20/01/2021 22:13 GMT+7

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Lòng kiêu hãnh đã cho tôi sức mạnh

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Danh cầm khẳng định chính lòng kiêu hãnh ngầm mà bố đã truyền cho mình từ thuở niên thiếu đã giúp ông chiến thắng trong cuộc thi Chopin năm 1980 tại Ba Lan.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Lòng kiêu hãnh đã cho tôi sức mạnh - Ảnh 1.

Đặng Thái Sơn cảm động và suy tư trong suốt buổi ra mắt sách của bố mình - Ảnh: T.ĐIỂU

"Lúc đó tôi chỉ hoàn toàn đơn thương độc mã, chính lòng kiêu hãnh đã cho tôi sức mạnh", Đặng Thái Sơn kết thúc đoạn chia sẻ về bố mình, về gia đình và về mình trong buổi ra mắt sách Đặng Đình Hưng - Một bến lạ chiều tối 20-1 tại Hà Nội.

Tràng vỗ tay của khán giả kéo dài rất lâu trong khán phòng Viện Pháp tại Hà Nội chật kín người sau tâm sự xúc động của nghệ sĩ về người bố tài năng nhưng chịu nhiều truân chuyên.

Danh cầm tâm sự khi ông chưa lọt lòng thì bố đã đặt tên ông là Đặng Thái Sơn: không chỉ là hình ảnh núi Thái Sơn mà còn là sự bình đẳng rất tân tiến của bố ông khi đưa họ Thái của mẹ ông vào bên cạnh họ Đặng.

Ca sĩ Giang Trang đọc trích đoạn bài Ô mai trong buổi ra mắt sách - Video: T.ĐIỂU

Đặng Thái Sơn là con út trong một gia đình có tới 5 người con chung, riêng của bố và mẹ. Khi ông còn nhỏ, cả gia đình đông đúc sống trong căn nhà nhỏ đi thuê trên phố Tống Duy Tân. Mẹ là cô giáo dạy đàn, các anh chị đều được học đàn, nhưng đến Đặng Thái Sơn, bố mẹ lại dự định không cho học đàn nữa vì "nhà đã quá ầm ĩ".

Nhưng thấy cậu con út thường lân la khám phá cây đàn, họ đã thử xem con mình có lỗ tai chơi đàn không. Sau phép thử ấy, ông thấy bố mẹ thì thầm bàn bạc về mình, rồi bố kẻ dòng nhạc cho ông học đồ rê mi fa sol.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Lòng kiêu hãnh đã cho tôi sức mạnh - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn cúi đầu nghe thơ của bố do Giang Trang và nhà thơ Hoàng Hưng đọc - Ảnh: T.ĐIỂU

Trong căn nhà tuổi thơ của Đặng Thái Sơn còn có những cuộc đọc thơ văn thăng hoa của bố và nhóm bạn trong căn phòng làm việc 4m2. Những lúc ấy Đặng Thái Sơn thường đứng ngoài ngóng vào, rất muốn "xem bên trong đó có gì" mà khiến các bác hăng say đến thế.

Tuy không có nhiều thời gian sống cùng với bố nhưng ĐặngThái Sơn cho biết con người, cách sống và nghệ thuật của ông đều chịu ảnh hưởng từ người bố tài năng. Ông rất nghe lời bố, hầu hết các bài học của bố từ cách sống, tư duy nghệ thuật đến tư thế ngồi đàn… ông đều răm rắp nghe theo.

Và bài học quan trọng mà ông rất ghi nhớ là: "Trong cuộc sống hay nghệ thuật phải chân thật, không qụy lụy, phải giữ lòng kiêu hãnh mạnh mẽ ở bên trong mình".

Duy nhất một bài học của bố mà Đặng Thái Sơn không học được, đó việc đi đứng cho thật đường vệ. Kể đoạn này, nghệ sĩ thị phạm trên sân khấu khiến khán giả cười ồ.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Lòng kiêu hãnh đã cho tôi sức mạnh - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc trình diễn bản nhạc do ông Phúc viết từ cảm hứng của ông với thơ Đặng Đình Hưng - Ảnh: T.ĐIỂU

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn cũng kể về những khúc bi thương của bố. Ấy là khi bố mẹ ông ly dị vì cá tính hoàn toàn trái ngược, nhưng cũng có phần nhỏ là "để hợp thức hóa" cho ông đi du học nước ngoài.

"Cuộc ly hôn đã dẫn đến sự suy sụp của cả hai. Bố cần hậu phương vững chắc, nên sau cuộc ly hôn cụ suy sụp đến mức gần như biến thành một người vô gia cư, ốm đau bệnh tật. Còn má tôi cần cái đầu của bố để tham mưu cho má mọi ứng xử trong cuộc sống vì kỹ thuật giao tiếp, ứng xử xã hội của má tôi là zero", nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tâm sự.

Năm 1980, đúng ngày Đặng Thái Sơn thi chung kết giải Chopin, bố ông nhập viện lao phổi, coi như nằm chờ chết. Giải Chopin của ông đã cứu cả gia đình.

Bên cạnh những chia sẻ về bố và gia đình, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn cùng nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc trình diễn bản nhạc do ông Đặng Hữu Phúc viết từ cảm hứng với thơ Đặng Đình Hưng và về hai bố con.

Sau đó ông chơi bản nhạc Adagio của Bach dành riêng cho bố và đề nghị khán giả không vỗ tay khi ông chơi xong.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Lòng kiêu hãnh đã cho tôi sức mạnh - Ảnh 5.

Đặng Thái Sơn chơi bản nhạc Adagio của Bach dành riêng cho bố - Ảnh: T.ĐIỂU

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau buổi ra mắt sách, Đặng Thái Sơn cho biết ông chọn bản nhạc này vì âm nhạc của Bach đầy cảm xúc và sâu thẳm, như tâm hồn và thơ của Đặng Đình Hưng. Bản nhạc cũng là tâm tình của ông với bố, một cuộc trò chuyện không lời nhưng chất chứa nhiều tâm tư của ông gửi đến bố ở cái tuổi ông đã có thể thấm được cái thăm thẳm của bố mình.

Tại buổi ra mắt sách, các nhà nghiên cứu đều khẳng định thơ Đặng Đình Hưng khó đọc nhưng là những sáng tạo vượt thời đại. Nhà nghiên cứu phê bình văn học Đỗ Lai Thúy có nghiên cứu khá sâu về thơ Đặng Đình Hưng nhiều năm qua, không ngần ngại khẳng định về mặt thơ thì Đặng Đình Hưng là một trong tứ trụ thời hậu Nhân văn giai phẩm.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần cây đàn Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần cây đàn

TTO - Nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn vừa về nước để làm buổi ra mắt cuốn tuyển tập thơ - họa đầu tiên của bố ông có tên Đặng Đình Hưng - một bến lạ vào tối 20-1 ở Viện Pháp tại Hà Nội. Danh cầm dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện cởi mở.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên