09/11/2015 08:14 GMT+7

Ngày nhà giáo và quà tặng thầy

NGUYỄN VĂN KHÁNH, (Trường THCS Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang)
NGUYỄN VĂN KHÁNH, (Trường THCS Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang)

TT - Suốt bốn năm đại học tôi đều làm lớp trưởng nên những ngày lễ tết hay lớp có công việc gì là ban cán sự lớp chúng tôi lại đại diện đến thăm và chúc tết thầy cô.

Những lần đi như vậy đã giúp chúng tôi hiểu hơn được chữ “Thầy” mà xã hội tôn vinh. Những người thầy khi ấy đã ươm mầm cho những thế hệ sinh viên chúng tôi những kiến thức sơ đẳng nhất khi theo nghề sư phạm.

Những cái tâm trong sáng không hề vụ lợi của thầy cô ngày ấy mãi mãi là tấm gương sáng cho chúng tôi học tập để bây giờ khi đứng trên bục giảng vẫn luôn nghĩ về những người thầy đã từng dạy mình khi xưa. Thầy cô là người đã chở cả đạo và đời, bởi những lời răn dạy xưa vẫn văng vẳng như nhắc nhở chúng tôi luôn biết sống thanh cao để giữ gìn phẩm chất cao đẹp của người thầy.

Còn nhớ, Ngày nhà giáo Việt Nam, lũ sinh viên năm nhất chúng tôi tổ chức họp lớp rồi bàn luận đóng góp để đi tết thầy. Mọi phương án đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng cuối cùng bị vỡ kế hoạch. Các thầy cô không nhận quà mà chỉ nhận hoa cùng những lời chúc của ban cán sự lớp.

Lời thầy cô luôn thâm thúy đến tận bây giờ: “Các em phần lớn đều là những sinh viên từ các vùng quê nghèo. Những đồng tiền ít ỏi mà cha mẹ chắt chiu gửi cho các em học tập nên để dành mua thêm tài liệu, sách vở... Thầy cô dù chưa giàu có gì nhưng đã có trường, có khoa lo cho cả rồi...”.

Thời còn học cấp III, chúng tôi đã quen với những chiếc phong bì (theo phong trào) nhưng thực lòng mỗi khi Ngày nhà giáo tới, chúng tôi cảm thấy có cái gì đó không vui. Vui sao được khi những học sinh tặng thầy cô bó hoa tươi được nhét thêm một cái phong bì lạnh lùng cho người đang giảng dạy mình, đang nói về nhân cách và đạo đức?

Ra trường, đã nhiều năm đứng trên bục giảng, mỗi khi ngày 20-11 đến gần thì những cảm xúc của chúng tôi cũng xốn xang, rộn ràng. Cái niềm vui giản dị của người thầy là đến ngày này được xã hội nhắc đến, được nghe các em học sinh, cựu học sinh gọi điện, gửi vài lời nhắn đến cho mình.

Niềm vui, truyền thống đạo lý làm thầy dù thời nào cũng vậy, khi “đã mang lấy nghiệp vào thân” vẫn luôn mong muốn những lời chúc tốt đẹp từ phụ huynh, những em học sinh mà mình đã và đang dạy. Và những điều giản đơn nhất đó thật sự đáng giá hơn nhiều những chiếc phong bì hay những món quà nặng vật chất khác.

Năm nào cũng vậy, mỗi khi đến Ngày nhà giáo Việt Nam thì dư luận lại lên tiếng về chuyện đi tết thầy, nhiều khi cảm thấy lòng đắng chát khi nghe tiếng “phong bì” và những món quà xa xỉ mà nhiều thầy cô đã được tặng. Nhưng rồi sau đó họ lại kể về những gì mà họ đã tặng thì món quà đó có thật là ý nghĩa của sự biết ơn?

Tình cảm thầy trò là thứ tình cảm thiêng liêng, rất riêng, rất khác. Chúng ta - những người thầy - hãy để học trò, xã hội tôn vinh, đó là món quà vô giá đáng quý hơn nhiều những món quà tiền trăm, tiền triệu mà dư luận đã và đang lên tiếng.

NGUYỄN VĂN KHÁNH, (Trường THCS Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên