14/08/2018 10:29 GMT+7

Nghẹn ngào với Nguồn sáng trong đời của Lưu Quang Vũ

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Lặng. Nghẹn ngào. Mỗi đêm vở kịch Nguồn sáng trong đời của tác giả Lưu Quang Vũ vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn trong tuần qua tại Hà Nội đều đem đến cho khán giả những cảm xúc nghẹn lòng như thế…

Nghẹn ngào với Nguồn sáng trong đời của Lưu Quang Vũ - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Tô Dũng (Toàn, trái) và nghệ sĩ Minh Hoàng (Lê Chí) đã có vai diễn thành công trong Nguồn sáng trong đời - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

Từng được đạo diễn Nguyễn Đình Nghi và đạo diễn Tú Mai dàn dựng, dịp này vở kịch 34 tuổi ấy tiếp tục có phiên bản mới của NSND Hoàng Dũng. 

Gọn gàng trong chừng hơn 100 phút từ một kịch bản dài gần 60 trang, song về cơ bản, bản dựng này vẫn bám sát kịch bản văn học.

Xoay quanh những nhân vật như cựu chiến binh - họa sĩ Lê Chí cùng vợ là Oanh, cựu chiến binh - kỹ sư xây dựng Toàn cùng vợ là Lâm và các bác sĩ Thành, Điền, y tá Bích...; Nguồn sáng trong đời kể câu chuyện rất thời sự - câu chuyện về quá trình đem lại ánh sáng cho đôi mắt bị mù của Lê Chí.

Hành trình ấy gặp đầy những rào cản về quan niệm giữa lúc chuyện hiến tặng giác mạc mới bắt đầu được người đời nghe nói đến...

Cũng ở vở kịch này còn là cuộc đấu tranh tư tưởng của kỹ sư Toàn trước cái chết khi mắc bệnh hiểm nghèo: chết phải được toàn thây hay chết để đem lại nguồn sáng cho người khác?

Khán giả dường như đã quên đi một không gian sân khấu với cách thiết kế không có gì mới hay âm nhạc không có nhiều ấn tượng, mà ngay từ đầu đã đắm chìm từ nỗi buồn này đến nỗi buồn khác.

Và các diễn viên trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam như Minh Hoàng (Lê Chí), Tô Dũng (Toàn), Hồng Quang (bác sĩ Thành), Tuyết Trinh (y tá Bích)..., nhất là Lâm Duyên (Oanh), Ngô Thuận (Lâm) đã có những vai diễn thật tròn trịa. Oanh, Lâm luôn phải giấu đi những nỗi buồn không thể cất thành lời mà vẫn bừng sáng bao khát khao, hi vọng...

Lối diễn khóc mà không bật thành tiếng, đớn đau mà không một lời thở than của Ngô Thuận, Lâm Duyên đã lấy đi bao nước mắt khán giả.

Lại khó mà quên những nhân vật của Lưu Quang Vũ - những Lê Chí, Toàn hay Thành luôn mang những trăn trở, ưu tư về quan niệm sống - chết để được cống hiến.

Nhiều lời thoại được khán giả tâm đắc nhắc lại với nhau sau đêm diễn: "Luật lệ! Chúng ta lo bảo vệ cho người chết chu đáo hơn săn sóc cho người sống thì phải..."; "Bất cứ thành tựu khoa học nào cũng phải dựa trên một thành tựu cao hơn, quan trọng hơn, đó là: lòng tốt của con người. Nếu không, tất cả đều vô nghĩa, bất lực..."; "Nghệ thuật là sự hoàn thiện.

Dù anh là ai chăng nữa, cũng không được phép đưa ra trước công chúng một thứ không hoàn thiện. Một bài thơ dở không thể gọi là một bài thơ hay, dù người viết ra nó có phẩm chất, có thành tích đến mấy"...

Ban đầu, NSND Hoàng Dũng dự định dàn dựng kịch bản Người tốt nhà số 5 của Lưu Quang Vũ nhưng sau đổi sang vở Nguồn sáng trong đời.

Theo ông, tính thời sự trong vở này đầy đặn hơn. "Vở kịch này được Lưu Quang Vũ viết cách đây mấy chục năm nên để bắt nhịp với cuộc sống hôm nay, tôi đã biên tập lại, lược bớt những chi tiết xưa cũ, đẩy nhanh tiết tấu mà vẫn giữ được hồn cốt của kịch bản” - NSND Hoàng Dũng nói.

Những đêm kịch nhớ Lưu Quang Vũ Những đêm kịch nhớ Lưu Quang Vũ

TTO - Tháng 8 này ghi nhớ 30 năm ngày mất của tác giả tài hoa Lưu Quang Vũ. Nhưng kịch của ông chưa từng cũ, vẫn nóng hôi hổi với mạch đời. Và từ ngày 4-8, khán giả yêu kịch ở Hà Nội sẽ được “gặp lại” tác giả Lưu Quang Vũ tại Nhà hát Tuổi Trẻ.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên