Ảnh: Nhã Linh
Mình là người dân thì mình là đất, ai mà chả giẫm chân được lên đất. Thích thì người ta vun vén gượng nhẹ..., không thích thì đào bới băm bổ cho nát nhừ ra, sâu hoắm vào, đào tận gốc trốc tận rễ. Một khi đã là đất thì chống làm sao nổi..., uất ức căm giận cũng chả đi đến đâu
Trích tiểu thuyết Ngày mai sương muối
Phát hiện nơi đây có mỏ nước nóng, công ty Thần linh của Hồng Đào - vợ bí thư tỉnh - kết hợp với "lực lượng chức năng" chiếm đất đồng Mơ với giá như cướp trắng.
"Mình là người dân thì mình là đất, ai mà chả giẫm chân được lên đất. Thích thì người ta vun vén gượng nhẹ..., không thích thì đào bới băm bổ cho nát nhừ ra, sâu hoắm vào, đào tận gốc trốc tận rễ. Một khi đã là đất thì chống làm sao nổi..., uất ức căm giận cũng chả đi đến đâu".
Trải nghiệm của ông đại tá già đời chinh chiến ấy thật cay đắng!
Tầm đột quỵ nằm xuống, sau ông, những bí thư chi bộ Tĩnh, Cử, cụ Hiền, mỗi người mỗi kiểu, tiếp tục tranh đấu cho dân mất đất rồi đều trả giá bằng sinh mạng mình.
"Chúng con rất biết thân biết phận mình, có người làm quan thì phải có người làm dân", lời khấn của Cử trong lễ cầu an thật ai oán.
Tiểu thuyết của Trương Tư Tần Quỳnh nhiều đoạn như thế. Khác hẳn những thương xót, đồng cảm xa xôi ta hằng nghe, chúng là tiếng kêu của chính những người sống nhờ đất nhiều đời "thoắt cái" không còn đất.
Thế nào là "sở hữu toàn dân" đây? Nông dân thật đông đảo và ác thay, những tiếng kêu rên của họ ít khi "thấu" tới trời, nên làng xóm ta "chủ yếu là êm ả".
Văn học nông thôn lâu nay thường khai thác vẻ đẹp cổ điển truyền thống, sự lãng mạn bình yên, có ba đào sôi động lên thì lại là "đề tài" cải cách ruộng đất.
Ngày mai sương muối kết hợp cả hai vẻ này, lại rát bỏng với ruộng đất hôm nay, vấn đề chả biết bao giờ mới ổn thỏa. Mới là ở chỗ đó. Tác giả nương theo xung đột chiếm - giữ đất, hành động truyện bóc tách dần dần bộ mặt đạo đức, bản chất tốt hoặc xấu của mỗi bên.
Trong Ngày mai sương muối, Trương Tư Tần Quỳnh còn có nhiều "mỏ" chuyện khác hay vô cùng. Những "nhánh" rẽ ngang mà thể loại tiểu thuyết cho phép thật đáng xem, để rồi khi "vòng lại", chúng phục vụ cho xung đột chính phong phú hơn.
Đó là bao sự tích, đức tin thô sơ, những chuyện củ tỉ về làng, núi, lòng sông bồi lở, giặc giã, dòng họ...; là hành động đốt sớ đầy bất ngờ trước lăng cụ Hồ của ông Cử.
Về mặt nhân vật, cô thôn nữ xinh đẹp Đức (người yêu cũ của Tầm) nay là bà Đức (vợ Cử) đanh đá, sắc sảo và cũng đầy nhân ái, hẳn là đầy đặn, xương thịt nhất; nhưng những Lễ, Tầm, Tĩnh... cũng không hề đơn sắc về tính cách. Không chỉ là sự quý trọng, bức xúc về nông thôn, tác giả còn rất yêu và thuộc nó.
Giọng văn từ tốn, cách chọn chữ, cân nhắc chi tiết kỹ càng khiến ta nghĩ tới những ông thợ dựng đình chùa một thuở, làm tới bao giờ ưng ý mới thôi. Cũng phải nói đến sự kể chân phương, tuần tự theo thời gian, không tân kỳ kiểu tiểu thuyết hiện đại, không vội vã luận đề để rồi rơi vào thời sự..., tất cả đều phải có tâm thế viết rất trầm ổn.
Lâu rồi mới gặp một tác giả tự tin như thế này. Lâu rồi mới được đọc một cuốn sách về đề tài nông thôn am hiểu, sâu sắc và hấp dẫn đến thế, nhất là khi vấn đề ruộng đất của nông dân ở nhiều nơi trên đất nước đang sốt sình sịch, tiềm ẩn những xung đột không dễ bề hóa giải.
Và lo cho sách hay rơi vào tay lớp người đọc bất chấp chi tiết đắt, chỉ muốn biết chuyện đi đến đâu, kết cục ra sao...
Ảnh: NVCC
Trương Tư Tần Quỳnh vốn là nhà báo công tác tại Đài truyền hình Việt Nam, đã nghỉ hưu. Ông ấp ủ mộng văn chương từ nhỏ nhưng khi bước vào tuổi U-70 mới xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay Di chúc hoa ti gôn (2007).
Đúng 10 năm sau, Ngày mai sương muối (NXB Trẻ), tiểu thuyết thứ hai của ông ra đời, gây được sự chú ý của dư luận không chỉ vì chạm đến vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay là ruộng đất của người nông dân mà còn bằng sự từng trải sâu sắc và bút pháp tiểu thuyết già dặn, cuốn hút. Có lẽ ông là nhà văn "tay ngang" lớn tuổi nhất hiện nay đang làm "sóng sánh" văn đàn.
Hữu Việt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận