18/11/2019 17:10 GMT+7

Ngày tôi tuổi 19 trong mùa xuân lịch sử là như thế!

HOÀNG ĐÔN NHẬT TÂN
HOÀNG ĐÔN NHẬT TÂN

TTO - Từ đầu năm 1966, phong trào đấu tranh của các giới đồng bào ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng… tiếp tục hừng hực dâng cao thành các cuộc bạo động dữ dội trên đường phố, nhất là khu vực Bàn Cờ - Vườn Chuối.

Ngày tôi tuổi 19 trong mùa xuân lịch sử là như thế! - Ảnh 1.

Tác giả Hoàng Đôn Nhật Tân tại trụ sở sinh viên số 4 Duy Tân (nay là số 4 Phạm Ngọc Thạch - Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) tháng 3-1968 - Ảnh: NVCC

Đến tháng 6-1966, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu dập tắt phong trào bằng bạo lực.

Niên khóa 1966-1967, tôi được vào học Trường trung học Kỹ thuật Cao Thắng, người phụ trách là anh Nguyễn Sơn Hà (Bảy Thép) trong Đoàn ủy học sinh thuộc Thành đoàn rút chúng tôi về căn cứ Suối Sâu (Trảng Bàng, Tây Ninh) học tập.

Ngòi pháo đột phá phong trào

Anh Nguyễn Sơn Hà trao đổi về "Lý tưởng thanh niên", "Tình hình và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam và Sài Gòn", "Kinh nghiệm và phương pháp công tác vận động HSSV trong tình hình mới", đặt kỳ vọng vào Trường Cao Thắng, ngòi pháo đột phá phong trào tuổi trẻ Sài Gòn. 

Đầu niên khóa 1967-1968, thực hiện chỉ đạo của Thành đoàn, tôi cùng các cơ sở: Nguyễn Văn Phúc (Út Tâm), Lê Quang Thiết (Chín Cang), Hà Duy Hưng (Tư Cát) giành được Ban đại diện học sinh Trường Cao Thắng, ngọn cờ đấu tranh của học sinh Sài Gòn.

Tháng 12-1967, người phụ trách mới là anh Nguyễn Chơn Trung (Tư Lý). Anh chở tôi ra một căn chòi kín đáo trong một khu vườn ở Thủ Đức truyền đạt chỉ đạo của Thành đoàn: "Trường Cao Thắng cùng Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và các trường trung đại học phải tổ chức một cuộc tập hợp hàng vạn thanh niên tại trung tâm thành phố để chuẩn bị cho ý đồ chiến lược của Đảng".

Thực hiện chỉ đạo trên, ngày 26-1-1968 (25 tháng chạp Tết Mậu Thân), tại sân Trường Quốc gia hành chánh, số 10 đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 Tháng 2), đã diễn ra "Đại hội văn nghệ HSSV mừng Tết Quang Trung" (Đêm hội Quang Trung) với chương trình gồm các ca khúc kháng chiến và ca khúc đấu tranh nổi tiếng, được dàn dựng thành hợp ca, vũ khúc, nhạc cảnh uy nghi, lộng lẫy và hoành tráng chưa từng có ở Sài Gòn.

Hàng ngàn thanh niên và đồng bào các giới bừng bừng khí thế yêu nước, chống ngoại xâm như tinh thần hịch Quang Trung trước khi đại quân tiến vào Thăng Long: "Đánh cho chúng chích luân bất phản/Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ". "Đêm hội Quang Trung" đã biến thành một đòn tiến công chính trị bất ngờ, ngoạn mục trước giờ G.

Cháy mãi trong tâm thức

Hôm sau, chúng tôi cùng nhạc sĩ Trương Thìn trong Tổng hội Sinh viên đến Đài phát thanh Sài Gòn thu âm "Chương trình phát thanh sinh viên". 

Sau đài hiệu Hát từ đồng hoang của nhạc sĩ Miên Đức Thắng và ca khúc Hát cho dân tôi nghe của nhạc sĩ Tôn Thất Lập do tốp ca Cao Thắng trình bày, anh Trương Thìn giới thiệu "Đêm văn nghệ Quang Trung": Đêm ấy trời như dậy lên, đất như dậy lên, màu cờ và khát vọng/Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến - Quyết chiến!/Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh - hi sinh!...

Hai ngày sau, trong ngôi nhà xóm lao động ấp Bác Ái 5, xã Bình Hòa (nay là phường 7, quận Bình Thạnh), trong bóng tối của căn gác gỗ, anh Nguyễn Chơn Trung nói với tôi: "Đại quân sắp tấn công Sài Gòn, một trận quyết chiến sắp diễn ra, Đảng quyết giáng một đòn quyết định, xoay chuyển cục diện chiến tranh". 

Ngừng một chút để kìm nén cảm xúc, anh nói tiếp: "Tổ chức cách mạng đã quyết định kết nạp em vào Đảng, em có dám hi sinh không? Các em phải sẵn sàng xung trận trong trận chiến quyết định này, các em chuẩn bị mỗi người một đôi giày có thể đi trên kẽm gai...".

Sau nghi thức tuyên thệ trong bóng đêm, anh Nguyễn Chơn Trung vội vã chia tay và sau đó tôi không còn được gặp lại anh nữa... Chỉ ba ngày sau, đêm 30 rạng 31-1-1968, tức đêm mồng 2 Tết Mậu Thân, cuộc Tổng tiến công nổ ra khắp các đô thị miền Nam và tại Sài Gòn. Đài phát thanh Sài Gòn bị lực lượng biệt động đột nhập chiếm giữ, cuối cùng cho nổ tung.

Hòa nhịp cùng cuộc Tổng tiến công, các cán bộ chiến sĩ Thành đoàn đều xung trận "ém quân" và võ trang tuyên truyền tại khu vực Bàn Cờ - Vườn Chuối. Anh Nguyễn Chơn Trung bị bắt ngay đêm mồng 2 Tết Mậu Thân rồi đày ra chuồng cọp Côn Đảo; anh Nguyễn Sơn Hà bị bao vây tại đường Bàn Cờ và chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, anh dõng dạc hô to: "Hồ Chí Minh muôn năm!"... 

Rồi đến phiên chúng tôi cũng phải vượt qua các thử thách ác liệt qua các nhà tù của chế độ Sài Gòn như lời tuyên thệ trước cờ Đảng.

Ngày tôi tuổi 19 trong mùa xuân lịch sử là như thế!

Ký ức đó như ngọn lửa cháy mãi trong tâm thức tôi, nung nấu mãi tinh thần của tôi, giúp tôi luôn cảm thấy tràn đầy nhiệt huyết như thời thanh xuân...

Cuộc thi viết "Ngày tôi vào Đảng" do Thành đoàn TP.HCM tổ chức, chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng 3-2, dành cho các đảng viên đang sinh sống, lao động, học tập tại TP.HCM và các tỉnh, thành trên cả nước.

Nội dung bài viết có thể là những kỷ niệm, cảm xúc trong giây phút được kết nạp Đảng, cũng có thể là kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình rèn luyện, phấn đấu để được trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài thi không quá 1.200 chữ và chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông nào trước đó. Gửi bài về ngaytoivaoDang@gmail.com, ghi rõ: bài dự thi "Ngày tôi vào Đảng", hoặc gửi trực tiếp tại địa chỉ: Phòng C4 - Ban tuyên giáo Thành đoàn TP.HCM (số 1 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM), hạn chót ngày 15-1-2020.

Cơ hội thăm chiến khu Việt Bắc khi dự thi viết Cơ hội thăm chiến khu Việt Bắc khi dự thi viết 'Ngày tôi vào Đảng'

TTO - Ngoài các giải thưởng trị giá từ 5-10 triệu đồng, thí sinh đoạt giải còn được tham gia chuyến hành trình về thăm các vùng căn cứ cách mạng như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn (chiến khu Việt Bắc)…

HOÀNG ĐÔN NHẬT TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên