15/06/2017 16:53 GMT+7

Nghe Nguyễn Duy dẫn thơ, từ chuyện làng sang chuyện nước

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhà thơ Nguyễn Duy có cuộc gặp mặt với những người yêu thơ ông và bạn bè, đồng nghiệp tại Đường sách TP.HCM sáng 15-6 với nội dung theo cách gọi của ông là nói chuyện thơ từ chuyện làng sang chuyện nước...

Nhà thơ Nguyễn Duy đang giới thiệu các đầu sách mới của mình - Ảnh: L.Điền

Nguyễn Duy có ba quyển sách vừa in xong do công ty Sách Phương Nam ấn hành, gồm hai tập thơ Làng ta ở phía ngôi sao, Tuyển thơ lục bát Nguyễn Duy, và tập văn xuôi Ghi và nhớ.

Cái nguồn trong sáng ngày xưa...

Trong vai trò dẫn chuyện, nhà báo Nguyễn Trọng Chức kể lại ấn tượng của lần đi cứu trợ bão lũ tại tỉnh Phú Yên năm trước, trong đoàn cứu trợ có nhà thơ Nguyễn Duy, đến thăm và giúp đỡ các em học sinh trường tiểu học Xuân Sơn Bắc ở huyện Đồng Xuân.

Lúc này cơn bão và lũ quét tàn phá vùng quê khủng khiếp lắm, ấy vậy mà các thầy cô và học sinh khi nghe có nhà thơ Nguyễn Duy đã ùa đến vây lấy, và các em được khuyến khích đã đồng thanh đọc thuộc lòng bài Tre Việt Nam của Nguyễn Duy.

“Thật là một ấn tượng mạnh trong cuộc đời làm báo của tôi”, ông Nguyễn Trọng Chức nói.

Và Nguyễn Duy bắt đầu bằng những hoài niệm về gốc tích làng quê rơm rạ của ông. Chuyện làng ông ở xứ Thanh hóa ra rất nhiều sâu lắng và cay đắng.

Chỉ cái chuyện thăng trầm quanh việc ứng xử với di tích đình Gia Miêu - chứng tích một vùng đất thang mộc của Nhà Nguyễn - cũng đủ để người đời phải suy nghĩ nhiều hơn, trách nhiệm hơn, rằng tại sao một di tích như vậy lại bị phế bỏ...

Đến nỗi Nguyễn Duy tự rút ra; Quê tôi một thời người ta tàn sát tâm linh dữ dội như vậy, nên tôi thấy như có liên quan đến việc xã hội bây giờ có nhiều rối loạn lắm.

Nhắc đến làng quê, hình ảnh bà ngoại choán một phần tâm cảm của Nguyễn Duy bởi “tuổi thơ tôi may mắn được ngâm trong suối nguồn ca dao, nhờ bà ngoại”... 

Thế nhưng mãi đến năm 1983 Nguyễn Duy mới viết được những câu thơ về bà ngoại, đó là những ám ảnh đói khổ của tuổi thơ, những nhọc nhằn của người bà tảo tần nuôi cháu, là khốc liệt chiến tranh xé toang cái làng bé nhỏ...

Và mãi đến hôm nay, giữa đường sách Sài Gòn, Nguyễn Duy ở tuổi 70 bỗng trở thành đứa cháu nhỏ đọc thơ về bà nghe thắt cả lòng: “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là nấm cỏ thôi”.

Rồi ông bố, bà mẹ, những người thân đã đi vào thơ Nguyễn Duy và đi vào tâm hồn người yêu thơ từ lâu.

Hôm nay nghe ông tâm sự mới biết Nguyễn Duy có người bố thật khác thường, từng tham gia đi dân công chiến dịch Điện Biên, và về già còn xung phong đi dân công hòa tuyến Khe Sanh - Tà Cơn, chỉ vì một lý do: Đi dân công hỏa tuyến về nấu rượu xem có ai còn đến bắt nữa không.

Hóa ra ông là một người nghiện rượu, mà không chỉ ông, cả làng quê Nguyễn Duy đều nấu rượu tại nhà, nhà báo Nguyễn Trọng Chức xác nhận điều này khi kể về chuyến xuyên Việt năm 1992 khi ghé vào làng Quảng tìm nhà của nhà thơ Nguyễn Duy.

Ngọt ngào một chút men quê/ cay tê cả lưỡi đắng tê cả lòng/ gian ngoài thông thống gian trong/ suốt đời làm lụng sao không có gì/ không răng... cha vẫn cười khì/ người còn là quý sá chi bạc vàng...
Chen vào những câu chuyện  hồi tưởng, Nguyễn Duy lại minh họa bằng chính thơ mình, những câu thơ thao thức dễ khiến người thao thức
Ngoài 2 tập thơ, quyển Ghi và nhớ lần này là tập hợp nhiều bài báo, tư liệu, đặc biệt là loạt Đông Âu du ký được xem là một phần sử liệu về đời sống người Việt trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt - Ảnh: L.Điền
Ngoài 2 tập thơ, quyển Ghi và nhớ lần này là tập hợp nhiều bài báo, tư liệu, đặc biệt là loạt Đông Âu du ký được xem là một phần sử liệu về đời sống người Việt trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt - Ảnh: L.Điền

Và thơ luôn còn nóng bỏng

Nhưng đáng kể nhất là chuyện thời sự đất nước trong thơ Nguyễn Duy. Thời lượng buổi giao lưu không nhiều, nên ông chỉ kịp nhắc đến những “kỷ niệm thơ” mà ông là chứng nhân ở hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, chính kỷ niệm chiến trường này đã khiến Nguyễn Duy bật ra hai câu thơ bất hủ: “AQ túm tóc Chí Phèo/ Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua”.

Ông tự nhận mình là người lính, sau chiến tranh bỗng thấy băn khoăn trước tình cảnh đất nước khốn khổ và nhiều giá trị bị xô lệch.

“Nhà tôi cũng lâm vào cảnh đói kém, tôi cũng phải nuôi lợn trên tầng 4 chung cư, và chạy ăn từng bữa”, Nguyễn Duy kể về khởi đầu của ý tưởng ông viết bài thơ Đánh thức tiềm lực.

Hoàn cảnh ra đời bài thơ cũng chính là kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM.

Nguyễn Duy kể lại lần văn nghệ sĩ sinh hoạt chính trị trước lãnh đạo thành phố hồi năm 1981, chính Nguyễn Duy đã đọc cho ông Võ Văn Kiệt nghe 2 bài thơ Bán vàngÔng già Sông Hậu.

Bài Bán vàng có nhiều câu thời sự đau nhói: “Cái ác biến hình còn lởn vởn quanh ta/ tai ách đến lúc nào không báo trước/ tờ giấy mỏng manh che chở làm sao được/ một câu thơ chống đỡ mấy mạng người/ Lương tháng thoảng qua một chút hương trời/ đồng nhuận bút hiếm hoi gió lọt vào nhà trống/ vợ chồng ngủ với nhau đắn đo như vụng trộm/ không cái sợ nào bằng cái sợ sinh con”.

Vậy mà chính bí thư Võ Văn Kiệt sau khi nghe xong, lại cử người đến kêu Nguyễn Duy chép cho để ông đọc lại, và chính ông Kiệt phát biểu về bài thơ Bán vàng này là “một bản án nhân tình đối với chúng ta”.

Chính cách thế ứng xử của ông Võ Văn Kiệt đã thôi thúc nhà thơ Nguyễn Duy tiếp tục viết và hoàn thành bài thơ Đánh thức tiềm lực - tiễn anh Sáu Dân đi làm kinh tế.

Bài thơ này làm trong 2 năm, và công bố lần đầu bằng cách đọc cho bí thư Võ Văn Kiệt nghe vào mùa thu năm 1982 khi ông sắp ra trung ương, và đến năm 1986 mới công bố toàn văn trên Báo Tuổi Trẻ.

Và sau 37 năm, bài thơ đến nay lại một lần được tác giả đọc vang giữa Đường sách, những câu thơ nóng rẫy, những lời thơ day dứt, những ngụ ý ngày nào nay dường như đang thời sự hơn, đang thôi thúc hơn bởi hơn lúc nào hết, thời hội nhập hiện nay mới là giai đoạn không chấp nhận tình trạng “ngủ yên” của tiềm lực.

Rất đông người yêu thơ và bạn bè đồng nghiệp đến buổi giao lưu với nhà thơ Nguyễn Duy - Ảnh: L.Điền
Rất đông người yêu thơ và bạn bè đồng nghiệp đến buổi giao lưu với nhà thơ Nguyễn Duy - Ảnh: L.Điền

Bạn đọc tại đường sách trưa 15-6 đã dành nhiều tràng vỗ tay cho những đoạn “lưu ý” của Nguyễn Duy từ ngày đó, đến nay nhắc lại vẫn không thừa: 

“Cần lưu ý/ lời nói thật thà có thể bị buộc tội/ lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương/ đạo đức giả có thể thành dịch tả/ lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường... 

có cái miệng làm chức năng cái bẫy/ sau nụ cười là lởm chởm răng cưa...

có trận đánh úp nhau bằng chữ nghĩa/ khái niệm bắn ra không biết lối thu về..

có lắm sự nhân danh lạ lắm/ mượn áo thánh thần che lốt ma ranh/ nhân danh thiện tâm làm điều ác đức/ rao vị nhân sinh để bán món vị mình...”

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên