28/12/2011 07:59 GMT+7

Nghĩ khác và làm khác

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Vở kịch “thí tốt” của bóng đá thế là đã phá sản. Một khi ông Trần Quốc Tuấn - trưởng đoàn U-23 tại SEA Games - phải rời ghế tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), thì việc sa thải hay không sa thải HLV Falko Goetz không phải là quan trọng. Người hâm mộ bóng đá nước nhà đã thỏa mãn một phần, ở chỗ tiếng nói của mình đã được lắng nghe, thể hiện qua làn sóng bức xúc dội về Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Tổng cục TDTT.

Còn một phần nữa, đó là người ta đang mong chờ những chai “rượu tự trọng” của Hội cổ động viên sẽ phát huy tác dụng đối với các ủy viên ban chấp hành VFF.

Câu chuyện quan trọng giờ đây ở VFF là tìm ai thay thế ông Tuấn ngồi vào ghế tổng thư ký. Nhưng tìm ai bây giờ? Hết người rồi”! Đó là câu hỏi và cũng là lời than mà chúng tôi nghe được từ rất nhiều vị có trách nhiệm với thể thao nói chung, bóng đá nước nhà nói riêng khi hỏi đến việc tìm tổng thư ký.

Vâng, nếu chỉ nhìn trong làng bóng đá Việt Nam hiện nay thì quả là hết người để chọn mặt gửi vàng vào vị trí tổng thư ký - vai trò được ví như trái tim của một tổ chức liên đoàn.

Nhưng tại sao lại cứ phải nhìn quanh quẩn trong làng bóng đá? Khi tự đặt ra câu hỏi này, tôi chợt nhớ đến bài học từ ông Peter Sommertein - một giảng viên giỏi của báo chí Thụy Điển, chuyên tư vấn cho các tập đoàn báo chí, giảng dạy cho các lớp đào tạo - đó là phải luôn nỗ lực “nghĩ khác, làm khác”. Theo ông Peter, con người ta thường hay bị đóng khung trong suy nghĩ, hành động, chính vì vậy “nghĩ khác, làm khác” là bí quyết để giúp con người luôn tự làm mới mình.

Nếu “nghĩ khác và làm khác” trong việc chọn người cho ghế tổng thư ký VFF, ắt chúng ta sẽ thấy sự vô lý trong việc cứ quanh quẩn tìm người trong làng bóng đá. Phải chăng phải biết lịch sử phát triển của chiến thuật bóng đá, phải biết đá má trong, má ngoài... là như thế nào mới làm được tổng thư ký? Lịch sử thể thao Việt Nam ghi nhận một nhân vật đã góp công rất lớn cho sự phát triển bóng đá nữ, xe đạp nữ, sport aerobic... là ông Trần Thanh Ngữ - vốn là một dược sĩ! Vâng, chẳng có bằng tiến sĩ bóng đá nhưng ông Tư Ngữ đã giúp hồi sinh bóng đá nữ Việt Nam, dẫn đoàn đi dự SEA Games thì tất cả cùng dốc hết sức vì màu cờ sắc áo. Nếu ngày ấy, TP.HCM mà đòi một vị trưởng phòng thể thao của một quận lớn như Q.1 phải là dân thể thao, có bằng này cấp nọ chuyên ngành thể thao, thì chúng ta đã không có được một người làm thể thao kiệt xuất như ông Tư.

Hay thuyết phục hơn nữa là trường hợp Sepp Blatter - chủ tịch FIFA, người được đào tạo chuyên ngành kinh tế và quản trị kinh doanh, hoàn toàn không có bằng tiến sĩ bóng đá như kiểu ở ta. Dù ông Blatter còn có vấn đề này nọ, nhưng không thể phủ nhận FIFA trong tay ông đã phát triển rực rỡ.

Đã đến lúc VFF cần phải “nghĩ khác và làm khác” để thoát khỏi việc đóng khung trong bốn bức tường bóng đá.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên