Chương trình mở đầu với ca khúc 'Ngày xưa Hoàng Thị' (Thơ: Phạm Thiên Thư – Nhạc: Phạm Duy) do ca sĩ Đoan Trang thể hiện
Ca khúc là câu chuyện tình đơn phương của cậu học trò Phạm Thiên Thư dành cho cô nữ sinh Hoàng Thị Ngọ.
Phần bình luận được dành cho Mộng Tuyền và Mai Diệu Anh.
Theo nữ thạc sĩ ngôn ngữ học Mộng Tuyền thì nếu chị là cô Hoàng Thị Ngọ thì chị sẽ rất giận chàng trai vì cứ đi theo mình suốt mà không bày tỏ tình cảm, bởi điều tối kỵ trong tình yêu với chị đó chính là sự im lặng.
Trong khi đó, là một người tự nhận mình cực đoan với ngôn ngữ, tiến sĩ triết học Mộng Tuyền đưa ra quan điểm hết sức thú vị về cách bày tỏ tình yêu: Khi yêu thì ngôn ngữ để làm gì?
Đừng để hành động nói, đừng để ánh mắt nói, mà hãy bắt đầu tình cảm của mình bằng một lời nói để xác định cột mốc: Anh yêu em hoặc Em yêu anh.
Tham gia ý kiến, tiến sĩ triết học Diệu Anh cho rằng ca khúc tái hiện lại những gì tác giả Phạm Thiên Thư và nhạc sĩ Phạm Duy muốn gửi gắm đó là yêu thầm.
Chị đặt vấn đề tại sao cô gái biết chàng trai có tình cảm với mình nhưng không dám nói, sao cô không quay lại mà cứ để câu chuyện cứ kéo dài từ ngày này qua tháng nọ.
Giảng viên tâm lý Phan Tường Yên cũng cho rằng khi yêu đơn phương nghĩa là người trong cuộc luôn có một giới hạn mà bản thân mãi không vượt qua được, nên nếu cổ động cho việc mọi người phải nói ra thì rất tội nghiệp cho những người đứng đàng sau vạch giới hạn đó.
Á hậu Miss Vietnam in American 2017 Trang Thảo cũng tán đồng quan điểm của Mộng Tuyền và cô cho rằng bản thân cô cũng sẽ cho những anh chàng yêu đơn phương trôi qua luôn để chừa tật yêu mà không nói.
Phần tranh luận của các thí sinh khiến cho ca sĩ Đoan Trang như được ôn lại những kỷ niệm về lần đầu tiên hát ca khúc Ngày xưa Hoàng thị cách đây 10 năm. Chị đồng cảm với quan điểm của nữ thạc sĩ Mộng Tuyền và dành cho cô 1 điểm cộng.
Ca khúc thứ hai là Sơn nữ ca (sáng tác Trần Hoàn) do danh ca Elvis Phương thể hiện
Ca khúc được sáng tác năm 1948 khi cố nhạc sĩ Trần Hoàn mới 20 tuổi đang tham gia kháng chiến ở trong chiến khu Quảng Bình.
Trong một dịp tình cờ, cố nhạc sĩ đã gặp các cô nữ sinh trường Phan Bội Châu ở chiến khu Quảng Bình, khiến ông nhớ lại những kỷ niệm của một thời học sinh và những giai điệu của bài hát Sơn nữ ca đã ra đời.
Thí sinh Tường Yên cảm thấy bất ngờ bởi trong bối cảnh chiến tranh ác liệt mà nhạc sĩ Trần Hoàn có thể sáng tác nên một tác phẩm quá tình và quá thơ như vậy.
Thí sinh Trang Thảo nói ca khúc xuất phát từ cảm xúc rung động của nhạc sĩ trước vẻ đẹp của những cô sơn nữ và bày tỏ sự ủng hộ của mình với sự đào hoa của những người nhạc sĩ.
Bởi theo cô, nếu không có những cảm xúc rung động đó của các nhạc sĩ thì khán giả sẽ không có những sáng tác hay như ngày hôm nay.
Nhận xét về phần tranh luận của 2 thí sinh, nam danh ca Elvis Phương cảm nhận quan điểm của Trang Thảo rõ ràng hơn nên dành cho cô 1 điểm cộng..
Ca khúc thứ ba là 'Hãy yêu nhau đi' (sáng tác Trịnh Công Sơn) do nhóm Năm Dòng Kẻ thể hiện
Ca khúc được sáng tác năm 1970 trong thời kì chiến tranh ác liệt, lời bài hát là những lời kêu gọi tha thiết của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho mọi người "hãy yêu nhau đi" để cuộc sống tươi vui và lạc quan. Những lời ca đó không chỉ sống trong thời chiến mà cho đến ngày hôm nay, vẫn đong dầy ý nghĩa.
Là một tiến sĩ triết học, Diệu Anh cho rằng tính triết lý của bài hát không chỉ thể hiện ở tình yêu lứa đôi, tình yêu hôn nhân, tình yêu gia đình mà còn thể hiện tình yêu với cộng đồng, nhân loại.
Thí sinh Tường Yên dành nhiều lời khen sự thể hiện tuyệt vời của nhóm Năm Dòng Kẻ. Theo Tường Yên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phải là một người yêu nhiều và đau nhiều mới có thể sáng tác nên ca khúc.
Nhóm Năm Dòng Kẻ chia sẻ sự khâm phục trước tính triết lý trong phần nhận xét của Diệu Anh và những cảm xúc của Tường Yên. Nhóm dành 1 điểm cộng cho Tường Yên.
Theo giám khảo Chí Trung, phần nhận xét của Diệu Anh thiên về chiến tranh đã có phần làm giảm giá trị tác phẩm bởi ca khúc Hãy yêu nhau đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vượt lên tất cả mọi thứ và không chỉ riêng có ý nghĩa triết học.
Cuối cùng là ca khúc 'Một mình' (sáng tác: Thanh Tùng) do ca sĩ Hồng Nhung thể hiện
Ca khúc là những lời tha thiết của nhạc sĩ Thanh Tùng viết tặng cho người vợ quá cố mà ông từng có 18 năm chung sống hạnh phúc.
Trang Thảo cho biết vợ của nhạc sĩ Thanh Tùng mất năm ông 40 tuổi. Lý ra ông có thể đi thêm bước nữa nhưng ông đã chọn cuộc sống gà trống nuôi con. Đó cũng là cảm xúc để ông viết lên ca khúc này.
Mộng Tuyền thì tóm gọn phần bình luận của mình bằng chữ "thấm". Đó là thấm về giọng hát tuyệt vời của Hồng Nhung, thấm về ca từ của bài hát và thấm về thông điệp của ca khúc.
Mộng Tuyền chia sẻ với ca khúc này, cô cảm nhận được sự cô đơn của người vợ, nhưng may mắn là bà đã có một người chồng như Thanh Tùng để cảm nhận, để trân trọng nỗi cô đơn của bà.
Nhận xét về phần bình luận của 2 nữ thí sinh, ca sĩ Hồng Nhung dành cho Mộng Tuyền 1 điểm cộng.
Kết thúc đêm thi thứ 2, thí sinh Mộng Tuyền dẫn đầu với số điểm 38, kế đến là Tường Yên 36 điểm, Trang Thảo và Diệu Anh có số điểm bằng nhau: 35,5 điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận