thường. Những tháng ngày cực khổ nhất còn qua được thì giờ sao lại không tin" - bà Cúc nói.

Bà vẫn chưa tháo những chiếc đinh y học trên vai ra. Bà vẫn chịu đựng cơn đau, bà sợ thời gian mình nằm viện không ai dìu con tập đi sẽ lỡ mất cơ hội phục hồi của con trai. Với bà, ngày nào con trai chưa lành lặn, bà chưa thể an tâm rời con dù chỉ một ngày.

Cơn đau còn đó, nhưng nợ nần trăm triệu giờ đã được giải quyết nhờ sự chia sẻ của cộng đồng, sự chung tay từ những người hảo tâm. Ngày cuối năm 2018, bà Cúc hỏi con trai muốn mẹ tặng gì và nhận được từ con trai những mong muốn tựa trẻ thơ: "Mẹ dẫn ra chợ ăn chè", nghe được nhiêu đó đã là hạnh phúc lớn với bà.

Không gục ngã Không gục ngã

TT - Mồ côi, nhà nghèo, nhiều tân sinh viên ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhận giấy báo đại học mà vừa mừng vừa lo...


TRẦN MAI - QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên