Đó là võng ngô đồng, được đan bằng sợi vỏ cây- sản phẩm độc đáo không chỉ bởi câu chuyện mà cả mức độ kỳ công của người đan võng.
Nghề trăm năm
Từ cầu cảng lên xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP Hội An, Quảng Nam) bước lên các quầy mua sắm đồ lưu niệm mọc sát nhau bên bờ đá, nhiều du khách quốc tế ngạc nhiên khi thấy những chiếc võng được căng ra bán với số lượng hạn chế cho khách du lịch. Ngạc nhiên hơn, loại võng này không làm từ sợi công nghiệp mà hoàn toàn từ vỏ cây, và mức giá cũng lên tới tiền triệu.
Ngôi nhà bà Huỳnh Thị Út, thôn Bãi Làng, là một điểm dừng chân để khách khám phá nghề đan võng ngô đồng mà người xã đảo truyền tay nhau qua trăm năm. Tháng 6, bà Út ngồi trước khoảnh hiên nhà kỳ công luồn từng sợi vỏ cây thô ráp để tết lại, thắt nút. Thêm một ngày đi qua, hình hài chiếc võng vỏ cây dần hiện ra dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ tuổi 56 này.
Bà Út hiện là một trong chừng 5-6 phụ nữ ở Cù Lao Chàm còn duy trì nghề đan võng ngô đồng. Loại võng này được người xã đảo nghĩ ra trong quá trình lao động sản xuất. Trên các khu rừng nhiều tầng lớp ở Cù Lao Chàm, cây ngô đồng mỗi độ đến mùa lại ngoi lên khoảng không và trổ bông đỏ rực.
Theo lời những người lớn tuổi trên xã đảo, người dân dần phát hiện đây là một thứ cây đặc biệt, nếu chặt đi thì mọc tua tủa các cây con thẳng đứng. Khi cây cao chừng 2-3m thì lớp vỏ suôn thẳng, xanh non ôm trọn quanh thân từ dưới gốc lên đến phần ngọn. Người dân tò mò chặt cây non đem về rào quanh nhà thì phát hiện khi cây héo rũ, lớp vỏ này bóc tách ra và trở thành một lớp áo dẻo dai, suôn thẳng.
Bà con xé lấy sợi thử đan các vật dụng như làm dây thừng, đan mũ thì có độ dai bền rất cao. Câu chuyện loài cây dại được phát hiện và trở thành nguyên liệu thô từ thiên nhiên để kết nên võng nằm bắt đầu từ đó.
Hôm nay, bà Út đang ngồi đan chiếc võng để kịp giao cho một vị khách từ TP.HCM đặt hàng. Chiếc võng dài khoảng 2m, bề ngang rộng nửa sải tay nhưng bà đã ngồi tỉ mẩn kỳ công đan dệt hơn hai tháng trời.
Bà cho biết mình là người đan võng kế nghiệp người mẹ tên là Nguyễn Thị Hoa đã qua đời. Chồng bà Út cũng mất khi đi biển, bà sống cùng con và lấy nghề đan võng làm nguồn sống.
"Tôi không biết nghề đan võng này gia đình duy trì mấy đời nhưng từ nhỏ lớn lên tôi đã thấy mẹ ngồi đan. Hồi đó đồ công nghiệp chưa có nhiều nên hầu như nhà nào trên đảo cũng có một chiếc võng để nằm nghỉ ngơi. Nghề đan võng ít người làm nên chỉ đủ cung cấp cho bà con trên xã đảo. Nhưng dần lâu thì ít người mua hơn, người ta chuyển qua mua võng dù, võng cước, vừa đẹp mà lại gọn nhẹ hơn, rẻ hơn", bà Út nói.
Theo bà Út, mấy năm trở lại đây bà đan võng theo đơn đặt hàng từ người ở xa. Đa phần mua về để sưu tầm, làm kỷ niệm là chính bởi giá một chiếc võng ít nhất cũng từ 5 triệu đồng. Khách muốn có thì phải đặt trước và đợi chừng hai tháng. Võng làm ra kỳ công, chỉ thấy ở Cù Lao Chàm. "Nếu bảo quản tốt, giữ gìn thì mỗi chiếc võng có khi dùng được 10 - 15 năm", bà Út nói.
Đan một chiếc võng sợi vỏ cây bằng... làm xong vụ lúa
Võng ngô đồng là một mặt hàng đặc biệt của cư dân Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Điều quyết định đến sự tồn tại của nghề độc này là cách làm du lịch của TP Hội An, võng ngô đồng được du khách đặt mua đưa về Mỹ, qua tận Úc, châu Âu...
Người ta không chỉ mua võng để nằm mà mua câu chuyện về một vật dụng đời sống đã tồn tại với cư dân xã đảo qua trăm năm.
Cụ Nguyễn Thị Quỳ (79 tuổi) là người đan võng lâu đời ở Cù Lao Chàm. Cụ Quỳ cho biết học nghề theo mẹ từ năm 13 - 14 tuổi, tới giờ bà vẫn duy trì nghề này như một công việc tìm niềm vui của tuổi già.
Trước đây, những chiếc võng của cụ đan xong thì giao cho bà con trong xã xài, nhưng từ khi du lịch ở đảo phát triển thì võng của cụ được đưa lên máy bay qua tận châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Khi có khách đặt, cụ lại ngồi tỉ mẩn rũ sợi vỏ cây thành từng cuộn rồi cặm cụi đan từ ngày này qua ngày khác.
"Mỗi chiếc võng đan xong ít nhất cũng phải mất hai tháng, như tui vì già cả rồi, mắt mũi kèm nhèm nên đan mất ba tháng - tương đương với trồng một vụ lúa từ lúc làm đất gieo hạt tới khi gặt", bà Quỳ nói.
Để làm ra được võng ngô đồng, đầu tiên người dân trên đảo phải chọn mùa cây sinh trưởng mạnh nhất. Thông thường đó là từ tháng 4 đến tháng 7. Mưa nhiều và thời tiết mát làm các gốc ngô đồng bật mầm, những người chuyên làm nghề đốn cây nguyên liệu đan võng sẽ cầm dao lên rừng, tìm tới các gốc cây có nhiều nhánh để cắt thân cây ngô đồng to bằng cán dao.
Cành cây được đem ra bờ suối đập vào đá tảng để tách lấy lớp vỏ. Tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An ghi chép chi tiết sự kỳ công của quá trình làm sợi võng ngô đồng như sau: "Các mảng vỏ sau khi được tách ra từ thân cây thì được gom lại, bó thành một bó rồi ngâm nước ở các khe, suối như khe Ruộng Chùa, khe Ông Thơ, khe Xóm Mới...
Sau khi ngâm chừng 10 - 15 ngày thì vỏ ngô đồng mềm ra, sau đó được giặt và chao nhiều lần trong một buổi sáng cho lớp nhớt của vỏ trôi đi, để lại lớp vỏ với những sợi nhỏ mềm, trắng tinh.
Gần đây, cũng có một số người mang vỏ cây ngô đồng ngâm ở suối về nhà giặt và giặt với xà phòng. Trong khi giặt, người ta dùng dao tước vỏ ngô đồng thành từng mảng nhỏ có bảng rộng khoảng 1cm rồi phơi một nắng cho khô".
Theo cụ Lê Thị Kề - người được xem là "thợ đan võng ngô đồng đẹp nhất đảo Cù Lao Chàm", thì để làm ra chiếc võng đẹp, quan trọng nhất là ở việc chuốt sợi và thắt nút các mối mắt võng. Người đan sẽ lấy vỏ cây rồi xé thành từng sợi nhỏ. Sợi sẽ được nối kết vào nhau theo từng công đoạn "tề đầu, ra chưn, đan mặt giếng".
Người thợ sẽ dùng chân giữ chặt phần mối đầu tiên, nối dài sợi dây rồi kết thành từng mảng đan theo ô hình thoi. Hằng ngày người đan võng sẽ bền bỉ kết đan, thắt nút cho tới khi nào hoàn tất các công đoạn. Hiện võng ngô đồng có hai loại gồm: võng 4 và võng 6 (võng 4 sợi, 6 sợi). Võng 4 sợi bình quân bán ra từ 5,5 triệu đồng và võng 6 sợi giá sẽ là từ 8 triệu trở lên.
Muốn nhanh thì phải... từ từ
Cũng theo cụ Kề, một chiếc võng đẹp thì sợi võng phải đều, không phình không lõm. Các nút thắt đều nhau, ô hình thoi nối nhau chạy từ đầu đến đuôi võng theo từng dãy phải đều như rập khuôn. Có điều võng ngô đồng không hề có khuôn sẵn. Bộ khuôn chính là khối óc, đôi bàn tay nhẫn nại từng ngày, từng tháng của người thợ.
"Muốn đan được võng đẹp thì không thể đan nhanh. Người trẻ tuổi nếu tính tình nóng nảy, nôn nóng thì khó lòng đủ tỉ mỉ để làm võng ngô đồng. Vì thế công việc này thích hợp hơn cho người lớn tuổi như chúng tôi", cụ Kề nói.
Hiện nay đan võng ngô đồng vẫn là một nghề độc đáo của Hội An, được thành phố này thiết kế vào các tour du lịch và các sản phẩm du lịch đặc trưng. Những người thợ đan võng được mời ra phố đan trình diễn cho khách, đi các nơi kể chuyện nghề giới thiệu cho công chúng. Nghề đan võng ngô đồng cũng đang được TP Hội An lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận