Tùy theo cách tổ chức có trường tưng bừng rộn ràng, có trường trầm trầm lắng lắng với những khoảng lặng như để mỗi tân sinh viên kịp dừng lại trong khoảnh khắc trước khi bước trên con đường mới.
Phần lớn những buổi chào đón tân sinh viên ấy đều có bàn tay “đạo diễn” của cán bộ Đoàn - Hội, chính là các anh chị đi trước.
Một khi cán bộ Đoàn - Hội chịu khó nghĩ một chút, tư duy một chút hẳn sẽ có cái mới. Nhắc chuyện này là bởi vì mới đây thôi, trong hội nghị cán bộ Đoàn trường học, Hội Sinh viên toàn quốc, nhiều phát biểu khiến không ít người ngỡ ngàng, nếu nhìn từ góc độ tư duy.
Chuyện thứ nhất: Chủ tịch hội sinh viên một trường đại học khu vực phía Bắc đã đề nghị trung ương hội sinh viên VN phải ra công văn, gửi về chỉ đạo ban giám hiệu các trường, chỉ đạo hội sinh viên trường tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên vì nếu không có chỉ đạo từ trung ương thì các trường khó xoay xở, làm mất cơ hội của sinh viên.
Khoan nói về việc ra công văn chỉ đạo chuyện này có ổn không thì đã thấy ngay chuyện bị động của hội ngay tại cấp trường. Bởi thực tế đã có hàng trăm, hàng ngàn ngày hội việc làm cho sinh viên do chính Đoàn - Hội sinh viên các trường tự tổ chức.
Có nơi còn chủ động kết hợp với bộ phận truyền thông, quan hệ doanh nghiệp của trường cùng làm, đem đến rất nhiều cơ hội việc làm cụ thể cho sinh viên trường mình.
Chuyện thứ hai: Cán bộ một tỉnh đoàn nói rằng tỉnh mình không tuyên dương được “Học sinh 3 rèn luyện” dành cho học sinh trung cấp nghề dù tỉnh cũng có trường trung cấp nghề. Lập luận này cho rằng trường trung cấp nghề ấy trực thuộc Đoàn của thành phố thuộc tỉnh, nên tỉnh đoàn không tuyên dương được.
“Vậy đoàn viên sinh hoạt trong trường trung cấp ấy có tính vào lực lượng đoàn viên của tỉnh, tổ chức Đoàn của thành phố kia có trực thuộc tỉnh đoàn?”. “Dạ, có chứ ạ nhưng tuyên dương cứ thấy thế nào ấy nên chưa làm được”!?
Hai câu chuyện giống hệt nhau ở tư duy: tư duy hành chính hóa phong trào. Phong trào theo phân cấp quản lý, phải có chỉ đạo tưởng cũ mà còn tồn tại khá nặng nề ở nhiều nơi. Không ai chờ chỉ đạo, mà có lẽ cũng chẳng hội sinh viên nào lại đi chỉ đạo một việc hoàn toàn trong tầm tay.
Hay như chuyện tuyên dương “Học sinh 3 rèn luyện”, thật ra vấn đề không phải là trường thuộc thành phố hay thuộc tỉnh quản lý mà nằm ở chỗ chưa chủ động định ra tiêu chí xét chọn, tuyên dương, cũng như chưa tạo được môi trường cho các bạn rèn luyện đạt danh hiệu. Cái gì kho khó cứ tạm thời cho qua là xong!?
Đầu năm học mới, cũng là khởi động một mùa hoạt động mới của phong trào sinh viên, nhất là khi những hoạt động ấy đang hướng đến kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống học sinh - sinh viên sắp tới thì yêu cầu làm mới tư duy, đổi thay góc tiếp cận với mỗi cán bộ càng trở nên cấp thiết.
Phong trào sẽ thay đổi khi tư duy của cán bộ làm phong trào được thay. Chẳng có việc gì khó khăn và nặng nề nếu cán bộ phong trào không nghĩ như thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận