26/06/2019 08:04 GMT+7

Ngày thi đầu tiên: Phòng thi bình yên, đề thi 'dậy sóng'

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG - NGỌC HÀ - THÁI LỘC - M.G.
VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG - NGỌC HÀ - THÁI LỘC - M.G.

TTO - Ngoài một số trường hợp bị xử lý kỷ luật, ngày thi đầu tiên của kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra bình lặng trong sự chuẩn bị kỹ càng của ngành giáo dục và các địa phương. Điều đáng nói nhất chính là đề thi, đặc biệt là môn ngữ văn.

Ngày thi đầu tiên: Phòng thi bình yên, đề thi dậy sóng - Ảnh 1.

Niềm vui của các thí sinh sau khi kết thúc môn thi ngữ văn (ảnh chụp tại điểm thi THPT Chu Văn An, Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Giáo viên môn ngữ văn ở những thành phố lớn đang có những nhận định hết sức trái chiều về đề thi.

Bài thơ của phần đọc hiểu nhắc ngầm về thái độ sống của những người trẻ, của thế hệ sau cần hiểu, tri ân những hi sinh lặng thầm, những công lao không thấy được trong vinh danh, trong khải hoàn. Như vậy, việc dạy văn phải kết nối với đời sống là vô cùng cần thiết.

Cô Nguyễn Kim Anh

Khó và cũ

Đa số giáo viên dạy văn ở TP.HCM đều nhận xét đề văn năm nay khó hơn năm trước. Trong đó, phần câu hỏi về lý thuyết tiếng Việt có thể làm cho thí sinh bất ngờ vì đề thi tham khảo của Bộ GD-ĐT không có phần này.

Theo thầy Trần Văn Đúng, giáo viên môn văn Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, câu hỏi về nghị luận văn học có tính phân hóa rất cao: "Việc cho thí sinh phân tích một đoạn trích thuộc thể loại bút ký có thể là cơ hội cho những học sinh giỏi văn thể hiện năng lực của mình.

Tuy nhiên, yêu cầu này cũng sẽ làm khó những học sinh trung bình - khá. Chưa kể, yêu cầu "nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường" là không dễ thực hiện".

Thầy Trương Minh Đức, giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, cũng cho rằng: "Bút ký về sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường được thể hiện qua 4 nội dung chính: góc nhìn qua khía cạnh địa lý, văn hóa, lịch sử và góc nhìn của bản thân tác giả.

Đoạn trích trong đề thi là một phần nhỏ trong nội dung về góc nhìn địa lý. Vì vậy, thí sinh sẽ không có nhiều ý để viết nếu không phải là học sinh xuất sắc. Đề thi ra theo dạng như thế này phần nào đi ngược lại với chủ trương dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh".

Về câu hỏi nghị luận xã hội, cô Đặng Nguyệt Anh, Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, nhận xét: "Câu hỏi cần có phần liên hệ cuộc sống thực tế. Điều này sẽ phù hợp với việc đổi mới cách dạy và học văn hiện nay: để học sinh cảm thấy môn văn là hữu ích, thú vị chứ không xa rời và mơ hồ".

Câu hỏi nghị luận xã hội không mới và có phần cũ kỹ, sáo mòn; không tạo được cảm hứng và sự thú vị cho thí sinh. Tôi mong đợi câu hỏi này sẽ đưa ra một vấn đề mang tính giáo dục và định hướng thiết thực cho những học sinh lứa tuổi 18 sắp bước vào đời.

Thầy Trương Minh Đức

Mở và sáng tạo

Trong khi đó, cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, đánh giá: "Độ mở của đề văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay đều có ở các câu hỏi với các mức độ khác nhau".

"Đã hết thời của những bài văn mẫu dài dằng dặc. Thầy cô dạy học sinh kỹ năng khai thác, cảm thụ và viết ra trong vai trò trực tiếp "đồng sáng tạo" với tác giả, chứ không phải là đáp trả bằng một bản sao từ văn mẫu. Vì kiểu ra đề này thì văn mẫu không "đuổi theo" được.

Người dạy văn đổi mới là "cho cần câu chứ không phải cho con cá", dạy học sinh cách cảm thụ nội dung và nghệ thuật. Học sinh gặp đoạn nào cũng chủ động được" - cô Kim Anh nói.

Ngày thi đầu tiên: Phòng thi bình yên, đề thi dậy sóng - Ảnh 4.

Động viên thí sinh ở điểm Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) sau khi hoàn thành thi môn toán - Ảnh: CHU HÀ LINH

Về câu nghị luận văn học, theo cô Kim Anh, học sinh không bất ngờ vì nội dung và cấu trúc cơ bản khá sát với đề minh họa. Nhưng ngữ liệu khai thác không ở thế yêu cầu so sánh hai ngữ liệu như đề minh họa nên có phần đỡ khó hơn.

Thí sinh là học sinh trung bình sẽ không bị thử thách nhiều về khả năng ghi nhớ, vì đã được đề cung cấp sẵn và đủ để có thể dựa vào đó viết được những dòng cảm nhận của mình. Đó là yêu cầu ở mức đơn giản.

So sánh với đề thi năm trước, có thể thấy rõ đề vừa sức với học sinh hơn, khoa học và khơi gợi sáng tạo rất rõ. Tuy nhiên, với nhiều học sinh không say mê học môn ngữ văn sẽ luôn thấy ngại thể loại bút ký, vốn hiếm gặp trong chương trình ngữ văn giáo dục phổ thông.

"Tôi nghĩ với học sinh của tôi hay học sinh Hà Nội thì việc đạt được yêu cầu (trung bình) là chắc chắn. Với những học sinh học ban D, là những em cả 3 năm theo học chú trọng các môn khoa học xã hội và có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học khối có sử dụng điểm môn ngữ văn, thì phổ điểm khoảng từ 6.0 - 7.0" - cô Kim Anh dự đoán.

Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên dạy văn của Tuyensinh247.com, cũng cho rằng đề thi năm nay là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần nắm chắc kiến thức và thuần thục các kỹ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

* Thầy Trần Hinh (khoa văn học Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội):

Vẫn bắt học sinh "nói xuôi"

Với thời gian làm bài 120 phút, một đề thi ngữ văn chỉ có thể làm được như vậy, chứ khó đòi hỏi điều gì quá lớn. Phần đọc hiểu, đề chọn một văn bản thơ không hề khó, đề tài lại rất sát với mối quan tâm của nhiều người hiện nay (lao động, khát vọng, biển cả).

Tuy nhiên, giá như không có câu hỏi về thể thơ thì hay hơn. Rõ ràng, đề thi quá chú trọng đến sự "an toàn", ít có sự đào sâu, cách hỏi vẫn rất cũ. Thậm chí như đã nói, đề thi tốt nghiệp THPT đồng thời lấy kết quả xét tuyển đại học mà vẫn còn hỏi "đoạn thơ được viết bằng thể thơ gì?", thực ra nó thuộc kiến thức cấp II.

Đi vào cụ thể, ở câu nghị luận xã hội, viết một đoạn văn 200 chữ về hành trình theo đuổi khát vọng, dù chưa từng được chính thức ra trong các kỳ thi trước đây nhưng cũng không mới. Trước một đề thi như vậy, học sinh không thể viết khác được. Nghĩa là các em sẽ vẫn phải hô khẩu hiệu thôi. Tôi thích một đề thi nghị luận xã hội đặt được vấn đề "hóc", buộc học sinh phải phản biện, "nói ngược", chứ đừng "nói xuôi" mãi.

Câu nghị luận văn học, thoạt tiên có thể gây bất ngờ với nhiều học sinh, vì năm ngoái đã thi phần văn xuôi, nay lại chọn một tác phẩm văn xuôi, lại là một trong những tác phẩm "khó nhằn" nhất với học sinh. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường vào đề thi.

Có thí sinh nói chính phần trích dẫn của đề thi năm nay đã "cứu" các em là đúng. Bởi nếu khả năng học văn không tồi, ai cũng có thể hiểu được nội dung, cũng như nghệ thuật của một văn bản, trong khi các em đã được học bài văn này rồi.

Tóm lại, đề thi năm nay dễ và so với đề năm ngoái, đề năm nay vẫn "chỉn chu" hơn, ít nhất về mặt câu chữ.

Người ra đề thi đồng cảm với tác giả bút ký

Ngày 25-6, một đại diện gia đình cho biết nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - tác giả bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông - cảm thấy vui khi trích đoạn của tác phẩm này vào đề văn kỳ thi THPT quốc gia 2019. Người này cho biết nhà văn cũng nói thêm rằng: "Dòng sông tự đặt tên cho mình", và đánh giá chứng tỏ người ra đề có sự đồng cảm với chính tác giả.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường hiện đang sống với gia đình người con gái ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM và sức khỏe của ông đang khá ổn định.

Nói về bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan - em trai nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - cho biết trước Hoàng Phủ Ngọc Tường đã có nhiều đấng tài hoa tiền bối cũng phải lòng và hết lời ca ngợi dòng sông Hương.

Thế nhưng tất cả các tác phẩm đều giống nhau ở chỗ là chỉ mô tả cái đẹp của sông Hương trong một khoảng không gian ngắn ngủi khi nó gắn với kinh thành Huế và trong một thoáng cảm xúc vụt hiện nào đó trong tâm tưởng. Còn trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông, không gian và thời gian rất dài.

Trong gần mười năm thoát ly kháng chiến chống Mỹ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lặn lội đến tận ngọn nguồn của dòng sông nên đã nhận ra vẻ đẹp hoang dã như cô gái Digan của nó - điều mà các tác giả tiền bối khó có dịp trải nghiệm. Hoàng Phủ Ngọc Tường còn theo dòng sông chảy vào sử sách để hiển thị hình hài của nó trong hàng trăm năm trước. Có thể nói Hoàng Phủ Ngọc Tường là người tình của sông Hương.

"Cách nay vài năm,có lần anh Tường về Huế thăm bạn bè và cũng là tính thăm lại sông Hương lần cuối. Lần ấy anh Tường đột quỵ, tưởng không qua khỏi. Tôi đã về Huế lo hậu sự. Trong số việc hậu sự ấy, có mấy câu thơ tôi viết để tặng anh: Thức suốt đời người viết chữ TÂM/ Chữ ấy dường như đã viết xong/ Gửi lại dòng Hương lời giã biệt/ Một vầng trăng trong vắt lòng sông..." - nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan kể.

Nói về đề thi, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan nhận xét giáo viên ra đề thi đã quán xuyến được tác phẩm và khơi gợi cho thí sinh tìm ra điều tâm đắc của tác giả khi hiển thị dòng sông qua không gian và thời gian ở chốn kinh kỳ.

Đề toán "dễ, có tính phân loại"

Ông Huỳnh Quốc Thắng - nhóm giải đề 789.vn - cho biết trong đề toán THPT quốc gia năm nay có một số câu rất khó, chẳng hạn câu 47, 48, 49 và 50 của mã đề 101. Những giáo viên tham gia giải đề phải thực hiện giải trên bảng, nhiều người cùng tranh luận và đưa ra các hướng giải quyết của mình trước khi thống nhất hướng giải và đưa ra kết quả. Những bài toán này phải trải qua rất nhiều bước tính toán, vận dụng nhiều kiến thức toán học nên học sinh sẽ mất rất nhiều thời gian với những bài toán này, có thể đi sai hướng và cho kết quả sai.

Trong khi đó, ThS Lê Văn Đoàn - tổ trưởng tổ toán Trường THPT Đông Đô (TP.HCM) - cho biết tổng thể đề toán năm nay dễ hơn năm 2018, bám sát chương trình THPT và cấu trúc đề thi mẫu của bộ. Trong đề có 5 câu rất khó để phân loại thí sinh.

Tuy nhiên, so về độ khó vẫn dễ chịu hơn so với các câu phân loại của đề thi 2018. Điểm hay của các câu khó năm nay là đòi hỏi tính tư duy, suy luận chứ không đánh đố, vượt tầm hiểu biết của thí sinh như năm trước. Các câu còn lại nằm ở mức trung bình.

Do đó, phần lớn học sinh trung bình có thể đạt 5 - 6 điểm. Mức điểm 8 - 9 năm nay cũng có nhiều. Điểm 10 cũng có nhưng đó phải là những học sinh thực sự xuất sắc. Như vậy đề toán đảm bảo yếu tố xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH.

Thí sinh sợ 2 con sông, đề thi văn ra Thí sinh sợ 2 con sông, đề thi văn ra 'Ai đã đặt tên cho dòng sông'

TTO - Thí sinh cho biết đề thi ra "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một số em than "em bó tay".

VĨNH HÀ - HOÀNG HƯƠNG - NGỌC HÀ - THÁI LỘC - M.G.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên